Đường dẫn truy cập

Đậu mùa khỉ không phải chuyện đùa, vắc-xin COVID không liên quan


Một y tá chăm sóc bệnh nhân bệnh đậu mùa khỉ tại một trung tâm chữa trị ở Munigi, miền đông Congo, ngày 19/8/2024.
Một y tá chăm sóc bệnh nhân bệnh đậu mùa khỉ tại một trung tâm chữa trị ở Munigi, miền đông Congo, ngày 19/8/2024.

Một chủng mới, dễ lây của virus bệnh đậu mùa khỉ đang lan tràn toàn cầu sau một đợt bùng phát lớn ở Châu Phi.

Clade Ib, biến thể mới của clade I, lần đầu tiên được báo cáo vào tháng 9 năm ngoái trong số những người hành nghề mại dâm tại thị trấn khai thác mỏ Kamituga ở Cộng hòa Dân chủ Congo, hiện đã đột biến, ảnh hưởng đến trẻ em dưới 15 tuổi.

Vào ngày 14 tháng 8, Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ nhì trong hai năm sau khi nó lây lan sang các quốc gia láng giềng của Congo vốn không có hồ sơ về các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ trước đó.

Đáp lại tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu của WHO về bệnh đậu mùa khỉ, ông Eric Amunga, có tài khoản trên X là AMERIX, cáo buộc WHO là một tổ chức tội phạm và yêu cầu 1,9 triệu người theo dõi của mình tránh xa các hướng dẫn an toàn mà tổ chức này ban hành: “Bệnh đậu mùa khỉ là một trò lừa đảo. Đừng tuân thủ. Hãy từ chối. Pfizer muốn xóa sổ kho vắc-xin COVID-19 của mình sau khi mọi người xa lánh chúng. Cơ quan chính trị tham nhũng của Afrika muốn chuyển hướng cuộc nổi loạn đang sôi sục của GenZ. Bệnh đậu mùa khỉ là một trò lừa đảo khác của WHO.’’

Điều đó là sai.

Chỉ riêng trong năm nay, bệnh đậu mùa khỉ đã giết chết 517 người và lây nhiễm cho 17.000 người, CDC Châu Phi đưa tin. Với các đột biến mới, hung hãn hơn, nó đã leo thang thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Vắc-xin COVID không áp dụng để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Vắc-xin đậu mùa Jynneos do công ty Bavarian Nordic của Đan Mạch phát triển được sử dụng để điều trị virus bệnh đậu mùa khỉ.

Liên hiệp châu Phi về Phòng ngừa, Chuẩn bị và Ứng phó với Đại dịch (PPPR), đại diện cho 54 quốc gia châu Phi, cho biết vào ngày 16 tháng 8 rằng số lượng các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng có thể tăng từ 13 lên thành 16 sau khi 3 quốc gia khác báo cáo “các trường hợp đang được điều tra để xác nhận”.

Thụy Điển đã báo cáo trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ sau thông báo của WHO. Kể từ đó, các trường hợp mới đã được ghi nhận ở những nơi khác bên ngoài châu Phi.

Kể từ năm 2022, Hoa Kỳ đã ghi nhận 32.000 ca nhiễm và 58 ca tử vong, chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới đồng tính và song tính.

Amunga không nói với gần 2 triệu người theo dõi của mình trên X rằng bệnh đậu mùa khỉ không phải là một căn bệnh mới. Loại virus này được phát hiện vào năm 1958 trong một đàn khỉ và trường hợp đầu tiên nhiễm ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Theo CDC Châu Phi, “virus này phổ biến nhất ở các khu rừng nhiệt đới ở Tây và Trung Phi, và hàng ngàn ca bệnh được báo cáo mỗi năm”.

Mặc dù hoàn toàn sai, lời kêu gọi của Amunga về việc không tuân thủ các khuyến nghị của WHO về bệnh đậu mùa khỉ và việc ông mô tả vắc-xin để ngăn ngừa phản ứng nghiêm trọng với virus là một “trò lừa đảo” là một phần của xu hướng lan truyền trên toàn cầu trên X, liên quan đến hàng ngàn người phản đối vắc-xin và xu hướng này tiếp cận tới hàng triệu người dùng trên mạng xã hội.

Diễn đàn

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG