Sự kiện Việt Nam lần đầu tiên bắt tàu chở dầu Trung Quốc với lý do ‘xâm phạm chủ quyền Việt Nam’ đã khiến dư luận trong nước và quốc tế chú ý, cho rằng đây là động thái cực kỳ hiếm hoi từ phía giới hữu trách Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc gần đây liên tục có những hành động nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền ở các khu vực có tranh chấp tại Biển Đông. Nhà quan sát Phạm Chí Dũng cho rằng động thái chưa từng có tiền lệ này có thể tiếp thêm ‘dũng khí’ cho những tiếng nói tại nghị trường Việt Nam về vấn đề Biển Đông.
Your browser doesn’t support HTML5
Giới hữu trách biên phòng của Việt Nam hôm 3/4 cho biết đã bắt giữ một tàu dầu của Trung Quốc ở vịnh Bắc Bộ, bên ngoài phạm vi có tuyên bố chủ quyền chồng chéo giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông hôm 1/4. Phía Việt Nam nói chiếc tàu mang số hiệu 13056, tên Qiong Yangpu, của Trung Quốc đã xâm phạm trái phép chủ quyền vùng biển Việt Nam. Các giới chức Việt Nam đã bắt giữ 3 thuyền viên, tịch thu tàu và khoảng 100.000 lít dầu được dành để cung cấp cho các tàu cá của Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam, được báo Giáo Dục Việt Nam trích lời cho biết: “Không chỉ riêng vi phạm của tàu chở dầu Trung Quốc, hiện nay tàu cá Trung Quốc đã xâm phạm một cách có hệ thống chủ quyền biển đảo Việt Nam”.
Ông Lương cảnh báo ‘nếu chúng ta không cảnh giác trước những động thái “ngoại giao ru ngủ” của Trung Quốc, thì họ sẽ được cớ vi phạm chủ quyền bằng các hành động lấn tới’.
Hành động ‘hiếm hoi’
Giới phân tích quốc tế đánh giá động thái bắt tàu Qiong Yangpu của Việt Nam là ‘hiếm hoi’ khi những căng thẳng trên Biển Đông giữa hai quốc gia Cộng sản ngày càng tăng cao trong những năm gần đây.
Trong khi đó tại nghị trường Quốc hội Việt Nam hôm 1/4, một số đại biểu đã có những phát ngôn được xem là ‘thẳng thắn’, ‘ruột gan’ về vấn đề chủ quyền, Biển Đông.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa của TP.HCM kêu gọi phải xác định cho đúng khái niệm ta – bạn – thù.
“Xác định không đúng ta – bạn – thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù bớt bạn, coi bạn là thù và coi thù là bạn, thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, thay vì tăng cường khối đại đoàn kết thì lại làm suy yếu khối đại đoàn kết”.
Ông Nghĩa còn mượn thơ để nói thay lời rằng: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc. Mất cả đất liền, cả biển sâu”.
Phát biểu của ông Trương Trọng Nghĩa đã được đại biểu Lê Văn Lai của Quảng Nam ủng hộ và tiếp lời nói những báo cáo xưa nay cho rằng ‘Việt Nam đảm bảo chủ quyền’ đã khiến ông ‘ngạc nhiên’.
“Đánh giá thì đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia, trong khi đó người ta lấn từ đảo ngầm sang đảo nổi, người ta xây sân bay, người ta kéo pháo hạm, người ta đưa máy bay tiêm kích, người ta o ép dân, cướp bóc, thậm chí là giết chóc. Người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm đến chủ quyền như là nhận dạng hàng không, dùng các chuyến bay cắt ngang các chuyến bay quốc tế truyền thống, được quốc tế thừa nhận của Việt Nam. Tôi cố gắng ép suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá là chúng ta đảm bảo chủ quyền quốc gia, nhưng nói thật với các đại biểu, tôi ép không nổi! Những hành vi đó không thể có từ nào khác hơn là xâm hại nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia.”
Ông Lê Văn Lai cho rằng chỉ có đánh giá đúng mới giúp Việt Nam đưa ra các chủ trương, kế sách đúng.
Phát biểu ‘hiếm hoi’
Dù phát biểu ‘ruột gan’ được đưa ra vào nhiệm kỳ cuối cùng, nhưng ông Lê Văn Lai vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong dư luận.
Chuyên gia giáo dục Vũ Thị Phương Anh viết trên trang Facebook cá nhân: “Hoan hô ông Lê Văn Lai. Cả nhiệm kỳ, chỉ cần môt lần nói được những lời như thế này cũng quá xứng đáng rồi. Mong có thêm nhiều tiếng nói thẳng thắn, mạnh mẽ như ông” (trích Facebook Vu Thi Phuong Anh).
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát-phân tích tình hình Việt Nam, nhận định những người như ông Trương Trọng Nghĩa hay ông Lê Văn Lai nằm trong những đại biểu hiếm hoi của Quốc hội Việt Nam còn ‘đau với nỗi đau của dân tộc’.
“Ông Trương Trọng Nghĩa là một trong số rất hiếm hoi những đại biểu quốc hội tôi cho là còn liêm sỉ, còn bức xúc, còn đau với nỗi đau của dân tộc nên ông Nghĩa mới phải phát biểu như vậy, mà cũng chỉ đến thế thôi, không thể nói hơn được vì tại vì nếu nói hơn nữa thì người ta không cho ông nói đâu. Tôi hy vọng là đến Quốc hội mới, sau cuộc bầu cử tháng 5/2016, sẽ có nhiều Trương Trọng Nghĩa hơn, ít nhất là như vậy”.
‘Kích thích tố’
Nhà quan sát Phạm Chí Dũng cho rằng có hy vọng cho một sự thay đổi về cơ cấu trong quốc hội khóa tới.
“Có lẽ họ sẽ có một sự thay đổi về cơ cấu đại biểu quốc hội và họ sẽ có một chút tinh thần, một chút ý chí hơn để nói ra những điều mà cả dân tộc này đang khốn quẫn, đặc biệt là vấn đề ông Trương Trọng Nghĩa nói, đó là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lãnh thổ”.
Nhận xét về động thái mới đây của Việt Nam, TS. Phạm Chí Dũng nói dù chỉ là một chiếc tàu dầu, nhưng đây là một tín hiệu tốt, một sự kiện chưa từng có tiền lệ của Việt Nam.
“Nhà nước Việt Nam có lẽ xác định làm một cái gì đó, có thể là chưa dài hơi nhưng tạm thời để xoa dịu dư luận, dù sao cũng là điều mà trước đây chưa từng dám làm. Tôi cho đó cũng là một cơ sở để hy vọng rằng đó sẽ là một kích thích tố để cho một số đại biểu quốc hội trước đây chưa từng phát biểu gì thì sắp tới sẽ phát biểu, còn những người trước đây chưa từng tỏ ra có ý chí gì thì mai mốt sẽ có nhiều dũng khí hơn”.
Phía Trung Quốc hiện chưa có phản hồi về vụ Việt Nam bắt tàu Qiong Yangpu.
Trong những tuần lễ gần đây, các tàu Trung Quốc, thường được hộ tống bởi tàu hải giám của nước này, đã bị giới hữu trách hàng hải Malaysia và Indonesia cáo buộc là đã đi vào đánh bắt hải sản trong các vùng biển mà các quốc gia trên tuyên bố chủ quyền.
Your browser doesn’t support HTML5