Đường dẫn truy cập

Hội Từ bi Phụng sự miền Đông


Chương trình nhạc gây quỹ của Hội Từ bi Phụng sự Virginia, D.C, Maryland - “Một thoáng quê hương 2"
Chương trình nhạc gây quỹ của Hội Từ bi Phụng sự Virginia, D.C, Maryland - “Một thoáng quê hương 2"

Vào chiều thứ Bảy ngày 14 tháng 5 vừa qua, Hội Từ bi Phụng sự Virginia, D.C, Maryland tổ chức chương trình nhạc thính phòng “Một thoáng Quê hương II” tại Hội trường Trường Trung học Annandale, Virginia để gây quỹ cho các công tác từ thiện của Hội. Trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này, Hà Vũ xin giới thiệu cùng quý vị Hội Từ bi Phụng sự Virginia, D.C, Maryland qua phần trao đổi với anh Dyũng Lê đại diện hội tại Washington D.C và vùng phụ cận.

Hội Từ bi Phụng sự do thầy Hằng Trường thành lập vào năm 2002 với trụ sở chính đặt tại quận Cam, nam California và nhiều chi nhánh tại các địa phương trên nước Mỹ cũng như một số nơi trên thế giới như Pháp, Canada, Hungary, Đài Loan và Tahiti. Riêng tại Washington D.C và vùng phụ cận, chi nhánh của hội chỉ mới được thành lập vào tháng 10 năm 2007. Anh Dyũng Lê, được các anh chị em trong hội gọi là con chim đầu đàn của Hội Từ bi Phụng sự Virginia, D.C, Maryland cho biết về mục đích của hội:

“Hội được thành lập vì thầy có một hoài bão muốn đào tạo nên một cộng đồng có những người có tấm lòng muốn làm việc thiện nguyện. Nói một cách ngắn gọn là như vậy. Nếu mà nói hơi giáo lý một tí thì thầy được huấn luyện bởi ngài Tuyên Hóa và rất tin tưởng vào con đường hành đạo Bồ Tát. Danh từ này hơi to nhưng đối với hội thì chỉ có ý nghĩa là làm việc thiện nguyện thôi - mình mở lòng ra làm việc cho những người khác - Thành ra tất cả những hoạt động nào có tính chất làm việc cho người khác, giúp ích cho cộng đồng, đều là những cái gì hội có thể làm được.”


Sinh hoạt của Hội Từ bi Phụng sự nhằm tạo điều kiện phát huy con người toàn diện nên ngoài công tác từ thiện hội còn tổ chức những lớp thể dục dưỡng sinh để bồi dưỡng sức khỏe cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Anh Dyũng Lê giải thích thêm.

“Hoạt động của hội được biết nhiều nhứt là tổ chức những lớp dạy một môn thể dục dưỡng sinh do thầy sáng lập ra gọi là càn khôn thập linh. Ngoài ra hội đang có dự định mời mọi người học thêm về thực tập thiền. Lý do là đời sống bên này tương đối khá căng thẳng nên thiền quán là một phương pháp rất tốt để mọi người có thể dừng lại và có thể có một đời sống, có một cái nhìn nhẹ nhàng hơn.”

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thưởng, một trong những huấn luyện viên chủ chốt về Càn khôn Thập Linh tại Washington D.C và vùng phụ cận nói về môn thể dục dưỡng sinh này.

“Càn khôn thập linh là chữ thập có nghĩa là số mười tại vì môn này có mười thế. Thế đầu là thế càn, thế cuối cùng là thế khôn. Càn là trời, khôn là đất. Còn giữa thế càn và thế khôn có tám con thú là cóc, rùa, trâu, hạc, rồng, phượng, cọp, bướm. Tổng cộng là mười thế nên gọi là thập linh.”

Đề cập đến chương trình gây quỹ của Hội Từ bi Phụng sự Virginia, D.C, Maryland qua hai buổi nhạc thính phòng “Một thoáng quê hương 1” và “Một thoáng quê hương 2” được tổ chức tại Virginia vừa qua, anh Dyũng Lê cho biết:

“Vùng này nhờ một số anh chị có khả năng đặc biệt tổ chức văn nghệ như anh Nguyễn Xuân Thưởng nên hàng năm tụi này có tổ chức những chương trình văn nghệ. Đó cũng là cách để gọi là giao duyên với tất cả mọi người, giới thiệu chương trình, giới thiệu hội và cũng mở rộng ra giới thiệu hội cho những giới trẻ hay những giới mà mình thường thường không có dịp để gặp gỡ, tiếp xúc nhiều để cho người ta biết mình hơn.”

Những buổi gây quỹ này thường để giúp nạn nhân các thiên tai như trận động đất tại Haiti vào tháng 1 năm ngoái và trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản vào tháng 3 năm nay. Ngoài ra hàng năm hội cũng đều giúp nạn nhân bão lụt miền Trung. Tất cả những việc trợ giúp này đều có tính cách nhất thời, hội chưa có những công tác từ thiện có tính cách lâu dài, nhằm vào một đối tượng nhất định như nhà cô nhi, trường học. v...v... Anh Dyũng Lê giải thích.

“Những nhóm người, những việc cần phải làm vô cùng tận. Có nhiều người của hội đã từng về Việt Nam và mỗi lần có các bác đi về Dyũng đều có nhắn và có giao cho hay yêu cầu mỗi người làm cho Dyũng một việc để nghiên cứu về tình trạng bên đó. Ngay hiện bây giờ hội có một người đang có mặt tại Huế và cô đó cũng đang nghiên cứu về một công tác của hội để xem có làm được hay không. Cái chuyện mình chú trọng vào một tổ chức nào cụ thể như là một cô nhi viện hay là một trường học nào. Như vậy dễ làm, mình thấy được kết quả, mọi người sẽ thấy hay hơn. Nhưng mà cái đó cũng tùy duyên. Ngoài ra mình cũng muốn cho hoạt động của mình không bị giới hạn nhiều, mình cũng muốn hoạt động của mình lan rộng ra nhiều nơi. Thành ra cần có cân bằng giữa hai bên. Những chuyện đó thực ra Dyũng thú thật chưa có nghiên cứu kỹ lắm, chưa biết làm được bao nhiêu.”

Hiện nay Hội Từ bi Phụng sự Virginia, D.C, Maryland chưa có tư cách pháp nhân riêng, vẫn còn phụ thuộc vào hội chính tại California, anh Dyũng Lê hy vọng trong một tương lai rất gần hội sẽ có tư cách pháp nhân như các hội tại Houston, Texas và San Jose, California để hoạt động của hội được dễ dàng hơn.

“Tại vùng đông bắc này hội mới còn đang thành lập giấy tờ để xin qui chế bất vụ lợi. Bây giờ hội vẫn còn thuộc trung ương bên California. Và ở vùng này đúng ra không có ai là trưởng hội hay là trưởng ban chi cả. Người nào tới với hội thì làm việc chung với nhau vậy thôi. Có lẽ khi nào hội trở nên rộng lớn hơn một tí sẽ có những nhu cầu tổ chức cho rõ hơn. Hiện giờ những hội có tổ chức rõ ràng là Orange County, Houston và San Jose. Còn vùng Virginia, D.C và Maryland có lẽ năm nay mới bắt đầu.”

Tại buổi nhạc thính phòng “Một thoáng quê hương II” vừa qua, anh Dyũng Lê ngoài việc cám ơn sự ủng hộ của các người tham dự còn kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến để giúp hội mở rộng cũng như làm việc hữu hiệu hơn.

“Điều các bác, các anh chị ủng hộ hội quan trọng nhất chính là sự giúp đỡ trực tiếp, hoặc là giúp đỡ ý kiến hoặc là giúp cho hội biết được những khuyết điểm của hội hay là giúp cho hội có những mối liên hệ để hội có thể phát triển phương hướng mới để làm việc chung với nhau. Ở ngoài có bảng câu hỏi, xin các bác, các anh chị bỏ ít thì giờ trả lời những câu hỏi đó và tham gia vào những hoạt động của hội. Sự đóng góp lớn lao nhất của các bác, các anh chị bằng sự dấn thân trực tiếp là điều mong mỏi lớn nhất của hội trong ngày hôm nay.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG