Đường dẫn truy cập

Ông Trump và cam kết không rõ ràng với đông nam Á


Ông Pompeo tham dự cuộc họp với những người đồng cấp Asean
Ông Pompeo tham dự cuộc họp với những người đồng cấp Asean

Những chính sách và bước đi đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cho vai trò của Washington ở đông nam Á ngày càng trở nên yếu đi, một học giả Trung Quốc nhận định.

Ông Nhậm Viễn Triết, giáo sư Học viện Ngoại giao Trung Quốc, đã đưa ra nhận định này trên tờ Hoàn cầu Thời báo.

Từ ngày 1 đến ngày 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến công du đầu tiên đến đông nam Á kể từ khi ông trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ. Chuyến thăm này nằm trong nỗ lực của Washington nhằm tái định hình khu vực và mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á mà trong đó mục tiêu quan trọng là đưa đông nam Á trở lại quỹ đạo địa chiến lược của Mỹ vốn đang mất dần về tay Trung Quốc.

So với người tiền nhiệm Barack Obama, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đưa ra được một chính sách rõ ràng đối với đông nam Á. Trong bối cảnh chiến lược của chính sách tái cân bằng sang khu vực Thái Bình Dương mà chính quyền ông Obama đưa ra, đông nam Á là một trụ cột hàng đầu và không thể thiếu. Bản thân ông Obama đã đến thăm hầu hết các nước đông nam Á, đưa ra một số dự án mới và dành nhiều nguồn lực cho khu vực.

Tuy nhiên, dưới chính quyền Trump, các quốc gia đông nam Á đã nhận thấy khả năng Mỹ có sự thụt lùi đáng kể ra khỏi khu vưc. Tất cả các nước trong khu vực đều lo ngại nghiêm trọng về chính sách bảo hộ mậu dịch của chính quyền Trump. Quyết định của ông Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng cho thấy tầm nhìn của Trump về việc triệt thoái khỏi khu vực. Giới nghiên cứu đều cho rằng so với đông bắc Á thì khu vực đông nam Á chỉ xếp hàng thứ yếu trong những bận tâm về kinh tế và an ninh của chính quyền Trump.

Bản thân ông Trump cho đến nay đã đi thăm đông nam Á hai lần. Chuyến công du đầu tiên hồi tháng 11 năm ngoái là chuyến đi dài để tham dự các cuộc gặp thượng đỉnh APEC và Asean và được mô tả là để tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao tại khu vực vốn đã được định hình qua nhiều thập kỷ. Lần thứ hai là khi ông Trump đến Singapore hồi tháng Sáu năm nay để tham dự hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Tiến trình và kết quả của chuyến thăm này không thể hiện rằng ông Trump muốn quan tâm trở lại đối với khu vực. Mặc dù Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã mời ông Trump đến Singapore để dự Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 13, vẫn chưa rõ liệu ông Trump có đến hay không.

Trong bối cảnh đó, chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo đến đông nam Á mang ý nghĩa biểu tượng cao. Ông dừng chân ở Malaysia để bàn về ‘phát triển quan hệ song phương’ với chính quyền mới của Thủ tướng Mahathir Mohammad, sau đó ông bay đến Singapore để dự các cuộc họp đa phương. Tại các cuộc gặp này, ông Pompeo đã đề cập đến nhiều vấn đề khu vực, từ vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Biển Đông, chống khủng bố, cuộc khủng hoảng người Rohingya ở Myanmar, an ninh mạng. Ông nhấn mạnh vào hợp tác an ninh trên toàn khu vực và củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Asean. Sau cùng, ông đến Indonesia để bàn về quan hệ song phương với Tổng thống Joko Widodo.

Vậy thì, với hoạt động ngoại giao dày đặc lấy Asean làm trọng tâm của ông Pompeo trong chuyến công du này, liệu chúng ta có thể cho rằng chính quyền Trump đã nâng cấp và đưa khu vực đông nam Á – vốn có vị trí chiến lược trong ván cờ quyền lực Mỹ-Trung – lên vị trí hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông hay không?

“Câu trả lời của tôi là không. Đánh chìm TPP và các bước đi đơn phương đã khiến chính quyền Trump rơi xuống hố sâu trong chính sách đối với khu vực. Ông Pompeo cần phải làm nhiều để đưa Mỹ thoát ra,” ông Nhậm viết.

Chủ đề chính của ông Pompeo là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do mà Mỹ mới đưa ra để thay thế cho chính sách tái cân bằng của ông Obama và tầm nhìn của Mỹ về khu vực đông nam Á mở, minh bạch và dựa trên luật lệ và tìm hiểu cơ hội về tiềm năng to lớn của kinh tế khu vực. Tuy nhiên, các nỗ lực của ông Pompeo đã bị thùng thuốc súng bảo hộ mậu dịch của ông Trump phủ bóng đen.

Chỉ riêng tại Diễn đàn Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong (LMI), nhiều quốc gia trên lưu vực sông Mekong đã cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu đã gây nên các thảm họa thiên tai trong khu vực trong Trump đã bác bỏ biến đổi khí hậu do đó Mỹ sẽ khó lòng thuyết phục các đối tác tin tưởng vào sự nghiêm túc của mình đối với sáng kiến sông Mekong.

Giáo sư Nhậm cũng nhắc lại rằng cựu đại sứ Mỹ tại Asean, bà Nina Hachigian, đã viết một bài báo có tựa đề “Làm sao Trump có thể thành công ở đông nam Á” trên tạp chí Foreign Policy. Thông điệp chính của bà là Asean và những lợi ích và sự cần thiết của ngoại giao đa phương mà khối này đại diện là chìa khóa để Mỹ làm mới vai trò lãnh đạo ở khu vực. Những gì mà ông Pompeo phát biểu trong chuyến công du này được nhiều nhà quan sát cho là bước đi đúng hướng, nhưng vẫn còn có khoảng cách quá lớn giữa những gì mà ông phát biểu về mục đích – khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do vốn chiếm 67% bề mặt Trái đất – và phương tiện để đạt được mục đích đó khi mà chính quyền Trump không có kế hoạch gì thay thế TPP và những chương trình phát triển tương đối khiêm tốn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG