Đường dẫn truy cập

Mỹ cam kết cấp gần 300 triệu đôla tài trợ an ninh cho Đông Nam Á


Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo (giữa) dự một hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Mỹ ở Singapore, ngày 3 tháng 8, 2018.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo (giữa) dự một hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Mỹ ở Singapore, ngày 3 tháng 8, 2018.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Bảy cam kết sẽ cung cấp gần 300 triệu đôla tài trợ an ninh mới cho khu vực Đông Nam Á, trong khi Trung Quốc thúc đẩy các kế hoạch tăng cường sự tham gia của họ trong khu vực.

Ông Pompeo công bố con số này cho các phóng viên bên lề cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao từ Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các quan chức khác từ khắp nơi trên thế giới tề tựu tại Singapore.

“Như một phần trong quyết tâm theo đuổi việc thúc đẩy an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ vui mừng loan báo gần 300 triệu đôla tài trợ mới để giúp tăng cường hợp tác an ninh trong toàn khu vực,” ông nói.

Tài trợ an ninh mới sẽ củng cố an ninh hàng hải, phát triển hỗ trợ nhân đạo, năng lực gìn giữ hòa bình và chống lại “các mối đe dọa xuyên quốc gia,” ông nói thêm.

Tài trợ an ninh này sẽ được cấp cho các đảo quốc Thái Bình Dương, Bangladesh, Indonesia, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam và những nơi khác, theo một thông cáo từ văn phòng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ.

Mỹ hồi đầu tuần này cho biết họ sẽ đầu tư 113 triệu đôla vào các chương trình công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở khu vực Châu Á đang trỗi dậy mà ông gọi là “khoản tiền đặt cọc cho một kỉ nguyên mới cam kết kinh tế của Mỹ đối với khu vực.”

Viễn kiến đang phát triển của Mỹ cho một khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được đưa ra cùng lúc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng của mình theo Kế hoạch Vành đai và Con đường để thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước ở Đông Nam Á và xa hơn nữa.

Các nhà phân tích nói rằng một cuộc tranh chấp thương mại đang trở nên quyết liệt giữa Bắc Kinh và Washington cũng có thể làm gia tăng căng thẳng liên quan tới các điểm nóng khác trong khu vực, chẳng hạn như Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố gần toàn bộ chủ quyền và có tranh chấp với một số nước Đông Nam Á.

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ neo đậu tại Cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng trong một chuyến thăm, ngày 5 tháng 3, 2018.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ neo đậu tại Cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng trong một chuyến thăm, ngày 5 tháng 3, 2018.

Nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Vương Nghị, nói với các phóng viên tại cùng diễn đàn này là Trung Quốc hoan nghênh, và sẵn sàng hợp tác với, Mỹ giúp phát triển nhanh hơn và giữ an ninh tốt hơn trong khu vực.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Mỹ vẫn đang điều “vũ khí chiến lược ồ ạt” vào Biển Đông và khu vực như một hình thức phô diễn sức mạnh quân sự mà có thể gây áp lực lên Trung Quốc và các nước trong khu vực.

“Đó là lực lượng lớn nhất đằng sau việc quân sự hóa trong khu vực này,” ông nói.

Trung Quốc và ASEAN hôm thứ Năm đã ca ngợi một thỏa thuận “cột mốc” về một văn kiện cơ sở nhằm khởi động điều mà có thể sẽ là các cuộc đàm phán kéo dài về một bộ qui tắc ứng xử cho hành vi trong các vùng biển tranh chấp.

Nhưng những người chỉ trích nói rằng sự nhiệt tình cho các cuộc đàm phán là một phương tiện để Trung Quốc câu giờ và củng cố vị thế của mình trong một giai đoạn thống trị của họ trong khu vực nơi họ đã xây cất các căn cứ trên các bãi đá ngầm.

Ông Pompeo nói với các phóng viên rằng ông đã nêu lên những lo ngại của ông tại cuộc họp về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và tầm quan trọng của việc duy trì một trật tự dựa trên các qui tắc.

Tiến bộ hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang tiếp diễn ở bang Rakhine nhiều bất ổn của Myanmar và các vấn đề an ninh khác cũng thiết yếu cho một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ông nói.

Cụm từ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" đã được sử dụng ngày càng nhiều bởi các nhà ngoại giao Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ trong những năm gần đây, một cách gọi tắt cho một khu vực bao gồm các nước có lãnh đạo dân chủ, khác với "Châu Á-Thái Bình Dương" với Trung Quốc ở vị trí trung tâm. Trung Quốc nói rằng kế hoạch Vành đai và Con đường của họ là nhằm mục đích thúc đẩy sự thịnh vượng chung của tất cả các nước tham gia, nhưng những người chỉ trích xem chính sách mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình là một nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG