Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đề cử những nhân vật “diều hâu” đối với Trung Quốc nắm các vị trí trong nội các, như vậy, đối đầu Mỹ - Trung sẽ gia tăng và tạo thêm các rủi ro, khó khăn cho Việt Nam, 4 nhà nghiên cứu đánh giá với VOA.
Ba nhà nghiên cứu trong số họ nhận định Hà Nội sẽ có thể chèo lái được để không phải chọn bên. Ngược lại, một người cho rằng đất nước cộng sản ở Đông Nam Á sẽ buộc phải chọn bên.
Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đang quyết liệt có thể còn trầm trọng thêm trong thời gian tới, đặt Việt Nam và các nước Đông Nam Á “vào thế vô cùng khó khăn”, Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định.
Dẫn ra tin tức nói hồi tháng 9 rằng Mỹ thúc ép Việt Nam “tránh xa” các hãng láp đặt cáp internet dưới biển của Trung Quốc, ông Việt xem đó như là một chỉ dấu về việc 2 cường quốc cạnh tranh làm cho các nước nhỏ phải chọn bên. “Đó là thách thức địa chính trị lớn nhất đối với Việt Nam”, ông nói.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn cố gắng thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump, ông Việt nói và chỉ ra các thuận lợi cho Việt Nam gồm kinh nghiệm của đất nước về làm việc với ông Trump trong nhiệm kỳ 1, việc Trump Organization chốt đầu tư 1,5 tỷ đô la vào Hưng Yên - quê nhà của nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm - trùng với thời gian khi ông Lâm thăm Mỹ vào tháng 9, và ông Lâm là người thực tế, quyết đoán.
Về quan hệ với Trung Quốc, ông Việt đưa ra quan sát rằng ứng xử của Việt Nam với cường quốc láng giềng “đã được các quốc gia khen ngợi”.
“Trong thời gian tới, tôi nghĩ Việt Nam vẫn sẽ cố gắng cân bằng quan hệ với cả hai bên Mỹ và Trung Quốc. Ví dụ như nhường bước này cho Mỹ thì cũng nhường bước khác cho Trung Quốc để khiến cho hai bên cùng cân bằng lợi ích”, ông Việt dự báo.
“Sự kình địch gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc mang lại cả rủi ro lẫn lợi ích cho Việt Nam”, Tiến sĩ Alexander Vuving, giáo sư tại Trường Nghiên cứu An ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Daniel K. Inouye châu Á-Thái Bình Dương, ở Hawaii, Mỹ, chia sẻ suy nghĩ với VOA qua email.
Tình trạng cạnh tranh, đối đầu tăng lên đó làm cho Việt Nam trở nên quan trọng hơn về mặt chiến lược đối với cả Mỹ và Trung Quốc, mang lại cho Việt Nam nhiều trọng lượng hơn trong quan hệ với hai cường quốc này, nhưng tầm quan trọng lớn hơn đó cũng đem đến nguy cơ bị chèn ép giữa hai người khổng lồ, vẫn lời Tiến sĩ Vuving.
Về kinh tế, theo hai ông Vuving và Hoàng Việt, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc - với việc ông Trump đe dọa đánh thuế 60% chỉ riêng đối với hàng Trung Quốc - sẽ có lợi cho Việt Nam vì luồng luân chuyển thương mại và đầu tư sẽ đi tới Việt Nam, là cú hích lớn giúp đất nước này cất cánh, nhưng nó cũng tạo ra thách thức cho Việt Nam.
Lý do là một phần lượng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ sẽ chuyển sang Việt Nam, bao gồm việc các doanh nghiệp Trung Quốc lập cơ sở ở Việt Nam và đội lốt để xuất đi Mỹ, làm cho Việt Nam có nguy cơ cao trở thành một mục tiêu, thậm chí bị trừng phạt trong cuộc chiến thuế quan của chính quyền ông Trump.
“Xét về rủi ro chiến tranh thương mại kiểu này, tôi không nghĩ rằng Việt Nam còn có không gian để mà khắc phục. Thay vào đó, các công cụ của Việt Nam sẽ chủ yếu là về chính trị và ngoại giao, có tác dụng thể hiện thiện chí và nỗ lực của Việt Nam hợp tác với Mỹ. Có lẽ một trong những công cụ đó là mua một số hàng hóa nổi bật, bao gồm vũ khí”, ông Vuving tiên liệu.
Việt Nam sẽ cảm thấy sức ép phải chọn bên khi mối kình địch Mỹ - Trung trở nên khốc liệt hơn, “nhưng Việt Nam sẽ cứng cỏi cưỡng lại sức ép này, xét đến kinh nghiệm lịch sử và sự quyết tâm của đất nước về tự chủ chiến lược. Vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam sẽ cố thử nhiều cách khác nhau để tránh phải chọn bên”, nhà nghiên cứu ở Hawaii nhìn nhận.
Từ Australia, ông Carl Thayer, giáo sư đã nghỉ hưu của Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, nói với VOA rằng điều ông lo lắng là tổng thống sắp nhậm chức của Mỹ - Donald Trump - chỉ xem những cường quốc như Trung Quốc hay Nga mới là những nước quan trọng để Mỹ làm việc cùng và họ sẽ tìm cách “chia phần” thế giới.
“Điều đó sẽ buộc Việt Nam phải chọn bên”, ông nói. Nhưng theo vị giáo sư người Úc gốc Mỹ, Việt Nam có một số yếu tố để tránh bị Mỹ gây sức ép quá nhiều.
Đó là SpaceX của tỷ phú Elon Musk, người được xem là có công lớn nhất giúp ông Trump đắc cử, tính đầu tư 1,5 tỷ đô la vào Việt Nam; Trump Organization sẽ đầu tư vào Hưng Yên; và Việt Nam là một trong 4 nước châu Á cung cấp nhiều hàng bán dẫn nhất cho Mỹ.
Năm 2023, Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia và Đài Loan về kim ngạch xuất khẩu hàng bán dẫn sang Mỹ, đạt 562 triệu đô la.
“Mỹ không thể đi quá xa. Liệu họ lấy đâu ra hàng bán dẫn nếu họ cắt đứt Việt Nam?”, Giáo sư Thayer nói.
Trên bình diện rộng hơn về thương mại, Việt Nam nhiều năm nay đều hưởng thặng dư trong xuất nhập khẩu với Mỹ, đạt từ khoảng 70 tỷ đô la đến hơn 110 tỷ đô la mỗi năm chỉ riêng trong 3 năm từ 2019-2022.
Theo ông Thayer, có nguy cơ là Mỹ dưới thời chính quyền Trump 2.0 sẽ áp thuế quan có chọn lọc đối với Việt Nam và một số nhà kinh tế dự báo điều đó có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 0,5 điểm phần trăm, tuy nhiên, Việt Nam có thể đa dạng hóa các thị trường, bao gồm cả Trung Đông.
Vị giáo sư ở Úc nhận định: “Chúng ta thấy Ngân hàng Thế giới nói rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7%, gần 7%, và nhiều khả năng vẫn giữ tốc độ đó. Điều mà tôi muốn nói là cho dù có sức ép gì, Việt Nam hiện ở vào một vị trí tương đối tốt để mà chống chọi lại và không chọn bên”.
Đưa ra góc nhìn từ Pháp, nhà nghiên cứu và bình luận Trương Nhân Tuấn lưu ý đến những thay đổi về chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì của ông Trump.
Đó là các hồ sơ lớn liên quan đến địa cầu như khủng hoảng khí hậu có thể sẽ không còn là trọng tâm, nếu không nói sẽ bị gạt bỏ; và các nguồn viện trợ nhân đạo từ Mỹ có thể sẽ giảm đi.
Nhưng đặc biệt đáng chú ý là “nước Mỹ thời ông Trump sẽ không còn đóng vai trò ‘ngọn hải đăng dân chủ’ làm gương cho thế giới. Khuynh hướng đề cao ‘lãnh đạo mạnh mẽ’ kiểu Putin, Tập Cận Bình, Kim Jong-un… của ông Trump có thể khiến thế giới dân chủ tự do chao đảo trong một thời gian”, ông Tuấn nêu ý kiến với VOA qua email.
Theo ông, giá trị của các luật lệ và các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc có thể bị hạ thấp, hệ quả là một nước Việt Nam mà chỉ dựa vào “luật quốc tế” để tự vệ sẽ “yếu và đơn độc” khi ở bên cạnh một đại cường “bành trướng và dân tộc chủ nghĩa” là Trung Quốc. “Nguy cơ của Việt Nam phải nói là rất lớn”, vẫn lời ông Tuấn.
Về kinh tế, nhà nghiên cứu ở Pháp có cùng quan điểm với hai ông Vuving và Hoàng Việt là Việt Nam có lợi nhiều khi Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, theo đó, các doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam vì nơi này được coi là quốc gia bạn bè, thân thiện và thuận tiện, gần kề về mặt địa lý, hay còn gọi là “friendshoring” và “nearshoring”.
Mặc dù vậy, khác với hai nhà nghiên cứu ở Hawaii và thành phố Hồ Chí Minh, ông Tuấn dẫn ra việc Tổng thống đắc cử Trump mới đây đe dọa áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, nếu hai quốc gia này không ngăn chặn làn sóng di dân và dược chất fentanyl đưa lậu vào Mỹ, để cảnh báo rằng nếu cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên quyết liệt hơn, ông Trump “có thể sử dụng thuế quan để ép Việt Nam theo Mỹ để chống lại Trung Quốc”.
“Lúc đó bắt buộc Việt Nam phải ‘chọn bên’. Điều quan trọng là Việt Nam phải chọn đúng ‘bên thắng cuộc’ để theo. Chọn sai, Việt Nam có thể bị tàn phá mà không được đền bồi”, ông Tuấn khái quát ra một con đường khó khăn.
VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ về vấn đề này nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Diễn đàn