Mới đây, Đại tướng Dennis Via, đứng đầu Bộ Tư lệnh Quân bị Lục quân Mỹ, nói với các nhà báo tại một hội nghị chuyên đề ở Alabama là Lục quân Mỹ có kế hoạch cất trữ thiết bị cứu trợ thiên tai ở Việt Nam và Campuchia. Ông nói việc cất trữ như vậy ở 2 nước là một phần trong chiến lược lớn hơn về bố trí trước tiếp phẩm trên khắp thế giới để triển khai nhanh chóng.
Không giống như việc bố trí trước ở châu Âu, gồm có cả xe tăng, những thiết bị được cất trữ ở Đông Nam Á nói chung sẽ là các thiết bị “nhẹ” nhằm phục vụ trợ giúp nhân đạo, Đại tướng Via cho hay.
Các nhà phân tích cho rằng Việt Nam và Campuchia đang tăng cường can dự với Mỹ song cũng thận trọng để không làm Trung Quốc lo lắng. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến khu vực thông qua du lịch, viện trợ, đầu tư và cả những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ về Biển Đông.
Việt Nam ngày càng can dự nhiều với Mỹ có phần vì những bước lấn tới của Trung Quốc vào nhưng nơi Việt Nam coi là chủ quyền của mình. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bà Phương Nguyễn, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đặt ở Mỹ, nói: “Việt Nam ở vào vị trí khó khăn. Ngày càng nhiều lãnh đạo nước này nhận thấy tầm quan trọng của việc can dự đầy đủ hơn với Mỹ, nhưng vấn đề là thực hiện điều này theo những cách thức thế nào để mức độ đánh động hay gây khó chịu là ít nhất đối với Trung Quốc, là láng giềng sát vách và cũng là nguồn đe dọa an ninh chính quanh Việt Nam”.
Hai nước cộng sản thường xuyên có lời qua tiếng lại nhưng cũng cố làm cho quan hệ êm đẹp, kể cả qua các chuyến thăm của các phái viên đại diện cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và người đồng cấp Tập Cận Bình của phía Trung Quốc.
Thế nhưng quan hệ Mỹ-Việt đang phát triển đều đặn. Năm ngoái Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận đối với việc bán thiết bị sát thương hàng hải cho Việt Nam, ngoài ra còn cam kết cấp 20,5 triệu đôla để giúp phát triển năng lực hàng hải của Việt Nam.
Tháng 8 năm ngoái, một tàu bệnh viện đã đến Đà Nẵng cho một sứ mệnh chuẩn bị đối phó với thiên tai. Tháng 5 năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam.
Có một số hạn chế trong việc can dự an ninh song phương. Hiện nay các tàu hải quân Mỹ bị giới hạn chỉ tối đa 3 tàu thăm một cảng trong một năm.
Nhưng theo bà Phương Nguyễn, có thể sẽ có ngoại lệ cho các sứ mệnh nhân đạo. Bà cho biết chính phủ hai nước đã thảo luận khả năng biến Đà Nẵng thành trung tâm cấp khu vực để điều phối và cất trữ tiếp phẩm cho hoạt động trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Bức tranh khá là khác biệt ở Campuchia, theo các nhà phân tích. Nước này không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông và nhận nhiều đầu tư, viện trợ phát triển và viện trợ quân sự của Trung Quốc.
Chuyên gia người Campuchia Sophal Ear, phó giáo sư ngoại giao và quan hệ quốc tế tại trường Occidental College ở California, cho rằng với việc cho Mỹ cất trữ đồ cứu trợ, “Campuchia muốn có thêm cửa đặt cược, tuy hẹn hò với Trung Quốc nhưng không phải chỉ với Trung Quốc mà thôi”.
Nhưng ông cho rằng Campuchia và Mỹ có phần chắc sẽ không có sự nồng ấm trở lại về quan hệ quân sự giống như những gì Mỹ và Việt Nam đã có thời gian gần đây.