Chính quyền của Tổng thống Bush cho hay họ mong muốn Hội nghị về Biến đổi Khí hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Bali sẽ thành công trong việc đưa ra một lộ đồ cho việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên các giới chức Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chống đối bất kỳ nỗ lực nào để áp đặt một quy định bắt buộc cho việc cắt giảm, và lập trường này đã gặp sự chống đối tại hội nghị.
Mục đích của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi về Khí hậu được tổ chức tại Bali là đề ra một nghị trình thương thuyết về các phương cách để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhiều nhà khoa học cho rằng việc đốt các loại than và các loại nhiên liệu khác làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu. Và tại Hội nghị Bali, họ đã cổ xướng cho việc đề ra những mức cắt giảm bắt buộc.
Hôm qua, hơn 200 nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới đã kêu gọi cắt giảm lượng khí thải xuống phân nữa từ nay cho tới trước năm 2050. Giáo sư Matthew England, một nhà khoa học người Anh, đã phát biểu như sau:
Ông England nói: “Chúng ta phải có một sự thay đổi rất lớn về việc sử dụng năng lượng trên hành tinh này. Chúng ta phải bắt đầu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính càng nhanh càng tốt, và cần phải có hành động cho giai đoạn kế tiếp. Đó là điều mà chúng tôi đang bàn tới ở đây.”
Lời kêu gọi này chủ yếu là nhắm vào Hoa Kỳ, một trong những nước tạo ra khí thải nhiều nhất thế giới. Nghị định thư Kyoto năm 1997 nhằm hạn chế lượng khí thải carbon, nhưng nghị định này chỉ qui định sự cắt giảm bắt buộc đối với các quốc gia công nghiệp.
Đó chính là một trong những lý do vì sao Tổng thống Bush đã không chịu ký vào Nghị định thư Kyoto, và các giới chức Hoa Kỳ đến dự Hội nghị Bali cũng đã nêu rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận những quy định cắt giảm có tính chất bắt buộc.
Tại Washington, cố vấn hàng đầu của Tòa Bạch Ốc về Môi trường, ông James Connaughton cũng phản đối việc áp dụng một quy định chung đối với tất cả các nước. Ông Connaughton đã phát biểu với các ký giả ngày hôm qua rằng bất kỳ hiệp định nào trong tương lai thay thế Nghị định thư Kyoto đều phải bao gồm tất cả các nước.
Ông Connaughton nói: “Để lượng khí thải nhà kính được giảm thiểu đáng kể, tất cả các nước có nền kinh tế đang trỗi dậy phải có hành động. Những hành động này có thể khác nhau, nhưng cần phải có hành động, nếu không chúng ta sẽ không làm tác động đến chiều hướng tăng vọt của nhiệt độ về lâu về dài. ”
Ông Connaughton sẽ tham gia đoàn đại biểu cấp cao của Hoa Kỳ đến dự Hội nghị tại Bali vào tuần tới. Hội nghị này sẽ kết thúc vào ngày thứ Sáu tuần tới, tức là ngày 14 tháng 12. Hội nghị Bali cũng bàn đến các vấn đề khác như: nạn phá rừng, mực nước biển dâng cao, và những hậu quả có thể phát sinh từ nạn biến đổi khí hậu.