Quan hệ Mỹ-Việt nhìn chung vẫn sẽ tốt đẹp dưới nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Donald Trump do hai bên đã xây dựng được lòng tin, tuy nhiên Việt Nam phải điều chỉnh theo chính sách ngoại giao thực dụng của ông Trump lấy thương mại làm trung tâm, các học giả nói với VOA.
Ông Donald Trump hôm 5/11 đã đắc cử tổng thống thứ 47 của Mỹ và sẽ nhậm chức vào đầu năm sau trong nhiệm kỳ kéo dài đến năm 2028.
Với chủ trương ‘Nước Mỹ trên hết’, việc ông Trump quay trở lại đã làm cho các đồng minh của Washington ở châu Âu cũng như châu Á lo ngại. Họ lo sợ Mỹ sẽ giảm bớt cam kết với các đồng minh cũng như sẽ khơi mào cuộc chiến tranh thương mại rộng khắp.
‘Tiếp cận cân bằng’
“Khác với các tổng thống trước, ông Trump mong muốn các nước đồng minh Châu Á phải mạnh tay chi tiêu quốc phòng hơn và ký kết các hiệp định thương mại có lợi cho Mỹ nhiều hơn do ông là một tổng thống transactional (làm việc theo kiểu giao dịch làm ăn) và nativist (ưu tiên lợi ích nước Mỹ trong ngắn hạn),” Tiến sỹ Khang Vũ, học giả thỉnh giảng tại trường Boston College, trao đổi với VOA.
“Các đồng minh Châu Á trong thời gian tới sẽ cố gắng xoa dịu ông bằng cách mua hàng của Mỹ hay đầu tư nhiều hơn cho doanh nghiệp Mỹ và mở nhà máy trên đất Mỹ,” Tiến sỹ Khang nói thêm.
Khác với các đồng minh châu Á khác của Mỹ vốn ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ Kamala Harris, việc Hà Nội không tỏ ra ủng hộ bên nào sẽ giúp họ ‘không gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận ông Trump’, cũng theo lời học giả này.
Ông Khang nhắc lại Hà Nội đã rất nhanh chóng tiếp cận với chính quyền Trump khi ông thắng cử hồi năm 2016 mặc dù họ đã rất bất ngờ. Khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được ông Trump tiếp đón tại Nhà Trắng vào tháng 5 năm 2017. Khi đó, hai nước đã có các trao đổi về thương mại cũng như quốc phòng.
“Việt Nam sẽ tập trung phát triển trao đổi kinh tế và công nghệ, và hạn chế trao đổi quốc phòng do áp lực từ phía Trung Quốc,” ông Khang dự đoán phương hướng quan hệ hai nước trong thời gian sắp tới.
Một học giả khác chuyên nghiên cứu về quan hệ Việt-Mỹ là Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, hiện đang là học giả thỉnh giảng tại American University tại thủ đô Washington, khuyến nghị Hà Nội cần có ‘cách tiếp cận chủ động và cân bằng’ với chính quyền ông Trump.
“Ông Trump là người muốn thấy hành động và kết quả cụ thể, cho nên việc chủ động tiếp cận và thúc đẩy quan hệ với ông Trump, áp dụng phương cách ‘ông mất chân giò, bà thò chai rượu’ sẽ là cách tiếp cận thích hợp,” ông Hải giải thích.
“Có thể chính quyền Trump sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng và thuyết phục Việt Nam mua vũ khí của Mỹ, xem đó như là một hướng để cân bằng thương mại giữa hai nước,” ông dự đoán.
Chiến tranh thương mại
Trả lời câu hỏi của VOA về việc Hà Nội cần chuẩn bị gì cho cuộc chiến thương mại sắp tới của ông Donald Trump, Tiến sỹ Hải nói Việt Nam ‘cần tận dụng cuộc chiến này từ cả phía Trung Quốc và phía Mỹ để đem lại lợi ích cho mình’.
Các mức thuế quan mà ông Trump áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông đã kích hoạt làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó Việt Nam được cho là nước được hưởng lợi nhiều nhất.
Tuy nhiên, ông cho rằng Hà Nội cần cẩn trọng nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu vào Mỹ vì nếu bị Mỹ áp thuế thì ‘lợi bất cập hại’.
“Ông Trump đã công khai nói sẽ áp mức thuế từ 10% đến 20% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ. Do vậy, Việt Nam phải tìm hiểu và có cách tiếp cận phù hợp với chính sách này,” ông Hải cảnh báo nhưng cũng cho rằng Hà Nội đã ‘chơi tốt’ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump và đã đáp ứng yêu cầu của chính quyền Trump cả đối ngoại và đối nội.
Về sự thất thường trong chính sách đối ngoại của ông Trump, ông Hải cho rằng Hà Nội nên ứng phó bằng cách xây dựng mối quan hệ gần gũi với đội ngũ cố vấn và thực thi chính sách của Trump và thúc đẩy quan hệ với Quốc hội Mỹ.
Tiến sỹ Khang nhận định rằng chính thương mại mới là yếu tố quyết định sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ trong những năm tới.
“Trump từ lâu đã lên tiếng cần phải giảm thâm hụt thương mại với Việt Nam. Với tư cách là một tổng thống có xuất thân từ kinh doanh, ông Trump hiển nhiên không thích nước Mỹ bị Việt Nam ‘lợi dụng’ thương mại,” ông phân tích.
Theo lời ông Khang thì có khả năng cao ông Trump sẽ ép Việt Nam mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn để giảm thâm hụt thương mại.
“Việt Nam cần khôn khéo tránh các đòn trừng phạt thương mại của Mỹ, như cáo buộc thao túng tiền tệ, và lựa chọn mua những mặt hàng của Mỹ nhằm phát triển công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo,” ông khuyến nghị.
Biển Đông sẽ ra sao?
Trên hồ sơ an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng có Biển Đông, Tiến sỹ Khang nói ‘còn phải trông chờ nhiều hơn vào thành viên nội các của ông Trump trong tương lai’, nhất là hai vị trí cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng.
Nhìn từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump, ông Khang nói ông Trump ‘vẫn muốn duy trì hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực’. “Ông Trump có thể giảm hiện diện của Mỹ tại khu vực chỉ khi các nước châu Á không đáp ứng được yêu cầu của ông Trump,” ông phân tích.
Dưới nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Bắc Kinh đã tăng cường quấy rối việc thăm dò dầu khí của Việt Nam quanh Bãi Tư Chính trên Biển Đông hồi năm 2019 trong khi Washington đã triển khai các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FNOP) trên vùng biển này.
Tiến sỹ Hải cho biết chính quyền đầu tiên của ông Trump ‘đã có những tuyên bố và hành động phản đối khá cứng rắn’ với những tuyên bố yêu sách chủ quyền và những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông
“Chính quyền Trump cho đến nay đã bác bỏ mạnh mẽ nhất những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, cho rằng hầu hết tất cả những yêu sách của Trung Quốc là trái pháp luật,” ông cho biết.
Theo lời ông thì chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ tiếp tục cứng rắn với những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Vấn đề an ninh Biển Đông không phụ thuộc vào việc Mỹ thiết lập liên minh, mà vì nó trực tiếp ảnh hưởng và đe dọa đến an ninh và vị trí thống trị của nước Mỹ,” Tiến sỹ Hải trả lời câu hỏi của VOA về việc chính quyền sắp tới của ông Trump có đe dọa những liên minh mà ông Biden đã xây dựng với Nhật, Hàn, và Philippines hay không.
‘Quan hệ luôn tốt’
Cả hai học giả đều nhận định rằng cho dù Biden hay Trump làm tổng thống thì quan hệ giữa Washington với Hà Nội ‘luôn tốt đẹp’.
“Việt Nam là một trong những nước có được sự ủng hộ của lưỡng đảng Hoa Kỳ,” ông Khang phân tích. “Quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến lớn cả dưới nhiệm kỳ một của ông Trump và ông Biden từ năm 2017 đến nay,” ông cho biết.
“Ngoại giao cây tre là hòn đá tảng của ngoại giao Việt Nam, và Hà Nội sẽ không thay đổi chính sách này chỉ vì một tổng thống Mỹ,” ông nói thêm. “Điểm mạnh của ngoại giao cây tre là Hà Nội không đặt hết trứng vào một giỏ, nên cho dù tổng thống Mỹ nào đắc cử đi chăng nữa, chính sách ngoại giao với Mỹ của Việt Nam sẽ không thay đổi.”
Về phần mình, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải cho rằng tổng thể quan hệ Việt-Mỹ từ thời Trump cho đến chính quyền Biden ‘vẫn theo chiều hướng đi lên’.
Nếu như chính quyền Biden đã nâng cấp quan hệ hai nước lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện vào cuối năm 2023, thì ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên đã đến Việt Nam hai lần trong một nhiệm kỳ và ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, cho dù là tham dự các sự kiện quốc tế, ông Hải chỉ ra.
“Điều đó nói lên rằng ông Trump đánh giá cao và coi trọng vị thế của Việt Nam. Ông ấy đã từng ca ngợi Việt Nam là tấm gương phát triển,” Tiến sỹ Hải chỉ ra.
Ông cũng dẫn ra việc có hai chiếc hàng không mẫu hạm cập cảng Việt Nam dưới thời Trump là Carl Vinson vào năm 2018, lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam kể từ sau năm 1975, và Theodore Roosevelt vào năm 2020, và chiếc Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng dưới thời Biden vào năm 2023 để cho thấy quan hệ an ninh-quốc phòng giữa hai nước vẫn tiến triển tốt đẹp cho dù là dưới thời Trump hay Biden.
Tuy nhiên, về kinh tế-thương mại thì ông Hải chỉ ra kim ngạch giao thương Việt-Mỹ dưới thời Biden ‘cao hơn hẳn’ so với dưới thời Trump với trên 100 tỉ đô la Mỹ trong hai năm 2022 và 2023 trong khi dưới 4 năm nhiệm kỳ Trump dù cao nhất cũng đạt trên 81 tỉ vào năm 2020.
“Nếu nói về khuyến khích đầu tư thì dưới thời chính quyền Biden tốt hơn, vì ai cũng hiểu ông Trump luôn khuyến khích các nhà đầu từ Mỹ quay về Mỹ đầu tư và sản xuất,” ông Hải nói.
Ông dự đoán cho dù ông Trump có bất bình vì thặng dư của Việt Nam trong thương mại với Mỹ nhưng quan hệ giữa Washington với Hà Nội ‘sẽ vẫn tốt đẹp’ vì Việt Nam ‘chủ động và biết cách quan hệ và làm ăn với Mỹ’ trong khi Mỹ ‘không coi Việt Nam là đối thủ hay đe dọa như Trung Quốc’.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn