Đường dẫn truy cập

Việt Nam cách ly tập trung người nhập cảnh bị nghi nhiễm đậu mùa khỉ


Một nhân viên hải quan đo thân nhiệt hành khách tới sân bay Nội Bài qua máy quét thân nhiệt ngày 21/1/2020 khi dịch COVID-19 mới bùng phát ở Trung Quốc. Hành khách nhập cảnh Việt Nam hiện nay bị đo thân nhiệt để phát hiện những người nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Một nhân viên hải quan đo thân nhiệt hành khách tới sân bay Nội Bài qua máy quét thân nhiệt ngày 21/1/2020 khi dịch COVID-19 mới bùng phát ở Trung Quốc. Hành khách nhập cảnh Việt Nam hiện nay bị đo thân nhiệt để phát hiện những người nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Bộ Y tế Việt Nam hôm 22/8 nói rằng họ sẽ giám sát những người nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á từ các khu vực có dịch đậu mùa khỉ và đưa đi cách ly tập trung những người bị nghi ngờ mang mầm bệnh.

Quyết định do Bộ Y tế ban hành được truyền thông trong nước trích dẫn nói rằng Bộ yêu cầu các địa phương giám sát người nhập cảnh tại cửa khẩu thông qua đo thân nhiệt, giám sát của kiểm dịch viên y tế hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh khai báo.

Quyết định hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ còn yêu cầu các trường hợp phát hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần được chuyển tới nơi cách ly tạm thời để khai thác yếu tố dịch tễ và khám sơ bộ, theo Tuổi Trẻ.

Cũng ghi nhận về quyết định của Bộ Y tế, Tiền Phong cho biết căn cứ theo kết quả khám, khai thác dịch tễ để quyết định đưa người nhập cảnh tới cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị hoặc đề nghị tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Bên cạnh đó, người nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia, khu vực có dịch lưu hành được Bộ Y tế yêu cầu tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày sau khi nhập cảnh.

Việc cách ly tập trung và theo dõi sức khỏe trong vòng 3 tuần cũng được Việt Nam áp dụng trong thời gian đầu của đại dịch virus corona nhằm khống chế việc lây nhiễm từ người nhập cảnh vào cộng đồng. Thời gian cách ly tập trung sau đó được giảm xuống khi dịch được khống chế và được bỏ hẳn khi Việt Nam mở cửa cũng như quyết định chuyển sang coi COVID-19 là một căn bệnh truyền nhiễm thông thường.

Bộ Y tế cho biết Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nào trong khi thế giới cho đến nay ghi nhận trên 35.000 ca nhiễm, trong đó có 12 trường hợp tử vong, theo Tiền Phong.

Mỹ hiện đang có số ca nhiễm đậu mùa khỉ cao nhất thế giới, với hơn 5.100 ca, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thống kê này cho biết, Mỹ cùng với 9 quốc gia khác, chủ yếu thuộc châu Âu, chiếm 89% các ca nhiễm căn bệnh mới bùng phát trên thế giới. Hơn 90 quốc gia đã ghi nhận có ca nhiễm căn bệnh này.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ điển hình bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, nổi hạch và suy nhược. Theo Bộ Y tế Việt Nam, căn bệnh được truyền qua tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiệu trên khỉ vào năm 1958 và bệnh nhân đầu tiên được ghi nhận tại Congo vào năm 1970. Đây được coi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ động vật sang người, và có thời gian ủ bệnh từ 6 đến 13 ngày nhưng cũng có thể lên đến 21 ngày.

Hiện Việt Nam chưa có thuốc chữa trị được trị căn bệnh này. Bộ Y tế hôm 12/8 đề nghị các cơ sở sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc trong nước tăng cường nghiên cứu việc sản xuất thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh.

Tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch đậu mùa khỉ ở Mỹ và trên thế giới đang dẫn đến tình trạng khan hiếm vaccine phòng chống bệnh này. Mỹ trước đây trong tháng công bố dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong khi WHO cũng công bố tình trạng khẩn cấp của căn bệnh.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG