Giới hoạt động môi trường lên án một số nước là 'giậm chân tại chỗ'

Tại hội nghị Liên hiệp Quốc ở Bali bàn về sự biến đổi khí hậu toàn cầu, các cuộc thảo luận ban đầu tập trung vào việc liệu một số các quốc gia phát triển lớn có sẽ cam kết giảm thiểu việc thải khí có hiệu ứng nhà kính trong những năm sắp tới hay không. Các nước Âu Châu đang vận động việc giảm thiểu mạnh việc thải khí, nhưng giới hoạt động cho môi trường lên án một số nước khác là giậm chân tại chỗ. Từ Bali, phái viên Trish Anderton của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Trưởng ban đặc trách vấn đề khí hậu của Liên hiệp Châu Âu, ông Artur Runge Metzger, cho biết tổ chức của ông muốn cắt giảm lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính xuống phân nửa vào giữa thế kỷ này.

Ông Metzger nói: “Chúng tôi muốn thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá trung bình 2 độ so với các mức trước thời kỳ công nghiệp. Và điều đó đòi hỏi đến năm 2050 thì lượng khí thải trên toàn cầu giảm xuống ít nhất là 50 phần trăm của lượng năm 1990.”

Khí thải có hiệu ứng nhà kính bị cho là gây ra tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Ông Metzger coi nhẹ những bất đồng giữa Liên hiệp Âu Châu và các nước khác về chỉ tiêu giảm thiểu, và nói ông tin rằng việc đáp lại với đề nghị cắt giảm 50 phần trăm ngày càng tích cực hơn. Ông nêu ra rằng Nhật Bản, Canada, và một số thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đã bầy tỏ sự ủng hộ ý kiến đó.

Tuy nhiên, lại chính những nước này đã là mục tiêu của các tổ chức hoạt động cho môi trường, là những người nói rằng các nước này đã không chứng tỏ được trong những lời phát biểu sơ khởi tại hội nghị này quyết tâm cắt giảm đáng kể.

Nhật Bản cho biết đề nghị của họ chỉ là một cố gắng để khởi động cuộc đối thoại và trưởng ban đặc trách vấn đề biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc, ông Yvo de Boer cũng tìm cách coi nhẹ mọi ý kiến bất đồng. Ông De Boer nhiều lần nêu lên sự kiện là hội nghị Bali không nhắm mục đích đưa ra một hiệp định mới về sự biến đổi khí hậu để thay thế Nghị định thư Kyoto. Thỏa thuận năm 1997 đó sẽ hết hạn vào năm 2012.

Ông De Boer nói: “Cuộc họp tại Bali này sẽ không chung quyết một thỏa thuận về biến đổi khí hậu sau năm 2012, đó là vấn đề quá phức tạp không thể thực hiện trong 10 ngày, nhưng điều mà hội nghị này có thể làm là thiết đặt tiến trình 2 năm để tiến tới một thỏa thuận như thế.”

Ngay cả mức tăng 2 độ mà Liên hiệp Châu Âu bàn tới cũng được tiên đoán là sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người và môi trường. Ủy ban liên chính phủ của Liên hiệp quốc về vấn đề biến đổi khí hậu đã dự liệu rằng mức tăng nhiệt đó sẽ làm gia tăng tần số các cơn bão gây thiệt hại, và khiến cho 30 phần trăm các chủng loại sinh vật trên thế giới có nhiều nguy cơ tuyệt chủng hơn.

Mấy ngàn đại biểu của hơn 180 quốc gia đang họp tại Bali, và hội nghị dự trù kéo dài đến hết ngày 14 tháng này.