Việt Nam đã bãi bỏ một biện pháp trước đây thường dùng để giam giữ những người bất đồng chính kiến mà không đưa ra xét xử. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng hành động này chủ yếu chỉ mang tính tượng trưng.
Bản tin hôm thứ tư của hãng thông tấn AP trích thuật lời một giới chức Quốc hội cho biết Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký một nghị định hồi tuần trước để bãi bỏ biện pháp “quản chế hành chính” thường dùng để giam giữ những người bị tình nghi phạm tội vi phạm an ninh quốc gia.
Các nhà phân tích và phương Tây đã ca ngợi hành động này của chủ tịch Nguyễn Minh Triết, tuy nhiên họ nói rằng các nhà trức trách vẫn có cách để sách nhiễu và câu lưu những nhà hoạt động vì dân chủ, những người phản đối việc kiểm soát chính phủ một cách tuyệt đối của Đảng Cộng sản.
Ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia nói rằng “biện pháp này đã vấp phải sự chỉ trích của các tổ chức nhân quyền, và việc bãi bỏ biện pháp này là một bước tích cực, tuy nhiên điều này có nhất thiết là sẽ tăng cường khả năng hoạt động của những nhà bất đồng chính kiến hay không? Câu trả lời là Không.”
Biện pháp giam giữ này lần đầu tiên được đưa vào một nghị định có tên là nghị định 31 vào năm 1997, trong đó cho phép chủ tịch tỉnh áp dụng hình thức quản chế hành chính trong thời gian lên tới 2 năm đối với những ai “vi phạm pháp luật, đe dọa an ninh quốc gia, tuy nhiên chưa nghiêm trọng đến mức độ phải đưa ra truy tố”.
Gần 200 người được cho là đã bị giam giữ theo quy định này.
Các tòa án Việt Nam vẫn sẽ được phép quản thúc tại gia những người phạm tội làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Trong những tuần gần đây, cảnh sát cũng đã bắt giữ hai luật sư tranh đấu nhân quyền nổi tiếng tại Hà Nội, và linh mục Nguyễn Văn Lý, một người bất đồng chính kiến được nhiều người biết đến nhất, sẽ bị đưa ra xét xử vào thứ 6 này.