Linh mục Nguyễn Văn Lý bị kết án 8 năm tù

Linh mục bất đồng chính kiến, Nguyễn Văn Lý, đã bị một tòa án ở thành phố Huế, quê nhà ông, kết án 8 năm tù giam. Linh mục Lý đã xuất bản một tờ báo bị cấm và giúp thành lập Đảng Thăng Tiến Việt Nam như một đảng thay thế Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam. 4 nhà tranh đấu dân chủ khác cũng đã bị kết án trong phiên xử này.

Thẩm phán Bùi Xế, chủ tịch hội đồng xét xử đã đọc cáo trạng vào cuối buổi sáng ngày thứ sáu, sau một phiên xử kéo dài 4 giờ đồng hồ ở tòa án thành phố Huế.

Thẩm phán đã kết án linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý 8 năm tù giam. Hai đồng bị cáo với linh mục Lý, những người sáng lập đảng Thăng Tiến là ông Nguyễn Phong bị kết án 6 năm tù và ông Nguyễn Bình Thành cũng bị kết án 5 năm tù.

Hai nữ bị cáo, Lê Thị Lệ Hằng và Hồng Thị Anh Đào cũng bị đã bị kết án nhưng được hưởng án treo.

Các bị cáo bị kết tội tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam. Trong những năm qua họ đã xuất bản một tờ báo độc lập có tên “Tự do Ngôn luận”. Năm ngoái họ đã thành lập đảng Thăng Tiến Việt Nam như một đảng thay thế, một đảng không theo chủ nghĩa cộng sản.

Bản tin của AP trích lời thẩm phán Bùi Quốc Hiệp nói rằng linh mục Lý “đáng bị xử phạt nặng” vì những nỗ lực tổ chức tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, thành lập đảng chính trị bất hợp pháp, và âm mưu lật đổ chính phủ.

Trong khi đó bản tin của AFP trích lời công tố viên Trần Lý Thảo nói rằng hành động của linh mục Lý là một “sự vi phạm vô cùng nguy hiểm đối với an ninh quốc gia” và cũng vi phạm các qui định của nhà thờ.

Các công tố viên cũng nói rằng linh mục Lý khai với cảnh sát rằng ông “làm việc ngày đêm” để soạn thảo tài liệu chống chính phủ.

Linh mục Lý đã khai rất ngắn tại tòa và các câu trả lời thẩm phán của ông hai lần bị ngắt khi ông cố gắng nói những lời lên án chế độ:

"Việt Nam áp dụng luật rừng"

Cảnh sát đã tắt micro của linh mục Lý và giải ông ra khỏi phòng xử án.

Theo bản tin hôm thứ sáu của AP thì linh mục Lý đã không có mặt trong phòng xử án khi bản án được đọc.

Trước đây linh mục Lý đã bị giam trong tù hơn một thập niên vì các hoạt động chính trị của ông và ông là một trong những thành viên nổi tiếng nhất trong nhóm những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Các chính phủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế đã phản đối việc giam giữ linh mục Lý và ông đã được ân xá sớm vào năm 2005.

Các bị cáo trong phiên tòa này không có luật sư bào chữa và không được tự bào chữa. Cuối phiên xử các thẩm phán hỏi họ xem họ có muốn nói gì về vụ án nhà nước này không. Ông Nguyễn Bình Thành bắt đầu trình bày về trường hợp của ông như sau:

Ông Thành nói rằng hành động của ông phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên chủ tịch hội đồng xét xử đã ngắt lời ông và nói rằng những điều này không liên quan gì đến vụ án.

Một nhà ngoại giao phương Tây đến dự phiên tòa nói rằng kết quả của phiên xử này đã được định sẵn.

Ông Kenneth Chern, một nhà ngoại giao tại lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đọc một bản tuyên bố sau phiên xử như sau:

"Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam cho phép các cá nhân được phép áp dụng quyền tự do bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa mà không sợ bị kết tội "

Mặc dù phiên xử diễn ra rất nhanh chóng, phiên xử này đánh dấu lần đầu tiên các nhà ngoại giao và phóng viên nước ngoài được phép dự phiên xử một nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam, một hành động hiếm khi xảy ra này cho thấy sự tiến tới một sự cởi mở hơn trong một xã hội vẫn còn những sự kiểm soát nghiêm ngặt.

Cũng tương tự như những vụ án trước đây, phiên tòa xử Linh mục Nguyễn Văn Lý hôm thứ sáu đã gặp phải sự chỉ trích dữ dội của các nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam ở hải ngoại cùng với các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người từng bị giam cầm nhiều năm ở Việt Nam vì những hoạt động đòi tự do dân chủ, đã phát biểu như sau về việc Linh mục Nguyễn Văn Lý bị kết án tù:

Tôi rất xúc động và hoàn toàn phản đối quyết định của tòa án và nhà nước VN đối với Linh mục Lý và những người trong khối 8406 đã cố gắng trong thời gian 2 năm qua để nói lên tiếng nói dân chủ cho đất nước. Tôi thấy việc tuyên án như vậy, Hà nội vẫn chưa đủ điều kiện để hội nhập với cộng đồng quốc tế. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi quốc tế có các biện pháp để buộc nhà cầm quyền Việt Nam tuân thủ luật pháp quốc tế, và các tiêu chuẩn của một quốc gia văn minh dân chủ, để có thể hội nhập vào quốc tế. Và chúng tôi sẽ tiếp tục vận động quốc hội Hoa Kỳ lên tiếng và xét lại việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm. Và tích cực hỗ trợ thêm cho các nhà dân chủ ở trong nước.

Bà Sophie Richardson, phó giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức Human Rights Watch, cũng bày tỏ mối quan tâm sâu sắc trước sự trấn áp của Hà Nội đối với những người tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam:

Chúng tôi vô cùng quan tâm trước sự kiện là chính quyền Việt Nam lại cầm tù những người không làm gì khác hơn là lên tiếng chỉ trích thành tích của chính phủ về tự do tôn giáo và tham gia những tổ chức đòi quyền tự do chính trị. Linh mục Nguyễn Văn Lý đã từng bị giam cầm trong 15 năm và chỉ được thả ra khỏi tù vào naum 2005, chủ yếu là vì có áp lực của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi rất lo ngại trước sự kiện là ông lại bị bắt và bị kết án tù một lần nữa.

Bà Richardson cũng tán đồng ý kiến cho rằng các giới chức chính phủ Mỹ, đặc biệt là đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội, cần phải tích cực hơn nữa trong việc bênh vực cho các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam:

Như chúng đã nói trước đây, những gì đang diễn ra ở Việt Nam là một chiến dịch dữ dội nhất trong vòng 20 năm nhằm trấn áp các quyền tự do cơ bản của người dân. Tuy chúng tôi nhận thấy chính phủ Mỹ đã có những cuộc tiếp xúc riêng tư với giới hữu trách Việt Nam để tìm hiểu về những vụ trấn áp và đã làm áp lực với chính quyền Hà Nội, đặc biệt là đã đưa ra một tuyên bố sau vụ xử Linh mục Lý, nhưng rõ ràng là họ cần phải theo đuổi một sách lược năng động nhiều hơn nữa. Trong dịp hội nghị thượng đỉnh Apec ở Hà Nội hồi tháng 11, không có đại diện của nước nào công khai phản đối việc chính phủ Việt Nam bắt bớ, sách nhiễu, đánh đập các nhân vật tranh đấu cho dân chủ. Tôi nghĩ rằng điều đó đã khiến cho chính phủ Việt Nam cảm thấy bạo dạn hơn và họ đã làm những việc mà họ đang làm. Vì vậy cho nên chúng tôi tin rằng những áp lực công khai và năng động của các chính phủ của những nước quan trọng đối với Việt Nam, như Hoa Kỳ, là hữu ích cho việc bảo vệ những người tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam.