Một vài trong số nhiều ủng hộ viên của ông Donald Trump ở Việt Nam mới đây bày tỏ kỳ vọng rằng trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ lần thứ hai, ông Trump sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc theo cách thức phù hợp để không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam và quan hệ Việt-Mỹ sẽ trở nên gần gũi hơn.
Những ý kiến này được chia sẻ với VOA trong bối cảnh vào ngày bầu cử tổng thống Mỹ 5/11, từ 70% đến 79% độc giả được vấn ý trên các trang báo mạng lớn của Việt Nam như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VietnamNet… đã bầu chọn cho ứng cử viên Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa, người từng là tổng thống Mỹ từ năm 2017 đến năm 2021.
Ông Trump đã giành chiến thắng vang dội cả về số phiếu phổ thông lẫn số phiếu đại cử tri, lần lượt là hơn 75 triệu phiếu và 312 phiếu, so với các con số gần 72 triệu phiếu và 226 phiếu bên phía đối thủ của ông, là bà Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ, đương kim phó tổng thống.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam trên thực tế, đã điện đàm và gửi lời chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ hôm 11/11.
Truyền thông nhà nước Việt Nam tường thuật rằng hai ông Lâm và Trump đã trao đổi việc thúc đẩy, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Tổng thống đắc cử của Mỹ nói ông “tin tưởng rằng quan hệ hữu nghị giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển” và “chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về nhân dân Việt Nam” cũng như “nhắc lại kỷ niệm với đất nước, con người Việt Nam qua 2 chuyến thăm trước đây”, vẫn theo báo chí Việt Nam.
Ông Trump đến thăm Việt Nam hồi tháng 11/2017 nhân hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và vào cuối tháng 2/2019 khi ông họp thượng định với ông Kim Jong Un, lãnh tụ của Triều Tiên.
Cựu nhà báo Nguyễn Phạm Mười ở Hà Nội, một ủng viên của ông Trump, nói với VOA về ấn tượng mà ông Trump, tổng thống Mỹ khi đó, đã để lại với người Việt Nam:
“Ông thăm Việt Nam thì ông cũng cầm cờ Việt Nam ông vẫy. Ông rất thân thiện, nhiều người đón tiếp ông từ sân bay về đến Hà Nội và nhiều phát biểu của ông rất ủng hộ quan hệ Việt-Mỹ”.
Ông Mười, người từng làm việc cho hãng thông tấn Mỹ AP và là giám đốc hãng dịch vụ tin tức tư nhân Toàn Việt, đưa ra quan sát cá nhân rằng có rất nhiều người Việt ủng hộ ông Trump và nếu họ được đi bầu, họ sẽ bỏ phiếu cho ông ấy, phù hợp với những khảo sát của các báo mạng Việt Nam.
Đề cập đến việc Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2023, ông Mười nói về những điều mà ông cho rằng nhiều người Việt muốn thấy:
“Trong nhiệm kỳ I, ông Trump đã có nhiều thân thiện với Việt Nam. Bây giờ khi ông quay lại, mọi người hy vọng ông sẽ tiếp tục có quan hệ tốt với Việt Nam. Quan hệ hai nước đã lên giai đoạn mới, mọi người kỳ vọng những cái gì đã tốt đẹp lại phát triển lên những cái tốt đẹp mới”.
Một ủng hộ viên khác của ông Trump, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh ở thành phố Hồ Chí Minh, người thường xuyên đi lại giữa Việt Nam và Mỹ, nói với VOA rằng cá nhân bà, nhiều doanh nhân và nhiều người Việt mong dưới thời ông Trump sẽ có những kết quả thiết thực từ mối quan hệ được nâng cấp:
“Những người Việt Nam và những doanh nhân Việt Nam cũng muốn hai nước gần lại. Chúng tôi hy vọng sẽ tiến gần hơn với Mỹ về các vấn đề như sản xuất chip hay rất nhiều vấn đề kinh tế. Chúng tôi muốn đẩy mạnh các quan hệ về kinh tế và về những lợi ích, nếu có thể có những tiến triển tốt đẹp hơn nữa”.
Bà Hoài Anh cho biết bà cũng quan tâm đến ý định của ông Trump sẽ đánh thuế nhập khẩu ở mức 10% đối với hàng hóa các nước và riêng Trung Quốc là ít nhất 60%:
“Tôi cũng tìm hiểu và nhiều người Việt Nam khác cũng tìm hiểu, biết được là chủ trương của ông Trump là đánh thuế vào các nước khác, nhưng chắc chắn là thuế sẽ không lớn như [mức đánh vào] Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng nếu kinh tế Mỹ khởi sắc, có nhiều việc làm thì điều đó cũng tốt cho Việt Nam”.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vừa là đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ vừa là nước láng giềng khổng lồ có nhiều xung đột với Việt Nam trong lịch sử.
Do Trung Quốc và Mỹ có căng thẳng thương mại kéo dài từ nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của ông Trump qua 4 năm ông Biden cầm quyền, nhiều hãng Trung Quốc đã chuyển một số công đoạn sản xuất sang Việt Nam và xuất khẩu từ đó tới Mỹ.
Thực tế đó dẫn đến những quan ngại là Việt Nam có thể bị vạ lây khi ông Trump bắt tay vào hiện thực hóa lập trường cứng rắn của ông đối với Trung Quốc, đã được tuyên bố khi còn tranh cử. Nhưng cựu nhà báo Nguyễn Phạm Mười cho rằng các doanh nhân và nhà kinh tế Việt chỉ “có chút lo ngại” và “không quá lớn”:
“Họ không ngại là thương mại Việt-Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều vì những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ là những mặt hàng Mỹ bắt buộc phải mua. Nước Mỹ tìm đâu được hàng rẻ hơn được nữa? Chúng tôi chỉ ngại Mỹ làm được những hàng tốt hơn và rẻ hơn. Nhưng Mỹ không làm được mà đánh thuế thì chỉ đánh vào người tiêu dùng Mỹ thôi”.
Theo ông Mười, dù ông Trump muốn cơ cấu lại nền kinh tế Mỹ, điều đó phải mất nhiều thời gian, do vậy, thương mại Việt-Mỹ vẫn tiếp tục phát triển như trong nhiệm kỳ lần trước của ông Trump.
Nhận định kể trên tương đồng với những gì ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích Kinh tế Vĩ mô và Nghiên cứu Thị trường của hãng đầu tư và quản lý tài sản VinaCapital, nói trong một bài báo của Thông Tấn Xã Việt Nam đăng hôm 8/11.
Ông Kokalari cho rằng không có lý do gì để ông Trump nhắm vào Việt Nam khi người tiêu dùng Mỹ không phản đối một cách đáng kể về các sản phẩm "made in Vietnam". Ông thậm chí nhận xét rằng Việt Nam có thể giúp Mỹ thoát khỏi việc phụ thuộc vào hàng giá rẻ từ Trung Quốc.
Việt Nam có thể sản xuất những mặt hàng mà người tiêu dùng Mỹ muốn mua nhưng quá đắt để sản xuất tại Mỹ, ông nói, theo trích dẫn trên Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trong nhiều năm nay, Mỹ là nước nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam nhất. Theo số liệu của Bộ Công Thương được báo chí trong nước trích dẫn hôm 10/11, trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là 98,4 tỷ đô la, tăng hơn 24%, so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam vẫn xuất siêu sang Mỹ, đạt 86,1 tỷ đô la, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước.
Khác với ông Mười và bà Hoài Anh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, cựu giảng viên đại học ở Hà Nội, cho VOA thấy một tâm trạng kém lạc quan trong giới kinh doanh vào lúc giao thời, trước khi ông Trump chính thức trở thành tổng thống Mỹ:
“Tất cả những người làm xuất nhập khẩu, những người làm ăn đều lo lắng, cảnh giác, bởi vì người ta không thể dự đoán trước được. Trong thời gian Trump cầm quyền [lần trước], không dưới một vài lần, Trump cũng có đe dọa trừng phạt thương mại Việt Nam. Giới làm ngoại thương đều lo lắng. Những người làm ngoại giao cũng lo lắng. Tại vì người ta không thể nào tiên đoán được trước ông ấy sẽ hành động như thế nào”.
Bà Ánh, một nhà bình luận thời cuộc nhận được nhiều sự chú ý lâu nay, nói bà không ủng hộ ông Trump.
Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng mới đây cảnh báo rằng sắp tới, khi ông Trump làm tổng thống, Mỹ sẽ gia tăng bảo hộ ngành sản xuất của họ, sẽ có các biện pháp phòng vệ thương mại, và các vụ kiện về vấn đề này có thể sẽ nhiều hơn, theo trích dẫn trên báo Kinh Tế Và Đô Thị ở Hà Nội hôm 10/11.
Ông Hưng khuyên các doanh nghiệp trong nước cần phải sớm chuẩn bị để đối phó, bên cạnh đó, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cần minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu đầu vào.
Vị tham tán thương mại cũng đề xuất Việt Nam cần có nỗ lực để cân bằng thương mại giữa hai nước bằng cách tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tránh xuất khẩu quá ồ ạt.
Diễn đàn