Đây là lần đầu tiên đôi vợ chồng họa sĩ Vi Vi và Cát Đơn Sa triển lãm tranh tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn nhưng là lần thứ 10 họa sĩ Vi Vi và Cát Đơn Sa triển lãm tranh trên nước Mỹ dưới tên gọi “Sắc Màu Họa Sĩ Việt Nam”.
Họa sĩ Vi Vi tên thật là Võ Hùng Kiệt đã nổi tiếng tại Việt Nam trước năm 1975 với các tác phẩm dành cho tuổi thơ. Ông vẽ tranh cho các tờ báo dành cho thiếu nhi như Tuổi Xanh, Tuổi Hoa, Bạn Trẻ… và vẽ tranh bìa cho tủ sách Tuổi Hoa cũng như vẽ truyện bằng tranh cho hai nhật báo Độc Lập và Dân Chủ. Tài năng của Họa sĩ Vi Vi phát triển rất sớm từ thời niên thiếu. Ông cho biết:
“Bắt đầu vẽ thì tôi vẽ vào năm 1958 khi tôi 13 tuổi cho tờ báo Tuổi Xanh”
Cũng như mọi thanh niên khác trong thời chinh chiến, sau khi tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Saigon, họa sĩ Vi Vi nhập ngũ và phục vụ tại phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Vì trong quân đội nên ông không có thì giờ vẽ tranh nhiều để triển lãm.
“Tôi triển lãm có ba lần thôi vì lúc đó tôi cũng kẹt trong quân đội và chỉ triển lãm có 3 lần cho những dịp như lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long hay bão lụt miền Trung để cứu trợ đồng bào. Thời gian ở Việt Nam tôi không có thì giờ vẽ tranh nhiều để triển lãm.”
Tuy không gởi tranh để tranh các giải thưởng quốc nội hay quốc tế nhưng đặc biệt họa sĩ Vi Vi đạt được nhiều giải thưởng trong kỳ thi vẽ các con tem cho Bưu điện Việt Nam trước năm 1975:
“Về giải thưởng thì tôi ít khi gởi tranh tham dự lắm nhưng tôi vẽ tem, bưu hoa cho Tổng Nha Bưu Chính Saigon từ khi học năm thứ nhất cho đến năm 75. Tôi chiếm khoảng 37 giải, trong số này có 27 hay 30 giải nhất và tất cả còn lại là giải nhì. Đến năm 75 còn khoảng 4 con tem chưa phát hành trong đó có những tem về tranh dân gian, thú vui đồng quê.”
Tuy tốt nghiệp ngành tranh sơn dầu nhưng khi còn ở Việt Nam, vì hoàn cảnh đưa đẩy nên họa sĩ Vi Vi ít có dịp sử dụng sở trường này.
“Học trong trường tôi tốt nghiệp sơn dầu nhưng trong suốt thời gian ở Việt Nam vì minh họa báo, bìa, bìa sách cho Tuổi Hoa, Hoa Xanh, Hoa Đỏ, Hoa Tím thì tôi vẽ bằng màu nước. Trong những đêm cắm trại tại Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu tôi cũng vẽ màu nước nhiều.”
Đề cập đến các trường phái hội họa, họa sĩ Vi Vi cho biết ông thuộc về tả chân nhưng vẽ chân dung cũng là điều ông ưa thích. Họa sĩ Vi Vi giải thích:
“Tôi thường tả chân. Khi mình cảm nhận một cái gì đẹp thì muốn truyền đạt suy tư, nhận xét của mình bằng những cái tương đối dễ dàng nhất cho đồng bào ta xem, còn những lối hơi khó một chút như siêu thực hay lập thể tôi ít vẽ. Chân dung cũng là sở trường của tôi. Tôi thích vẽ chân dung từ bé. Khi chưa vào trường Mỹ thuật tôi đã thích vẽ chân dung rồi.”
Tại hải ngoại, ngoài việc vẽ tranh, họa sĩ Vi Vi còn là một điêu khắc gia đã hoàn tất được nhiều pho tượng đặt tại một số nơi thuộc Canada và Mỹ như tượng Thuyền nhân Vượt biển được đặt tại Santa Ana, bang California.
Từ năm 1961 đến 1964, trước khi vào học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, họa sĩ Vi Vi là chủng sinh của Chủng Viện Dòng Sư Huynh La San tại Nha Trang nên tranh và tượng về các đề tài tôn giáo của ông cũng được nhiều người ưa thích trong đó có tượng Đức Mẹ Maria Việt Nam đặt tại Amarillo, Texas, bức Bích họa về 117 vị thánh tử đạo Việt Nam đặt tại Dòng Đồng Công Missouri.
Họa sĩ Vi Vi đang ấp ủ đề tài Đức Chúa Jesus Christ rửa chân cho các môn đồ:
“Tôi cũng đang suy nghĩ, phác thảo về đề tài một người thầy cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của mình rất là cao quý và khiêm nhường lắm. Tôi phác thảo rất nhiều bản nhưng tôi chưa có lên màu được một bức nào hết vì bức đó diễn tả rất là đơn gỉan, mộc mạc nhưng bao hàm một cái gì lớn lao, một tình thương, sự khiêm nhường của Chúa dạy cho ta ở đời.”
Họa sĩ Cát Đơn Sa, người phối ngẫu của họa sĩ Vi Vi tên thật là Nguyễn Thanh Hương, sanh ra tại Thành Nội Huế, nguyên quán ở Cát Đơn, Quảng Bình nhưng học tại Đà Nẵng. Bà chính thức vẽ tranh vào năm 2004, ký tên là Cát Đơn Sa. Không phải ngẫu nhiên Cát Đơn Sa vẽ tranh, bà từng được giải thưởng về hội họa khi còn là một nữ sinh Trường Sao Mai, Đà Nẵng:
“Hồi đó học trường Sao Mai, Đà Nẵng. Trường có ra một đề tài cho các em học sinh vẽ về Tết Trung Thu. Cát Đơn Sa có vẽ cùng với các bạn. Bức tranh đó được nhà trường chọn để treo tại phòng Khánh Tiết. Chỉ có hoa tay vậy thôi.”
Tuy nhiên khi lớn lên, Cát Đơn Sa lại chọn một con đường nghệ thuật khác là ca hát với tên là Diễm Châu và viết văn với bút hiệu Diễm Châu Tôn Nữ Quỳnh Giao.
“Châu có nhiều sách và CD đã xuất bản. CD Châu có khoảng 7 cái ‘Thơ Nhạc Giao Duyên’ và sách có khoảng cả chục cuốn đã xuất bản. Châu hiện có hơn 300 chuyện ngắn Châu giữ được, còn mất mát nhiều lắm vì hồi xưa chưa có computer nên mình viết mất luôn. Sách bán chạy và được một nhà xuất bản khác mua lại là quyển ‘Đời Ca Sĩ’”.
Sau khi kết hôn với họa sĩ Vi Vi vào năm 1995, Diễm Châu là người đứng ra tổ chức các buổi triển lãm tranh cho chồng. Diễm Châu kể lại về chuyện bà bước vào con đường hội họa muộn màng của mình.
“Có một ngày đó anh Vi Vi vứt đi mấy bức tranh nhỏ, mấy canvas còn mới chưa có xài. Cát Đơn Sa hỏi tạo sao vứt mấy bức tranh này thì anh Vi Vi nói là bây giờ anh vẽ mấy tranh lớn, không còn vẽ mấy tranh nhỏ. Cát Đơn Sa thấy tiếc giữ lại. Anh Vi Vi tưởng mình thích vẽ gì trên đó nên anh mới đưa cọ, màu và nói cứ vẽ đi. Lúc đó nghe anh nói vẽ thì cũng ngồi vẽ. Nhưng được ba bức thì bắt đầu thấy vẽ dễ dàng nên vẽ luôn.”
Họa sĩ Cát Đơn Sa ưa dùng màu tươi sáng, và nhè nhẹ để thể hiện những bức tranh với đề tài ưa thích bằng loại sơn dầu acrylic mau khô:
“Thích vẽ tranh về tình mẫu tử, con nít, tranh trẻ em, hay là vẽ về nón lá, về quê hương.”
Đề cập đến dự định trong tương lai, họa sĩ Vi Vi cho biết:
“Tôi có những hoài bão, ước mơ mình muốn vẽ hoàn toàn thuần túy về nghệ thuật nhưng không biết chuyện đó có được không, nhưng tôi không có những ước mơ gì lớn lao là những gì trong cuộc sống đời thường hay cuộc sống của tôi hay chung quanh tôi mà tôi cảm nhận được thì tôi còn cầm cọ. Mắt chưa mờ, tay chưa run thì tôi vẫn tiếp tục sáng tác.”