Đường dẫn truy cập

Chủ tịch Việt Nam chỉ trích ông Trump khi nói chiến tranh thương mại dẫn đến nghèo đói?


Chủ tịch Việt Nam Lương Cường (phải) tại hội nghị APEC Peru 2024; Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) nói chuyện với Thủ tướng Australia Anthony Albanese (giữa) - AFP PHOTO/HANDOUT/APEC PERU 2024
Chủ tịch Việt Nam Lương Cường (phải) tại hội nghị APEC Peru 2024; Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) nói chuyện với Thủ tướng Australia Anthony Albanese (giữa) - AFP PHOTO/HANDOUT/APEC PERU 2024

Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường nhận xét rằng bảo hộ, chiến tranh thương mại dẫn đến suy thoái, nghèo đói khi ông phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC ở Peru hôm 14/11, theo nội dung bài diễn văn của ông được đăng trên Báo Chính Phủ của Việt Nam và các báo khác ở trong nước.

APEC là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương gồm 21 thành viên, bao gồm cả Mỹ và Việt Nam.

Tuy ông Cường không đề cập đích danh Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ và báo chí Việt Nam không bình luận gì thêm, nhưng hãng tin kinh tế-tài chính Bloomberg cho rằng đó là một trong những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất đến nay về đường lối thương mại của ông Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 5/11.

Trong bài diễn văn của mình, chủ tịch Việt Nam cho rằng một trong những điều rất cần thiết để các nền kinh tế thành viên APEC phát triển thuận lợi là phải bảo đảm môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, khuyến khích thương mại và đầu tư toàn cầu, hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế.

Ông Cường đúc kết từ lịch sử kinh tế thế giới qua nhiều thế kỷ rằng “chỉ khi thương mại được thúc đẩy, được kết nối … thì mới có phát triển, mới có thịnh vượng”, và đối lập lại, “đóng cửa, bảo hộ, chiến tranh thương mại sẽ chỉ dẫn đến suy thoái, xung đột và nghèo đói”.

Nguyên thủ của Việt Nam tiếp đến nhấn mạnh rằng “Hơn bao giờ hết, cần loại bỏ tư duy ‘nhất bên thắng, nhất bên thua’, không để chủ nghĩa dân tộc làm méo mó chính sách”.

“Trong một thế giới gắn kết, lợi ích đan xen chặt chẽ như ngày nay, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế và hành xử có trách nhiệm, bởi mỗi quyết sách đưa ra đều có tác động rất lớn, dẫn đến hệ quả khôn lường”, vẫn lời ông Cường.

Ông cũng đề nghị rằng “quan hệ thương mại, đầu tư quốc tế phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và bảo đảm cân bằng lợi ích, cạnh tranh công bằng”.

Trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ lần trước của mình, từ 2017-2021, ông Trump đã nhiều lần công kích, thậm chí đe dọa rút khỏi WTO.

Quan điểm của Chủ tịch Cường được đưa ra trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam đối mặt với mối đe dọa là có thể sẽ phải chịu thuế nhập khẩu của Mỹ lên đến 20% nếu như ông Trump thực sự tăng thuế quan đối với hàng hóa nước ngoài khi ông chính thức nắm quyền tổng thống từ tháng 1/2025.

Mỹ là thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Công Thương được báo chí trong nước trích dẫn hôm 10/11, trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là 98,4 tỷ đô la, tăng hơn 24%, so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam vẫn xuất siêu sang Mỹ, đạt 86,1 tỷ đô la, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước.

Trong cả năm 2023, Việt Nam hưởng thặng dư lên đến 103 tỷ đô la trong trao đổi thương mại với Mỹ.

Một số học giả nói trong một phóng sự của VOA đăng hôm 12/11 rằng Việt Nam sẽ đứng trước sức ép phải cân bằng thương mại trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Trump. Ông đã đòi hỏi như vậy trong nhiệm kỳ thứ nhất.

Như VOA đã đưa tin, các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam mới đây đã chúc mừng và điện đàm với vị tổng thống đắc cử của Mỹ nhưng chưa đưa ra bình luận công khai về ý định tăng thuế quan của ông Trump.

Mặc dù vậy, phát biểu ở Peru hôm 14/11, Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường cho rằng: “Việc áp đặt các tiêu chuẩn mới đối với thương mại, đầu tư mà không xuất phát từ cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, bỏ qua các khác biệt về trình độ phát triển, đặc thù của các quốc gia, thì không những cướp đi cơ hội việc làm của hàng trăm triệu người lao động, mà còn triệt tiêu sức sáng tạo và ngăn cản sự phát triển của doanh nghiệp”.

VOA liên lạc với Văn phòng Chủ tịch nước Việt Nam để tìm hiểu thêm nhưng không kết nối được.

Trang Newsweek đăng bài hôm 15/11 trích lời ông Patrick Dine, giám đốc điều hành của hãng tư vấn PSD Global, cho rằng nếu ông Trump thực thi lời hứa khi tranh cử là tăng thuế quan, bao gồm cả mức 60% áp riêng vào hàng Trung Quốc, và được Quốc hội Mỹ thông qua, những bên bị thiệt hại nhiều nhất sẽ là Trung Quốc và phần lớn châu Á, nơi có Việt Nam.

Trước đây, trong cùng tháng này, chuyên gia kinh tế Tamara Mast Henderson của Bloomberg viết trong một báo cáo rằng “Trong cùng khu vực, Việt Nam có nhiều nguy cơ nhất về việc dòng vốn đầu tư nước ngoài bị khựng lại – nền kinh tế của nước này lệ thuộc vào thương mại nhiều hơn và thặng dư thương mại của họ với Mỹ đã tăng mạnh trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump và tiếp tục trong thời của chính quyền Biden”.

Hồi giữa tháng 10, khi ông Trump còn đang tranh cử, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch dự báo nếu ông trở lại nắm quyền tổng thống, nhiệm kỳ thứ hai này của ông có thể dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn đáng kể ở một số nền kinh tế châu Á, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam bị ảnh hưởng đặc biệt.

Trong trường hợp xấu nhất, GDP thực tế của 3 quốc gia này vào năm 2028, tức cuối nhiệm kỳ của ông Trump, có thể sẽ giảm đến 1% hoặc hơn so với mức dự kiến hiện tại của Fitch, nếu chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ tăng mạnh.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG