Hội Từ Thiện Thiện Tâm được thành lập chính thức vào tháng 3 năm 1999 bắt nguồn từ việc gây quỹ giúp một ngôi chùa tại bang Georgia. Bác sĩ Tôn Thất Châu, cư ngụ tại Virginia, hiện là chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành, kể lại quá trình thành lập Hội:
“Câu chuyện bắt đầu vào khoảng năm 1999 sau bữa cơm gây quỹ để giúp cho chùa Kim Quang, ở Georgia. Bữa cơm đó hoàn toàn do một số anh chị em thiện nguyện tổ chức để giúp chùa vì chùa thiếu tiền xây một nhà vệ sinh. Bữa tiệc rất thành công. Sau đó những người góp tay vào bữa cơm ngồi lại với nhau nghĩ rằng tại sao mình có những người rất giàu lòng từ thiện, rất tốt. Tại sao không cùng nhau làm một việc gì có tính cách lâu dài hơn theo tinh thần một cây làm chẳng nên non. Vì vậy anh chị em nghĩ là chuyện giúp cho các chùa là một chuyện tốt nhưng nhiều người đã nhìn thấy những cảnh rất nghèo khổ bên Việt Nam như vậy tại sao không thành lập một hội, kêu gọi anh chị em cùng góp tay với nhau để giúp, để nâng đỡ những người kém may mắn hơn ở Việt Nam. Đó là khởi điểm thành lập Hội Thiện Tâm.”
Bác sĩ Tôn Thất Châu cho biết tiếp về mục tiêu cụ thể của Hội Thiện Tâm khi được thành lập:
“Có 3 mục tiêu chính lúc đó: Chúng tôi muốn giúp những em cô nhi và khuyết tật. Mục tiêu thứ hai là giúp những đồng bào bị thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn… và thứ ba là những trợ giúp về y tế. Ba mục tiêu đó coi vậy nhưng cũng rất là rộng.”
Theo Bác sĩ Châu giải thích tiếp:
“Trong vấn đề làm từ thiện chúng tôi có hai vấn đề hết sức băn khoăn. Thứ nhất là làm sao sử dụng số tiền của bá tánh gởi cho mình một cách đúng đắn tức là mình không muốn những số tiền đó đưa về những chỗ xài một cách phí phạm vô ích, như vậy rất là uổng công. Điểm thứ hai là làm sao gây được sự tin tưởng của những người chung quanh ở đây để mọi người có thể tiếp tục ủng hộ mình.”
Bác sĩ Châu nêu lên một phương châm quan trọng trong công tác làm từ thiện của Hội Thiện Tâm là giúp những người kém may mắn tự vươn lên:
“Quan niệm đầu tiên là người họ đói quá thì lúc đầu phải cho họ chén cơm. Sau khi cho chén cơm xong thì phải nghĩ đến cách nào cho họ cần câu để họ tự đi câu chứ mình không thể nào cung cấp thực phẩm mãi tại vì mình không đủ khả năng. Thứ hai nữa nếu mình cứ cung cấp mãi một cách không đúng đắn thì đôi khi mình làm hư họ nữa, họ ỷ lại luôn. Họ cứ tưởng tưởng là bên này sắp có một tổ chức nào giàu lắm, mình cứ đi xin hoài.”
Một trong những công tác từ thiện chính của Hội Thiện Tâm là giúp các trẻ mồ côi tại các cô nhi viện. Cô nhi viện đầu tiên Hội giúp là một cô nhi viện tại Nha Trang có tên là Mái ấm Anh Đào do cô An Sơn chăm sóc. Đây là một cô nhi viện không được sự trợ cấp của chính phủ hay của bất cứ một cơ quan hay tư nhân nào khác nên gặp rất nhiều khó khăn. Bác sĩ Châu kể lại:
“Tôi hỏi như vậy thì cô lấy gì nuôi mấy đứa này thì cô cho biết hàng ngày cô mang mấy đứa nhỏ ra chợ đi xin ăn. Có những lúc không đủ thức ăn thì cô bảo các cháu ngồi niệm Phật trừ cơm chứ còn cũng không biết làm sao.”
Bác sĩ Châu cho biết thêm lúc bấy giờ là vào năm 2005, bác sĩ Châu có giúp cho cô An Sơn một số tiền để lo cho các cháu mồ côi đồng thời đóng một giếng nước sâu để cô nhi viện cũng như những cư dân chung quanh đó có nước sạch dùng. Về lại Virginia, kể lại câu chuyện thương tâm này cho các bạn thì có một người hảo tâm tình nguyện giúp cho cô nhi viện Mái ấm Anh Đào mỗi tháng 200 đô la. Từ đó cho đến nay do sự tháo vát của cô An Sơn và sự giúp đỡ của Hội Thiện Tâm qua bác sĩ Trần Lâm Cao làm việc tại bệnh viện đa khoa Nha Trang, các em cô nhi đã có được một đời sống khá hơn trước:
“Cô cũng rất là hay, là một con người tháo vát, cô không những chỉ dùng tiền đó để mà nuôi không mà còn tìm cách dùng tiền đó để khai thác ví dụ đi xin những hạt thóc, hạt gạo rơi rớt để nấu cơm. Về sau xin được chính phủ cho một miến đất đằng sau để trồng khoai, trồng rau ăn dặm thêm. Khi người trong hội về thăm năm 2007, cơ sở của cô bây giờ khá hơn nhiều. Cô xây thêm phía sau một cái mái để các em trai, gái sống riêng nhau. Cái hay của cô là không những nuôi sống các em mà còn cho các em đi học nữa.”
Trong lãnh vực y tế, Hội Thiện Tâm giúp cho những người mắt bị cườm được giải phẫu để nhìn thấy được dễ dàng và giúp đào giếng để có nước sạch dùng. Những công việc này ít tốn kém nhưng giúp được nhiều người.
“Chúng tôi đào một cái giếng tốn khoảng 125 đô la, giếng cũng khá sâu nước đưa lên cũng trong sạch và có thể dùng cho nhiều gia đình trong một khu. Có những loại giếng mắc hơn dùng máy đóng thật sâu xuống cả trăm thước và phải dùng máy bơm lên một bồn chứa nước. Loại giếng này phải trên 1.000 đô la một cái. Chúng tôi giúp đào nhiều giếng loại 125 đô la vì nhận thấy đó vừa tầm tay của mình. Cũng như giúp về mỗ cateract tương đối không mắc tiền khoảng 40 đô la một người và giúp được nhiều người tìm được ánh sáng. Những người sáng mắt được thì có thể làm nuôi gia đình và có thể giúp cho người khác.”
Trong lãnh vực giúp đỡ về y tế cho những bệnh nhân cần giúp đỡ, bác sĩ Châu đề cập đến một kinh nghiệm nhớ đời của bác sĩ và các anh chị em Hội Thiện Tâm:
“Chúng tôi có đưa một em khoảng chừng 5 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh sang Mỹ chữa trị vì lúc đó ở gần Boston có một bệnh viện có quota chữa tim miễn phí. Khi mổ xong bác sĩ cho biết cần tìm thầy tụng kinh cầu nguyện cho em vì em không sống nổi. Trên đó không có nhà sư Việt Nam nên phải mời một nhà sư Tây Tạng. Nhà sư này đến xem qua rồi nói em không sao cả. Kết cuộc em sống sót. Các bác sĩ và y tá cho rằng đây là một phép lạ. Em được mổ vào khoảng năm 2000, đến năm 2005 về Việt Nam thăm em tôi thấy em này vẫn còn sống và khỏe mạnh.”
Chủ trương của Hội Thiện Tâm là giúp đỡ các người kém may mắn không phân biệt tôn giáo hay địa phương nhưng vì nhân lực có hạn cũng như cần những người tin cậy, ở tại địa phương biết những ai cần được giúp đỡ để đưa tận tay tiền hay vật phẩm cứu trợ nên hiện nay phạm vi hoạt động của hội chỉ quanh quẩn ở các tỉnh miền nam và miền trung mà thôi.
“Hiện tại hội có những người rất tốt để giúp như ở Huế, Đà Nẳng, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn. Hội chưa có người quen nào ở ngoài bắc thành ra chưa giúp được ai ở ngoài bắc.”
Mong ước hiện nay của bác sĩ Châu là có được người giúp đỡ thành lập một trang web thật hoàn chỉnh để phúc trình những thành quả cũng như quảng bá những công tác của hội.
“Trở ngại của chúng tôi là nhân lực hơi thiếu kém ví dụ như mình muốn truyền bá những hình ảnh hoạt động, chúng tôi cố gắng lập một website nhưng cho tới bây giờ cũng chưa hoàn tất một cách hoàn toàn, chỉ có ở đó thôi nhưng chưa có người để trông nom cũng như để đưa những hình ảnh, tin tức để mọi người có thể theo dõi. Mục đích của tôi trong tương lai là có người để giúp để những khu vực, những chương trình giúp đỡ đều được đưa lên website, có địa chỉ rõ ràng để những người giúp có thể theo dõi hoặc có thể không qua Hội Thiện Tâm, muốn đi thẳng về Việt Nam mà giúp thì càng tốt, không sao hết.”