Đường dẫn truy cập

Các nhà khoa học kêu gọi hành động nhanh chống sự biến đổi khí hậu


Hơn 200 nhà khoa học hàng đầu thế giới đã ký một thỉnh nguyện thư kêu gọi các nhà thương thuyết tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu đặt ra những chỉ tiêu cao cho việc giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật do phái viên Chad Bouchard của đài VOA gởi về từ Bali, Indonesia.

Tuyên cáo công bố ngày hôm nay tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu hối thúc chính phủ các nước cắt giảm phân nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2050.

Hầu hết các nhà khoa học cho rằng: những loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, như khí methan và CO2 tích tụ trong bầu khí quyển của trái đất, là nguyên do gây ra hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu.

Khoảng 215 chuyên gia khí hậu đã ký kết tuyên cáo được soạn thảo trong 4 tháng qua. Các nhóm khoa học gia khác, như Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu được trao giải Nobel Hòa bình, cũng đưa ra những thông cáo quan trọng về khoa học biến đổi khí hậu.

Giáo sư Matthew England của Đại học New South Wales ở Australia cho biết: thỉnh nguyện thư này có một đặc điểm là đề ra những khuyến nghị cụ thể.

Giáo sư England nói: "Văn kiện này đưa ra một thông điệp rất rõ ràng. Tuy chỉ có 4 hoặc 5 đoạn văn ngắn, nhưng văn kiện này có sức nặng của cả cộng đồng khoa học thế giới. Tôi hy vọng rằng tuyên cáo này sẽ giúp cho các nhà thương thuyết tham dự hội nghị ở Bali trong vài tuần nay không quên những điều mà các khoa học gia về biến đổi khí hậu đã nói."

Ông Richard Somerville, một chuyên gia thuộc Viện Hải dương học Scripps của Đại học California ở San Diego, cho biết rằng những khuyến nghị của các nhà khoa học phát xuất từ những dự báo đặt cơ sở trên các dữ liệu đầy đủ nhất. Ông cho biết thêm như sau:

"Chúng ta không có một con số kỳ diệu - cũng giống như không có con số kỳ diệu về lượng cholesterol mà bác sĩ của quí vị có thể đưa ra để nói rằng thấp hơn con số này thì bạn được an toàn mà cao hơn thì bạn sẽ bị đột quỵ. Đây chỉ là một yếu tố rủi ro mà thôi. Và theo nhận định của tôi và của những người ký tên trong thỉnh nguyện thư này, những chỉ tiêu mà chúng tôi đề ra là những gì mà chúng ta cần có để giữ cho sự rủi ro nằm trong một giới hạn hợp lý."

Ông Yvo de Boer, người đứng đầu công tác đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, cho biết rằng: hiện chưa rõ những khuyến nghị của các nhà khoa học sẽ có tác dụng như thế nào trong những cuộc thương thuyết giữa chính phủ các nước. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng cuộc thảo luận tại hội nghị Bali đặt trọng tâm vào những báo cáo có cơ sở khoa học - như báo cáo mà Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, gọi tắt là IPCC, đã công bố trước đây.

Ông De Boer nói: "Tôi nghĩ rằng tiến trình này có lẽ là tiến trình dựa trên cơ sở khoa học mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Quí vị cũng đã thấy là quyết định bắt đầu cuộc thương thuyết về Nghị định thư Kyoto được dựa trên một bản phúc trình của IPCC. Vì thế cho nên tôi hy vọng rằng chúng ta có thể dùng bản báo cáo mới nhất của IPCC làm cơ sở cho giai đoạn kế tiếp của cuộc thương thuyết."

Tuyên cáo Bali về biến đổi khí hậu cho biết rằng: nếu chính phủ các nước có thể bảo đảm là lượng khí thải giảm đi trong vòng 15 năm tới đây, thì thế giới sẽ có cơ hội với xác suất 50% là giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng cao hơn 2 độ C so với nhiệt độ trước thời cách mạng công nghiệp.

Khoảng 190 nước trên thế giới đã phái đại diện tham gia hội nghị biến đổi khí hậu tổ chức trên đảo du lịch Bali của Indonesia từ ngày 3 đến 14 tháng 12.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG