Tháng 12 tới đây, đại biểu của các nước sẽ qui tụ trên đảo Bali của Indonesia để thảo luận về các phương cách đối phó với tình trạng khí hậu thay đổi và những tổn hại về môi trường. Indonesia sẽ là một trường hợp thử nghiệm cho các nỗ lực này. TTV đài VOA Nancy Amelia Collins đã đến thăm đảo Pramuka, gần thủ đô Jakarta, nơi từ hơn 2 thập kỷ nay một người đàn ông đã cố gắng không ngừng nhằm cứu cho các con đồi mồi đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Nước trong trong vịnh Jakarta bị ô nhiễm rất nặng. Rác rưởi của 12 triệu dân ở thủ đô này được vứt xuống những con kinh chạy chằng chịt trong thành phố để cuối cùng đổ ra biển. Một công trình nghiên cứu đã tuyên bố là hệ sinh thái trong vịnh Kajarta đang chết dần.
Tuy nhiên chỉ ra khỏi vịnh này chừng một giờ đồng hồ bằng thuyền cao tốc, thì người ta sẽ không còn thấy dòng nước đục ngầu nữa mà nước đã trong xanh trở lại quanh đảo Pramuka.
Tại nơi này một người đàn ông 57 tuổi là ông Salim đang cố gắng bảo vệ giống đồi mồi khỏi bị tuyệt chủng. Đồi mồi trong vùng biển này nhiều đến nỗi đã có thời con vật này được dùng làm biểu tượng chính thức của đảo. Ông Salim bắt đầu ngày làm việc của mình bằng việc chuẩn bị thức ăn cho các con đồi mồi.
Ông Salim nói: "Tôi băm những con cá nhỏ này để cho các con đồi mồi ăn, bất cứ loại cá nhỏ nào cũng cho chúng ăn được. Chúng tôi cho chúng ăn một ngày 2 lần."
Hai mươi năm trước, đồi mồi đẻ trứng hầu như khắp trên các đảo Indonesia. Nhưng bây giờ thì trong số 110 đảo người ta chỉ tìm thấy tổ của chúng trên 3 đảo, vì ô nhiễm cũng có và bị người săn bắt cũng có.
Để bảo tồn loài thú này, Salim đã nhặt trứng từ các tổ của chúng, đợi cho nở ra rồi đặt các con đồi mồi con vào các hồ chứa nước khổng lồ chờ cho đến khi chúng đủ mạnh mới thả ra biển. Ông Salim cũng kêu gọi trên 20 ngàn người sống trên 6 đảo trong khu bảo tồn là hảy bảo vệ giống đồi mồi.
Ông Salim nói: "Con người cũng là một mối đe dọa lớn cho đồi mồi. Họ rất vô tâm. Họ lấy trứng của chúng, và cũng có khi đồi mồi bị mắc lưới và chết. Không phải là diều hâu hay các loài bò sát lớn mới ăn thịt đồi mồi, mà chính là con người."
Mặc dù có người như ông Salim đã cố gắng suốt đời để bảo vệ và bảo tồn loài đồi mồi cho các thế hệ tương lai, các chuyên gia vẫn không cảm thấy lạc quan rằng đồi mồi sẽ có thể tồn tại lâu dài trong dòng nước rất bẩn thỉu trong vịnh Jakarta.