Lễ kỷ niệm ngày 30 tháng 4 đầu tiên được tổ chức vào năm 1976 bằng một cuộc biểu tình tại công viên Lafayette trước Tòa Bạch Ốc của một số người Việt tị nạn cư ngụ tại Washington D.C và vùng phụ cận. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, một trong những người tổ chức biểu tình nhớ lại:
“Tôi là người tổ chức buổi đó đầu tiên, đó là ngày 30 tháng 4 năm 1976, sớm hơn bất cứ nơi đâu trên đất Mỹ hết, tổ chức tại Công viên Lafayette trước mặt Tòa Bạch Ốc. Lúc bấy giờ có tôi, ông Lê Văn Khoa, Ngô Vương Toại, có khoảng 4, 5 người chúng tôi. Bữa đầu tiên có thể nói hãy còn ngơ ngác lắm nhưng cũng có khoảng độ bốn chục người ở từ đầu đến cuối. Xong rồi có lác đác một số đồng bào đi tới nữa. Tôi cho rằng giỏi lắm lúc đó có độ hơn 60 người tham dự.”
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho biết thêm là chủ đề của cuộc biểu tình này là đòi tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam:
“Khẩu hiệu cũng là những khẩu hiệu vẫn nhắc lại khá nhiều là tự do dân chủ cho Việt Nam, nhân quyền, tại vì lúc bấy giờ mình cũng đã có những tin tức về bà con cô bác đi học tập cải tạo rồi thuyền nhân cũng ra khỏi nước nhưng chủ yếu là tự do dân chủ thôi, không ra ngoài những chủ đề đó.”
Những cuộc biểu tình kỷ niệm ngày 30 tháng 4 mà cộng đồng Việt Nam thường gọi là ngày Quốc Hận hay Tháng Tư Đen vẫn được Cộng đồng Việt Nam vùng Washington D.C, Maryland và Virginia tiếp tục tổ chức hàng năm cho đến ngày hôm nay. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đề cập đến hai danh xưng này:
“Có gọi tháng Tư Đen, có gọi Quốc Hận, mình dùng cả hai danh từ đó. Thực sự chữ tháng Tư Đen có lẽ lúc bấy giờ phổ biến hơn vì có một số sách của người Pháp cũng như những người khác viết.”
Tuy nhiên lễ truy điệu các chiến sĩ và thường dân bỏ mình trong chiến tranh hay vùi thây trên biển cả trên đường vượt biên tìm tự do và chào cờ nhân dịp này chỉ được thực hiện sau khi kỳ đài Việt Mỹ được dựng lên tại trung tâm thương mại Eden vào đầu những năm 1990.
Năm nay, tối thứ Sáu ngày 29 tháng 4, tại trung tâm Thương mại Eden, Cộng đồng Việt Nam vùng Washington D.C, Maryland và Virginia lần đầu tiên được trao trách nhiệm tổ chức lễ truy điệu mà những năm trước đây do Liên hội Cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vùng Hoa Thịnh Đốn và Phụ cận phụ trách.
Thượng tọa Thích Trí Tuệ, giám đốc Trung Tâm Vạn Hạnh sau khi cầu nguyện cho anh linh những người đã khuất ngỏ ý mong muốn các bậc cha mẹ dạy dỗ con cái nhớ đến những người đã hy sinh cho dân tộc.
“Điều chúng tôi mong muốn và cầu nguyện làm sao những bậc cha mẹ hiện tại dạy dỗ cho con cái của mình luôn luôn nhớ đến cội nguồn, nhớ đến tổ tiên, nhớ đến anh hùng chiến sĩ, nhớ đến những người đã hy sinh cho dân tộc và cố gắng giữ gìn được tiếng mẹ đẻ, đương cao ngọn cờ của quốc gia, để con cháu của chúng ta có thể hãnh diện nơi đất khách quê người.”
Ông Trần Quốc Sĩ, đại diện Phật Giáo Hòa Hảo cũng băn khoăn về thế hệ trẻ khi lớn lên có cảm thông với những hy sinh của cha ông hay không.
“Tôi thuộc vào thế hệ tị nạn lần đầu tiên năm 1975, 1979 và nay tôi thật không thể không đau lòng khi thấy các bậc trưởng thượng từ từ yếu đi. Tôi tin rằng tôi lúc nào cũng biết được cảm nghĩ tự hào khi đứng dưới ngọn cờ Việt Nam Cộng Hòa ở Eden này nhưng tôi lại không khỏi băn khoăn khi thấy các em của thế hệ tới đây khi lớn lên có cảm thông được với nỗi đau của quá khứ và nỗi nhục của dân tộc bị cướp đi nhân phẩm hay không. Kính thưa quý vị từ sự sụp đổ của Cộng sản ở Đông Âu và gần đây khi ảnh hưởng của cuộc cách mạng hoa Lài tại Tunisia lan sang Ai Cập, Bahrain, Syria và Libya cho thấy phong trào dân chủ tự do chống lại một nhà nước độc tài, toàn trị là một xu hướng chung và tất nhiên của quốc tế. Nước không thể chảy ngược dòng và tôi tin rồi đây Việt Nam cũng sẽ phải thay đổi. Đối với thế hệ lớn lên tại hải ngoại, chúng ta cần duy trì văn hóa, không chỉ ngôn ngữ mà còn cần phải phát triển thêm phần lịch sử để các em sau này có một chỗ đứng đặc biệt và chỗ đứng đó là trên vai các thế hệ đàn anh đi trước để phát triển thêm tâm huyết và nỗ lực hoạt động cho đúng đường lối."
Ông Peter Su, trợ lý bộ trưởng Thương mại bang Virginia đại diện Thống đốc Bob McDonnell bày tỏ vinh dự được tham dự lễ truy điệu và nghiêng mình trước những chiến sĩ đã bỏ mình cho tự do của Nam Việt Nam và trao tặng bằng ghi nhận của ông Thống đốc bang cho ông Đỗ Hồng Anh, chủ tịch cộng đồng về những đóng góp của người Việt tị nạn cho bang Virginia.
Trưa ngày thứ bảy 30 tháng Tư, vào lúc 12 giờ trưa lễ thượng cờ Việt Mỹ được cử hành trọng thể tại Trung tâm Eden. Ngay sau đó một xe buýt và các xe van của cá nhân đưa đồng bào đến trước cửa văn phòng hành chánh sứ quán chính phủ Việt Nam nằm trên đường 20, Washington D.C để biểu tình đòi tự do, dân chủ và nhân quyền cho đồng bào trong nước.
Nhân dịp này, một số đại diện cộng đồng Việt Nam và giới trẻ của các bang Philadelphia, Connecticut, California và Virginia cũng nói lên nguyện vọng của cộng đồng Việt Nam tại các bang này mong muốn được thấy một nước Việt Nam tự do và dân chủ.
Trao đổi với ông Đỗ Hồng Anh, chủ tịch Cộng đồng Việt Nam vùng Washington D.C, Maryland và Virginia về một số ý kiến cho rằng những cuộc biểu tình không tác động gì đến nhà cầm quyền Việt Nam ông Đỗ Hồng Anh không đồng ý. Ông nói:
“Có nhiều người cho rằng biểu tình không có tác dụng gì cả nhưng thực sự có tác dụng nào đó về tinh thần khiến cho trong nước tin tưởng nhiều hơn ở hải ngoại này tức là hải ngoại có yểm trợ cho đồng bào trong nước và thứ hai nữa là cộng sản thấy rằng sức đấu tranh của mình trong thời gian dài như vậy vẫn còn đó, vẫn kiên cường nên khó đàn áp mạnh bạo trong nước vì ngoài việc mình lên tiếng đây, ngoài việc biểu tình không thôi, mình còn có những cuộc vận động ngoại giao khác nữa như vận động với chính giới Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao, Quốc hội và các tổ chức nhân quyền trên thế giới.”
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, chủ tịch Nghị hội Toàn quốc người Việt tại Hoa Kỳ, thường xuyên có mặt trong các buổi sinh hoạt của cộng đồng cho rằng thái độ e dè trong việc tham gia các cuộc biểu tình của người Việt tị nạn có nhiều lý do:
“Cái vấn đề đó mình cứ tranh cãi hoài, bảo bà con thờ ơ thì không hẳn đâu, thế nhưng nhiều người cũng ngại ngùng vì nhiều lý do: lý do họ muốn về thăm nhà, vân…vân., họ sợ có ảnh hưởng đến gia đình họ, thành ra không ít người nói với tôi rằng họ bực bỏ chế độ lắm nhưng tham gia biểu tình thì ngại ngùng. Cái đó dễ hiểu vì trong bản chất người Việt dè dặt về những chuyện đó.”
Trong hai ngày thứ Sáu 29 và thứ Bảy 30 tháng 4, 2011 vừa qua, Cộng đồng Việt Nam vùng Washington D.C, Maryland và Virginia đã tổ chức lễ kỷ niệm 36 năm ngày miền nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt. Trong Chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này Hà Vũ mời quý vị nhìn lại sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn nhân ngày kỷ niệm 30 tháng 4.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1