Thứ ba vừa qua, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc đã công bố một bản phúc trình, trong đó có nói rằng hiện tượng trái đất nóng dần đang đe dọa tới sinh kế của hàng triệu người ở Việt Nam. Chỉ riêng nạn nước biển dâng cao cũng có thể khiến cho 22 triệu người Việt Nam bị mất nhà cửa. Cảnh báo này được đưa ra trong lúc hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu thay đổi sắp khai mạc tại đảo Bali của Indonesia và nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cùng với nhiều nước đang phát triển ở Á Châu sẽ gánh chịu thiệt hại nhiều nhất của nạn khí hậu thay đổi. Xin mời quí vị nghe Duy Ái trình bày thêm một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.
Thủ phạm chính gây ra hiểm họa biến đổi khí hậu là những nước giàu có, nhưng các nước đang phát triển và chậm phát triển lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của hiểm họa này. Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia quốc tế và đã được nhắc lại trong một bài bình luận mới đây trên tờ Nhân Dân ở Việt Nam, nhân dịp Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố Báo cáo Phát triển Con Người 2007-2008. Bản báo cáo - có nhan đề 'Cuộc Chiến Chống Biến Đổi Khí Hậu: Đoàn Kết Nhân Loại Trong Một Thế Giới Phân Cách', đã được phổ biến trước hội nghị cấp cao Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra trên đảo du lịch Bali của Indonesia từ ngày mồng 3 đến ngày 14 tháng 12.
Văn kiện này nói rằng trong 15 năm qua, Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể về phát triển con người, nhưng biến đổi khí hậu đang tạo ra một mối đe dọa thật sự đối với những thành tựu này, và không đâu nghiêm trọng hơn khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Cũng theo báo cáo của UNDP, hơn 70 triệu người Bangladesh, 22 triệu người Việt Nam, và 6 triệu người Ai Cập có thể bị ảnh hưởng bởi lụt lội phát sinh từ hiện tượng trái đất nóng dần.
Viễn cảnh này là một mối ưu tư lớn của các chuyên gia phát triển quốc tế, đặc biệt là đối với nguy cơ giảm thiểu sản lượng lương thực. Về việc này, ông Shailendra Yashwant của tổ chức Hòa Bình Xanh ở Bangkok cho biết như sau:
"Nạn nghèo túng đang hoành hành ở các nước đang phát triển. Chính phủ ở các nước này vẫn chưa thể giải quyết vấn đề nghèo túng. Nhưng vấn đề biến đổi khí hậu lại xuất hiện, và thời tiết thay đổi sẽ tác động đến nông dân, tạo ra tình trạng giống như gặp nạn đói, và khiến cho tỉ lệ người nghèo đói gia tăng."
Một số chính phủ ở Á Châu đã lên tiếng cảnh báo về những hiểm họa mà họ đang phải đối phó. Giới hữu trách Phnom Penh nói rằng mực nước biển dâng cao tạo ra tình trạng đồng lúa bị ngập mặn, gây hư hại cho mùa màng và hạn chế nguồn nước ngọt. Lũ lụt và hạn hán cũng sẽ khiến cho sản lượng lương thực bị sút giảm thêm. Hồi đầu tuần trước, triều cường đã khiến cho nhiều vùng ở thành phố Sài Gòn bị ngập lụt, có nơi nước lụt cao tới 1 mét rưỡi, và nhiều người ở Việt Nam đã bắt đầu cảm nhận một cách mạnh mẽ hơn về mối nguy của nạn biến đổi khí hậu.
Nhiều quốc gia ven biển đã ra sức xây dựng và củng cố hệ thống đê biển để ứng phó. Tuy nhiên, theo ông Yashwan của tổ chức Hòa bình Xanh, chính phủ các nước cũng cần phải thực hiện những sửa đổi về mặt định chế để đối phó với hiểm họa này.
Ông Yashwant nói: "Vào lúc này, có một điều rõ ràng là chúng ta không thể ngăn không cho mực nước biển dâng cao bằng cách xây đập hoặc xây tường ngăn nước biển. Điều mà chúng cần là một sách lược khung lớn hơn để di dời và tái định cư tất cả những người sinh sống ven biển và là những người chịu tác động nhiều nhất của nạn mực nước biển lên cao."
Giáo sư Marcus Schuetz của Đại học Khoa học Kỹ thuật Hồng Kông tán đồng ý kiến của ông Yashwan và nói thêm rằng các chính phủ cần phải xem sự biến đổi khí hậu như một hiểm họa thuộc tầm cỡ quốc gia để huy động nguồn lực của mọi định chế xã hội, từ bệnh viện, ngân hàng, cho đến các nhà máy.
Giáo sư Schuetz nói: "Hầu hết các vấn đề của chúng ta hiện nay thật ra là những vấn đề xã hội. Những vấn đề này không phải là các vấn đề thuần túy khoa học - không phải là những vấn đề mà chúng ta có thể dùng khoa học kỹ thuật để giải quyết."
Tường thuật của tờ Nhân Dân cho biết Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu về những phương cách để giảm thiểu tác động và thích nghi với hiện tượng khí hậu thay đổi. Các chuyên gia của Việt Nam cũng đang nghiên cứu về những hệ quả khác nhau của vấn đề biến đổi khí hậu và đang soạn thảo một sách lược quốc gia để ứng phó với vấn đề này.
Trong lúc cổ xướng cho những chương trình hợp tác quốc tế để khắc phục những hậu quả của hiện tượng trái đất nóng dần, một số chuyên gia phát triển quốc tế cũng đề cập tới sự tương phản rất rõ rệt về khả năng ứng phó của những nước nghèo và những nước giàu.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, Giám đốc quốc gia của UNDP ở Indonesia, ông Hakan Bjorkman cho biết như sau:
"Anh quốc chi tiêu hơn 1 tỉ đô la để chuẩn bị cho lụt lội. Với sự hỗ trợ của chính phủ, người dân Hà Lan đang đầu tư vào việc xây dựng các loại nhà nổi -- khi có lụt thì những ngôi nhà này có thể thực sự nổi trên mặt nước. Trong khi đó, tại Ethiopia, biện pháp thích nghi là để cho phụ nữ phải đi bộ xa hơn để lấy nước. Ở Bangladesh thì dân chúng dùng tre nứa để xây những nơi tránh lụt, và ở Việt Nam là dạy bơi cho phụ nữ và trẻ em."
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng các nước nghèo nên tận dụng một qui định được đề ra trong Nghị định thư Kyoto, đó là Cơ Chế Phát Triển Sạch để tranh thủ sự trợ giúp của các nước giàu nhằm ứng phó với những tác động của sự biến đổi khí hậu.
Theo Cơ Chế Phát Triển Sạch, các nước công nghiệp tham gia nghị định thư được quyền thông qua việc tài trợ cho các dự án giảm khí thải carbon ở những nước phát triển để có thể được xem là đã chu toàn nghĩa vụ giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Về việc này, giáo sư Schuetz của Đại học Khoa học Hồng Kông giải thích như sau:
"Theo cơ chế này, quí vị có thể đầu tư vào việc trồng rừng, bảo vệ rừng hoặc vào những hoạt động khác để bù vào số khí thải gây ô nhiễm môi trường mà quí vị thải ra. Một điều khác nữa là quí vị có thể tới những nơi mà việc sản xuất các nguồn năng lượng có thể tái sinh chưa được phổ biến để bắt đầu thực hiện những dự án như xây dựng nhà máy điện chạy bằng sức gió chẳng hạn."
Tại hội nghị ở đảo Bali, hơn 13,000 tham dự viên đến từ 185 quốc gia trên thế giới sẽ bàn luận về việc soạn thảo một hiệp định để thay thế Nghị định thư Kyoto khi văn kiện này hết hiệu lực vào năm 2012. Và theo dự liệu, thỏa thuận Bali sẽ được đúc kết và phê chuẩn tại hội nghị ở Đan Mạch vào năm 2009.