Đường dẫn truy cập

Các nước dân chủ và Trung Quốc tăng cường cạnh tranh ở Thái Bình Dương


Phái đoàn Quần đảo Solomon do Thủ tường Jeremiah Manele (thứ hai bên phải) dẫn đầu, gặp phái đoàn Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình (thứ tư bên trái) lãnh đạo, tại Đại sãnh Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 12/7/2024.
Phái đoàn Quần đảo Solomon do Thủ tường Jeremiah Manele (thứ hai bên phải) dẫn đầu, gặp phái đoàn Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình (thứ tư bên trái) lãnh đạo, tại Đại sãnh Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 12/7/2024.

Trung Quốc và các nước dân chủ, bao gồm Úc và Nhật Bản, gia tăng nỗ lực để tăng cường sự giao tiếp với các quốc đảo Thái Bình Dương trong những tuần gần đây, làm gia tăng những gì một số chính trị gia và nhà phân tích khu vực mô tả là sự cạnh tranh giữa các cường quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh.

Ông Mihai Sora, giám đốc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương tại Viện Lowy ở Úc nói: “Cạnh tranh địa chính trị tiếp tục gia tăng ở khu vực Thái Bình Dương khi các đối tác truyền thống [triển khai] các hoạt động mới trong khi các đối tác mới tiếp tục thể hiện những quan tâm mới”.

Đầu tháng này, ông Jeremiah Manele và ông Charlot Salwai, hai thủ tướng của Quần đảo Solomon và Vanuatu, đã có những chuyến đi cấp cao tới Trung Quốc, trong đó họ cam kết sẽ “làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc.

Sau khi kết thúc chuyến đi đầu tiên tới Trung Quốc với tư cách là thủ tướng Quần đảo Solomon, ông Manele đã tuyên bố vào ngày 16 tháng 7 rằng Trung Quốc sẽ cung cấp hơn 20 triệu đô la “hỗ trợ ngân sách” cho quốc đảo Thái Bình Dương này. Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa xác nhận tin này một cách công khai.

Trung Quốc cũng tái khẳng định cam kết hỗ trợ và đào tạo cho lực lượng cảnh sát Quần đảo Solomon, bắt đầu sau khi nước này ký hai thỏa thuận an ninh gây tranh cãi với Bắc Kinh trong hai năm qua.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo từ 18 Quốc đảo Thái Bình Dương đã nhất trí tăng cường vai trò của Nhật Bản trong sự phát triển của khu vực sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày tại Tokyo vào giữa tháng 7. Tokyo và các Quốc đảo Thái Bình Dương cũng công bố một kế hoạch hành động chung nhằm tăng cường các chuyến ghé cảng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng như tăng cường hợp tác giữa các cơ quan tuần duyên.

Ông Sora nói việc Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia Thái Bình Dương trong lĩnh vực an ninh là một sự thay đổi so với vai trò truyền thống là nhà tài trợ viện trợ.

“Chúng tôi thấy Nhật Bản ngày càng lo lắng về vai trò và tác động của Trung Quốc đối với an ninh quốc tế, và họ đặc biệt quan ngại về việc Trung Quốc xâm nhập vào không gian an ninh ở Thái Bình Dương”, ông nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn video.

Trong tuyên bố chung được đưa ra vào cuối cuộc họp của các nhà lãnh đạo Quần đảo Thái Bình Dương, Nhật Bản và các Quốc đảo Thái Bình Dương đã bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”. Họ không nêu đích danh Trung Quốc trong tài liệu.

Ông Sora cho biết nỗ lực của Nhật Bản là nhắm mục đích duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Thái Bình Dương và Tokyo hy vọng sẽ tăng cường sự tham gia của các nước trong khu vực vào vấn đề an ninh hàng hải.

Úc, vốn là quốc gia cung cấp an ninh cho các nước trong khu vực, đang tìm cách giúp Quần đảo Solomon tăng gấp đôi quy mô lực lượng cảnh sát khi Canberra ngày càng cảnh giác với thỏa thuận cảnh sát của nước này với Bắc Kinh.

Úc cũng đang hỗ trợ các nhu cầu phát triển của các quốc đảo Thái Bình Dương, bao gồm một kế hoạch được công bố trong tuần này nhằm mở một trung tâm kết nối và phục hồi cáp ngầm mới. Việc thành lập trung tâm này nhằm mục đích giúp các quốc gia trong khu vực phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của họ bằng cách mở rộng kết nối mạng dữ liệu.

Tuy nhiên, một số chính trị gia từ các quốc đảo Thái Bình Dương coi nỗ lực của các nền dân chủ lớn nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia trong khu vực là có khả năng gây ra vấn đề.

Ông Peter Kenilorea Jr., một thành viên độc lập hàng đầu của quốc hội Quần đảo Solomon, nói: “Thay vì cử các quan chức tập trung vào phát triển để tham gia với các quốc đảo Thái Bình Dương, các nền dân chủ lớn đang cử thêm nhiều nhân viên an ninh hơn để tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại”.

Ông cho biết trong khi nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ an ninh với các quốc đảo Thái Bình Dương vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ông, thì những nỗ lực của các quốc gia dân chủ nhằm chống lại sự hiện diện an ninh ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương đang làm lu mờ nhu cầu phát triển cấp thiết của các quốc gia trong khu vực.

“Mặc dù các nền dân chủ lớn đang chú ý, nhưng đó không phải là sự chú ý đúng đắn đối với các quốc gia trong khu vực”, ông Kenilorea nói với VOA bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Nghị viện về Trung Quốc IPAC tại Đài Bắc, đồng thời nói thêm rằng các quốc đảo Thái Bình Dương nên cố gắng chuyển hướng tập trung trở lại nhu cầu phát triển của họ trong các cuộc đối thoại với các quốc gia dân chủ lớn.

Một số chuyên gia cho biết các chính trị gia từ các quốc đảo Thái Bình Dương khác đã bày tỏ mối quan ngại tương tự về sự tập trung ngày càng tăng vào an ninh và cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.

“Có một mức độ hoài nghi rất lành mạnh” trong số các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương về động lực thúc đẩy sự tham gia của các nền dân chủ lớn với họ, bà Tess Newton Cain từ Viện Griffith Châu Á ở Úc cho biết.

“Họ rất rõ ràng rằng lý do mọi người muốn trở thành bạn của họ và mọi người muốn nói chuyện với họ là vì coi đây là một cách để kiềm chế Trung Quốc”, bà nói với VOA qua điện thoại.

Mặc dù các quốc đảo Thái Bình Dương mong muốn chuyển hướng sự tham gia với các cường quốc tập trung vào việc phát triển, ông Sora nói mối lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương vẫn là động lực chính thúc đẩy các nỗ lực của các quốc gia dân chủ trong khu vực.

“Những lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương cho phép các nhà lập pháp huy động nhiều nguồn lực hơn so với việc họ chỉ nhìn vào khu vực này thông qua lăng kính phát triển truyền thống”, ông nói.

Nhưng ông nói thêm rằng việc an ninh hóa khu vực Thái Bình Dương là một xu hướng “không thể tránh khỏi”.

Ông Sora nói “Điểm khác biệt giữa các cách tiếp cận của các bên khác nhau là cam kết minh bạch và phối hợp các hoạt động của họ với các ưu tiên của Quần đảo Thái Bình Dương”.

Khi cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ở khu vực Thái Bình Dương có khả năng sẽ gia tăng trong tương lai gần, ông Kenilorea Jr. cho biết chìa khóa để các quốc gia Quần đảo Thái Bình Dương bảo vệ lợi ích của họ là “cùng nhau hành động”.

Ông nói với VOA rằng “Tôi nghĩ chủ nghĩa khu vực là nơi chúng ta có thể chống lại một số thách thức về quyền lực lớn mà chúng ta đang phải trải qua”.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG