Jordan đối mặt với khủng hoảng người tỵ nạn, nội chiến Syria

  • Scott Stearns

Tác động dễ thấy nhất tại Jordan là hơn nửa triệu người tỵ nạn Syria. Tình hình này gây nhiều khó khăn cho các cấu trúc trong xã hội Jordan.

Cuộc nội chiến tại Syria và vụ khủng hoảng người tỵ nạn do cuộc chiến này gây ra đang gia tăng những thách thức mà chính quyền nước láng giềng Jordan phải đối mặt. Từ Bộ Ngoại giao ở Washington, thông tín viên Scott Stearns của VOA tường trình các chi tiết sau đây.

Tác động của các cuộc giao tranh tại Syria vượt xa các đường ranh giới nước này. Cuộc chiến đã lôi kéo dân quân đến từ Libăng và Iraq, và khiến cho những người tỵ nạn phải chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Thống Syria Bashar al-Assad nói rằng tất cả các nước láng giềng của Syria giờ đang trả cái giá cho cuộc chiến tranh chống lại ông.

“Nếu chúng ta coi nó như một trận hỏa hoạn bùng phát mạnh đang đốt cháy xã hội, thì ngọn lửa ấy sẽ phải lan rộng. Thế cho nên sẽ không thể nào có chuyện Syria chìm đắm trong ngọn lửa trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mát mẻ và vẫn thoải mái. Điều đó cũng đúng trong trường hợp Iraq, Libăng và Jordan.”

Tại Jordan đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối quan hệ đồng minh giữa vương quốc này với Hoa Kỳ. Sự bất bình trong công chúng đã trở nên mạnh mẽ hơn vì cuộc chiến ở Syria, theo lời cựu đại sứ Hoa Kỳ Adam Ereli.

“Bất ổn nội bộ và bất ổn chính trị, cũng như sự bất bình của người dân về các chính sách của chính phủ đang hiện hữu tại Jordan. Và việc nhìn thấy những gì đang xảy ra ở Syria ảnh hưởng tới sự thể đó.”

Giáo sư Akbar Ahmed của American University nhận định rằng chiến tranh ở Syria đã gây bất ổn tại Jordan, một đất nước đã ở trong thế kẹt giữa các cuộc khủng hoảng khu vực.

“Sớm muộn gì thì nó cũng ảnh hưởng tới người Palestine, sẽ lôi kéo nhóm Hezbollah, thế rồi lại trở lại với cuộc đối đầu giữa người Hồi giáo Shia và Hồi giáo Sunni và các thế lực trong khu vực. Và đó là một cơn ác mộng đối với Jordan.”

Tác động dễ thấy nhất tại Jordan là hơn nửa triệu người tỵ nạn Syria. Quốc Vương Abdullah của Jordan nói về vấn đề này như sau:

“Đó không chỉ là những con số. Họ là những con người, cần có lương thực, điện nước, nơi tạm trú, vệ sinh, họ cần được chăm sóc sức khỏe và nhiều thứ khác nữa. Ngay cả các nền kinh tế vững mạnh nhất toàn cầu cũng không sao đáp ứng được đầy đủ những đòi hỏi đó đối với hệ thống hạ tầng và các tài nguyên của mình.”

Tình hình đó đã gây nhiều khó khăn cho các cấu trúc trong xã hội Jordan, theo lời Cao ủy trưởng Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.

“Jordan đang trải qua những thay đổi to lớn về thành phần dân số tiếp theo sau làn sóng tỵ nạn, gây bất ổn cho các cấu trúc xã hội và kinh tế của nước này.”

Điều này xảy ra vào một thời điểm đặc biệt nguy hiểm đối với Quốc vương Abdullah, theo nhận định của Giáo sư Ahmed.

“Jordan đang ở trong tình trạng rất bấp bênh. Vâng, nước này có một nhà cai trị thông minh, khôn ngoan, và có sức cuốn hút, nhưng nền tảng của nước này không vững. ”

Cựu đại sứ Ereli nói rằng các nhu cầu của người tỵ nạn Syria càng làm cho tình hình trở nên xấu hơn:

“Tình hình này đòi hỏi tiền bạc -mà họ không có. Nó đòi hỏi sự linh động, đổi mới, cải cách, là những điều họ có và đang làm việc để cải thiện. Nhưng theo tôi thì đây là một tình trạng hết sức căng thẳng.”

Jordan muốn tránh bị lôi kéo sâu hơn nữa vào cuộc nội chiến ở Syria, và đang tham gia các nỗ lực của Hoa Kỳ và Nga để tìm một giải pháp chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột đã giết chết hơn 100,000 người.