Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘ưu tiên tối đa’ tiếp cận nguồn cung thuốc điều trị đậu mùa khỉ


Tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch đậu mùa khỉ trên thế giới đang dẫn đến tình trạng khan hiếm vaccine phòng chống bệnh này.
Tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch đậu mùa khỉ trên thế giới đang dẫn đến tình trạng khan hiếm vaccine phòng chống bệnh này.

Cục Quản lý Dược, thuộc Bộ Y tế Việt Nam, vừa gửi văn bản cho các cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc và đề nghị tăng cường nghiên cứu việc sản xuất thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, tiếp cận nguồn cung cấp nguyên liệu làm thuốc và nhập khẩu về Việt Nam để chủ động nghiên cứu, sản xuất.

Yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam được đưa ra giữa bối cảnh Hoa Kỳ vào tuần trước tuyên bố dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, khi nước này ghi nhận hơn 6.600 người mắc bệnh. Tính đến ngày 12/8, số ca nhiễm bệnh tại Mỹ đã lên đến hơn 10.000 người.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế Việt Nam, các thuốc chứa dược chất Tecovirimat, Brincidofvir, Cidofovir, Probenecid là các thuốc được WHO khuyến cáo sử dụng, và vaccine đậu khỉ đã được cấp phép lưu hành tại một số quốc gia. Vì vậy, Cục này đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc cần tăng cường nghiên cứu và chủ động liên hệ với các cơ sở sản xuất nước ngoài để tiếp cận nguồn cung thuốc theo nhu cầu.

Cục Quản lý Dược cho biết sẽ ưu tiên tối đa trong việc cấp đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu các loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc trên.

Bệnh đậu khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, xuất phát từ châu Phi, có khả năng gây thành dịch, do virus đậu mùa ở khỉ gây ra và lây truyền từ động vật sang người. Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu khỉ là từ 6-13 ngày nhưng cũng có thể tăng lên từ 5-21 ngày. Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, năng lượng thấp và sưng hạch bạch huyết. Hầu hết người nhiễm bệnh đều hồi phục sau vài tuần, nhưng vẫn có nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, khả năng tử vong cao ở người có tiếp xúc lâu dài với virus, trẻ em, người có hệ miễn dịch kém.

Tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch đậu mùa khỉ ở Hoa Kỳ và trên thế giới hiện nay đang dẫn đến tình trạng khan hiếm vaccine phòng chống bệnh này. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ hôm 9/8 công bố thay đổi cách tiêm phòng vaccine, bằng cách tiêm dưới da thay vì tiêm sâu, để tăng gấp 5 lần số người được tiêm chủng với cùng số lượng vaccine mà không ảnh hưởng đến tính an toàn hay hiệu quả của vaccine. Bằng cách đó, Mỹ có thể tăng số lượng liều vaccine trong kho dự trữ quốc gia từ 441.000 liều lên hơn 2,2 triệu liều.

Cho tới nay, đã có hơn 30.000 trường hợp mắc bệnh và 12 trường hợp tử vong được ghi nhận trên toàn thế giới sau khi WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu vào ngày 24/7.

Việt Nam cho tới nay chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nào và được đánh giá là khu vực có mức nguy cơ xâm nhập bệnh từ thấp đến trung bình.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG