Hai tàu khu trục và một tàu ngầm của Nhật Bản đã cập cảng Subic của Philippines hôm 3 tháng Tư, lần đầu tiên trong 15 năm. Hải quân Philippines cho biết mục đích của chuyến thăm này là để duy trì “hoà bình và ổn định” khu vực.
Trang mạng Marinelink.com loan tin tàu ngầm huấn luyện của Nhật Bản Oyashio, được hộ tống bởi tàu khu trục JS Ariake và tàu khu trục JS Setogiri, đã tới căn cứ cũ của hải quân Mỹ ở Vịnh Subic, gần các tuyến đường biển đang trong vòng tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
Bản tin cho hay khoảng 500 binh sĩ hải quân Nhật Bản tham gia chuyến đi thăm nhằm xây dựng niềm tin với phía Philippines.
Manila đang tìm cách củng cố quan hệ với Tokyo giữa lúc căng thẳng tiếp tục leo thang trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng tàu ngầm Oyashio là một trong những tàu ngầm lớn nhất và mới nhất của Nhật Bản. Thuyền trưởng Hiraoki Yoshino thuộc Lực lượng Tự vệ Nhật Bản được Reuters dẫn lời nói rằng “mục đích chủ yếu của chuyến đi là để huấn luyện các binh sĩ hải quân”.
Nói chuyện với các nhà báo, ông Yoshino nói rằng “Chúng tôi không có một thông điệp nào gửi tới bất cứ nước nào” và ông nói thêm rằng chuyến viếng thăm của tàu Nhật Bản chỉ nhằm tăng cường niềm tin giữa Nhật Bản và Philippines.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông và ngày càng có nhiều hành động hung hăng hơn để khẳng định chủ quyền tại vùng biển đang tranh chấp với các nước láng giềng, kể cả Việt Nam.
Trong bối cảnh Nhật Bản và Trung Quốc cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại các đảo nhỏ trên Biển Hoa Đông, Tokyo đã tăng cường sự hiện diện trong Biển Đông và đã phái thêm tàu và máy bay tới các nước đồng minh trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Trang mạng Marinelink dẫn lời người phát ngôn của Hải quân Philippines Lued Lincuna, nói rằng “chuyến đi thể hiện nỗ lực lâu dài để cổ vũ cho hoà bình và ổn định khu vực, đồng thời củng cố hơn nữa các quan hệ vốn đã bền chặt giữa hải quân Philippines và Lực lượng Tự vệ Biển của Nhật Bản.”
Theo chương trình đã định, đoàn tàu Nhật Bản sau khi rời Vịnh Subic, sẽ tiếp tục cuộc hành trình tới Việt Nam, tuy nhiên chi tiết của chuyến đi này vẫn chưa được loan báo rõ rệt.
Truyền thông quốc tế hôm nay đều chú trọng tới tin Việt Nam hôm thứ Năm 31/3 đã chận bắt một tàu chở dầu của Trung Quốc cùng 3 thuyền viên bị cáo buộc là ‘xâm phạm chủ quyền’ của Việt Nam. Vụ việc xảy ra gần đảo Bạch Long Vĩ trong Vịnh Bắc Bộ.
Hãng tin Deutsche Welle của Đức dẫn lời một nhà phân tích nói rằng Việt Nam sẽ không nhượng bộ Trung Quốc trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Trong một cuộc phỏng vấn do Deutsche Welle thực hiện, phân tích gia Bill Hayton, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Á Châu của Viện Chatham, nhận định vì sao chính phủ Việt Nam chờ tới mãi 5 ngày sau để loan tin này.
Ông nói: “Bất cứ điều gì có liên hệ tới Trung Quốc đều được coi là nhạy cảm. Chính phủ Việt Nam có lẽ muốn bảo đảm là họ có căn bản pháp lý và chính trị vững chắc, trước khi công bố tin này vì lo sợ sẽ bị lúng túng.”
Theo nhà phân tích này, đảo Bạch Long Vĩ nằm giữa bờ biển Việt Nam và Trung Quốc, cách bờ biển Việt Nam 110 km và cách Trung Quốc 130 km.
Hòn đảo nhỏ bé này từng bị hai bên tranh chấp nhưng giờ cả hai nước đều đồng ý là đảo này thuộc lãnh thổ Việt Nam, dựa trên thoả thuận phân định lãnh hải trong vùng Vịnh Bắc Bộ năm 1999.