Đại biểu của hơn 180 quốc gia tề tựu tại đảo Bali của Indonesia ngày hôm nay để khai mạc một hội nghị do Liên Hiệp Quốc bảo trợ liên quan tới sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Liên Hiệp Quốc hy vọng là hội nghị này sẽ kết thúc với một lộ trình tiến tới một hiệp định mới về việc giảm thiểu những loại ô nhiễm không khí mà nhiều khoa học gia tin là đang gây ra sự biến đổi khí hậu trên trái đất.
Hội nghị Bali có mục đích thúc đẩy các quốc gia hoạt động để đạt được một hiệp định mới về cắt giảm khí thải hầu triển hạn hay thay thế nghị định thư Kyoto sẽ mãn hạn vào năm 2012.
Chủ tịch hội nghị này, ông Rachmat Witoelar của Indonesia, đã nói với các nhà báo rằng, trong giai đoạn này thì chưa cần tới một đề nghị chi tiết, nhưng sự tham gia của tất cả các nước là điều quan trọng.
Ông Witoelar nói: "Nếu kế hoạch của hội nghị Bali này là đề cập tới những vấn đề tổng quát thì cũng đã là tốt rồi nên chúng ta sẽ không thúc đẩy một kế hoạch rất chi tiết trong khoảng thời gian ngắn này. Sự mở đầu và tiến trình làm việc này là quan trọng.”
Khi hội nghị khai mạc, Tân Thủ Tướng Australia, ông Kevin Ruđ, đã ký vào nghị định thư Kyoto, giới hạn mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nước ông.
Hành động này đã được đại biểu các nước tham gia hội nghị Bali đứng dậy hoan hô, và tập trung chú ý vào việc Hoa Kỳ đã không chịu ký vào nghị định thư Kyoto. Hoa Kỳ là nước đã phát triển duy nhất không ký nghị định thư này.
Ông Alden Meyer thuộc tổ chức Liên Hiệp Các Khoa Học Gia Quan Tâm đã tố cáo chính phủ Bush là cản trở tiến bộ về vấn đề thay đổi khí hậu. Ông nói:
"Dù phái đoàn hiện nay của Hoa Kỳ sẽ không tham gia cuộc thương thảo nghiêm túc về những giới hạn bắt buộc đối với mức ô nhiễm không khí làm tăng nhiệt trên địa cầu, thì phái đoàn này chắc cũng không còn có mặt khi hiệp định cuối cùng được thực hiện vào năm 2009. Một phái đoàn mới của Hoa Kỳ sẽ có mặt với một kế hoạch hoàn toàn khác. Các quốc gia khác phải làm sao để không cho phép Hoa Kỳ gây trở ngại, trì hoãn, hay làm tiêu tan kết quả của hội nghị Bali."
Thương thuyết gia cao cấp của Hoa Kỳ, ông Harlan Watson, đã phủ nhận ý kiến cho rằng nước ông cản trở tiến bộ, và nói rằng Hoa Kỳ đã chỉ chọn lựa một đường lối khác mà thôi.
Ông Watson nói: "Tùy theo mỗi quốc gia thực hiện các cuộc phân tích về vấn đề này cho chính mình xem mục tiêu có thể thực hiện được hay không. Rõ ràng là Hoa Kỳ đã đi tới một kết luận khác. Chúng tôi tôn trọng những quyết định của các quốc gia khác và dĩ nhiên là chúng tôi cũng yêu cầu các quốc gia khác tôn trọng quyết định của chúng tôi."
Tổng Thống Bush nói rằng, nghị định thư Kyoto đe dọa tới sự tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ, và tin rằng bất cứ hiệp định nào về thay đổi khí hậu trong tương lai cũng sẽ không có hiệu quả nếu hiệp định đó không bao gồm các quốc gia đang phát triển nhanh chóng như Trung Quốc, và Aán Độ là những nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới vì khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Các đề tài khác trong chương trình nghị sự của hội nghị Bali là bảo tồn những khu rừng còn lại trên thế giới, cũng như chia sẻ kỹ thuật để giúp các nước đang phát triển tăng trưởng theo đường lối ít gây ô nhiễm hơn.
Liên Hiệp Quốc cũng hy vọng là kết thúc được việc thiết lập một ngân quỹ để giúp các nước bị ảnh hưởng của tình trạng tăng nhiệt trên trái đất đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng vừa kể. Ngân quỹ này sẽ được sử dụng cho việc xây dựng những căn nhà chống lũ lụt, việc xử lý nguồn nước tốt hơn, và việc đa dạng hóa hoa mầu.
Hội nghị Bali sẽ tiếp tục cho tới ngày 14 tháng 12. Hằng ngàn đại biểu của chính phủ các nước, cũng như các khoa học gia và những người hoạt động môi trương đang tham dự hội nghị này.