Với sự giúp đỡ của anh em cảnh sát người Mỹ gốc Việt quận Fairfax, Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn đã được sử dụng miễn phí hội trường của Holmes Middle School, tọa lạc tại thành phố Alexandria để tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2011. Hội Cao Niên còn được sự yểm trợ của Cộng đồng Việt Nam vùng thủ đô nước Mỹ và các đoàn thể bạn trong việc tổ chức ngày lễ này.
Cụ Nguyễn Đình Kỳ, chủ tịch Hội Cao Niên cho biết về truyền thống tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm kể từ khi người Việt tị nạn đặt chân lên nước Mỹ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
“Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ quan trọng của người Việt Nam kể từ khi di cư tị nạn trên nước Mỹ. Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn lúc nào cũng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào đầu tháng Tư dương lịch đúng vào lễ hội Hoa Anh Đào. Hôm nay chúng tôi hân hạnh được quí vị đến dự lễ, quên mất cuộc diễn hành Hoa Anh Đào trên D.C. Mười tám đời Hùng Vương đã thành lập quốc gia Việt Nam từ bốn ngàn năm. Chúng ta luôn luôn tưởng nhớ đến Đức Hùng Vương đã dựng nước, giữ nước cho đến ngày hôm nay. Chúng ta luôn luôn nhớ đến những địa danh như Cổ Loa Thành, Mê Linh, Phong Châu và những danh nhân 18 đời Hùng Vương như các vị Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Bà Âu Cơ sinh ra 100 trứng, nở ra 100 con. 50 người theo cha xuống biển và 50 người theo mẹ lên núi. Rồi chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh. Những địa danh, những câu chuyện đó làm cho chúng ta nức lòng và khâm phục. Rất tiếc là sau này, các Lê Chiêu Thống thời đại cam tâm quên mất lịch sử kiêu hùng của nước Việt Nam luôn luôn chống kẻ thù phương Bắc đã nhiều lần xâm lấn nước ta và đều bị đánh bại.”
Phần chính của Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là tiết mục Tế Nam Quan do giáo sư Kim Oanh hướng dẫn với chiêng trống và nhạc cổ truyền phụ họa.
Theo giáo sư Kim Oanh, nghi thức buổi lễ vẫn còn giữ được những nét cổ truyền như đã tổ chức tại miền Nam Việt Nam trước đây và những từ được dùng vẫn còn có tính cách cổ điển. Giáo sư Kim Oanh giải thích:
“Có người nói với tôi tại sao không nói tiếng Việt mà lại đi nói tiếng Hán. Tôi nói cái đó không phải tiếng Tàu. Đó là chữ Nôm, chữ Hán. Nếu muốn để lại cho con cháu sau này thì phải giữ nguyên những chữ đó, ví dụ quỳ là quỵ. Lúc mình chết rồi con cháu đâu còn nhớ thời xa xưa. Tôi chỉ đổi một vài cái cho nhẹ nhàng hơn như là chánh tế viên quị, giai quị, thượng hương hoa. Những danh từ đó là danh từ của chữ Hán thời xưa của mình hay là chữ nôm. Tôi muốn giữ lại cái đó. Tôi cũng truyền cho các em, làm copy cho mấy em sau này giữ nguyên lại như vậy.”
Phát biểu cảm tưởng sau buổi lễ, bà Penny Gross, quận trưởng khu Mason, Fairfax một trong những khách mời người Mỹ trong buổi lễ này nói buỗi lễ được tổ chức chu đáo và mọi người đều có vai trò trong buổi lễ. Bà nói thêm là dù không biết tiếng Việt nhưng bà cũng theo dõi được những gì xảy ra vì có những tương tác trong hành động của những người hành lễ và bà thấy buổi lễ chứng tỏ sự đa dạng về chủng tộc tại Fairfax, vùng bắc Virginia.
Bà Penny Gross cũng ghi nhận sự hiện diện của các em hướng đạo sinh nam cũng như nữ thuộc các ấu đoàn, thiếu đoàn, cảnh sát viên trẻ người Mỹ gốc Việt, tất cả những người này sẽ tiếp tục truyền thống Việt Nam. Bà cũng ghi nhận là tại Fairfax đều có những lớp ngày thứ Bảy để huấn luyện về truyền thống cho các em. Và khi bà thấy một em bé hai tuổi mặc quốc phục thì bà nghĩ truyền thống văn hóa Việt Nam sẽ được tiếp tục.
Tiến sĩ Amy Tố Nga Trang thuộc văn phòng dịch vụ cho người cao niên quận Fairfax, phụ trách đọc sơ lược Tiểu Sử Quốc Tổ Hùng Vương bằng tiếng Anh nêu lên cảm nghĩ của cô khi tham dự những lễ hội của cộng đồng.
“Cảm tưởng của Tố Nga khi được đóng góp và tham dự những lễ như Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ Hai Bà Trưng, thật sự mà nói, rất là vui vẻ vì riêng cá nhân Tố Nga rất thích đóng góp cho cộng đồng Việt Nam, cộng đồng Mỹ nói chung và cháu thấy rất là quan trọng vì cháu là một người đi vượt biên từ lúc rất nhỏ, bé, khi sang đây mới được một tuổi thôi cho nên có nhiều khó khăn để học tiếng Việt, học về văn hóa người Việt. Gia đình cháu là người Việt Nam gốc Hoa cho nên không những phải học hỏi thêm về văn hóa Việt Nam và văn hóa người Hoa luôn. Đối với Tố Nga là nếu mình có những cơ hội để tham dự những buổi lễ này, hay là có cuốn sách, những DVD, CD nói thêm về văn hóa thì rất là bổ ích cho những em sanh tại Mỹ, lớn lên tại đây.”
Ông Bách cư ngụ tại Maryland đưa ra những nhận xét về Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay:
“Lần đầu tiên dự tôi được Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Đây là một truyền thống của dân tộc nên mình phải luôn luôn nối tiếp vấn đề của cha ông. Chuyện đó là uống nước nhớ nguồn. Trong buổi lễ hôm nay, lần đầu tiên tôi sang Mỹ này gần được 10 năm thì thấy tổ chức rất là đẹp, theo truyền thống của dân tộc nhưng tôi có một băn khoăn, lo lắng vì thấy rằng quý vị cao niên thì đa số nhưng giới trẻ tôi kiếm trên bàn tay khó quá. Tôi chỉ mong làm sao ban tổ chức kêu gọi được đàn con lũ cháu, nối tiếp được sự nghiệp cha ông thì rất hay, tuyệt vời vì tuổi của chúng mình cũng đã xế chiều, gần đất xa trời rồi mà không truyền lại cho con cháu thì tới thế hệ kế tiếp làm sao biết được những bước của cha ông mình đi?”
Ông Bách đề nghị các bậc cha mẹ phải nhận trách nhiệm trong việc hướng dẫn con cháu tham gia những buổi lễ truyền thống Việt Nam cũng như phải dạy tiếng Việt để các em hiểu được và không nhàm chán khi tham dự các buổi lễ này.
Tiến sĩ Amy Tố Nga Trang có một cái nhìn khác trong việc khuyến khích giới trẻ tham gia vào những lễ hội truyền thống của dân tộc.
“Nếu muốn thế hệ trẻ hiểu biết thêm, tham dự thêm về những buổi lễ như vầy mình nên nghe thế hệ trẻ nói, có những ý kiến gì, và bắt nguồn từ những ý kiến của các em để những em đó thấy ý kiến được coi trọng như vậy các em mới có tinh thần để đóng góp. Còn nếu chỉ mời mấy em tới để tham dự thôi thì có lẽ mấy em sẽ thấy là có những sinh hoạt khác đáng dự hơn.”
Dược sĩ Nguyễn Mậu Trinh phó chủ tịch Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn cho biết Hội cũng lo lắng về việc này nên ngoài việc vận động trong gia đình, hàng xóm, Hội còn tiếp cận với các hội sinh viên để kêu gọi giới trẻ tham dự. Ông nói thêm:
“Chúng tôi tiếp cận giới trẻ qua các hội sinh viên, các đoàn hướng đạo, các lớp dạy tiếng Việt, trong nhà thờ, trong chùa. Đó là những chỗ tiếng nói dễ được đón nhận. Tôi thấy có kết quả nhưng cũng cần có thời gian. Các em nhỏ lớn lên một phần vì áp lực của cha mẹ, phần khác các em phải vươn lên để thành công trong lãnh vực chuyên môn của mình từ học đường cho đến nghề nghiệp nhưng đến một lúc nào đó các em lớn lên ý thức được nguồn gốc của mình. Nếu mình không có một căn cước mà những người khác có căn cước, tôi thấy họ bắt đầu ý thức được chuyện đó.”
Vào ngày thứ bảy 9 tháng 4 vừa qua, Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn đã tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2011 tại trường phổ thông cơ sở Holmes ở thành phố Alexandria, Virginia với sự tham dự của các hội đoàn và đồng bào trong vùng. Hà Vũ đã đến dự buổi lễ và ghi lại một số chi tiết và ý kiến của một số người tham dự trong chuyên mục Sinh hoạt cộng đồng tuần này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1