Đường dẫn truy cập

Việt Nam đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người gần 5.000 USD vào năm tới


Người dân mua sắm thực phẩm tại một khu chợ ở Hà Nội. Quốc hội Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đầu người lên gần 5.000 USD vào năm 2025.
Người dân mua sắm thực phẩm tại một khu chợ ở Hà Nội. Quốc hội Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đầu người lên gần 5.000 USD vào năm 2025.

Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ đạt mức thu nhập bình quân đầu người tiệm cận 5.000 USD mà theo truyền thông trong nước sẽ đánh dấu khởi đầu của giai đoạn bùng nổ tiêu dùng ở quốc gia Đông Nam Á.

Ghi nhận của Tuổi TrẻVietNamNet cho biết Quốc hội Việt Nam hôm 12/11 thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, trong đó quyết định tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7% và phấn đấu 7-7,5% cũng như nâng GDP trên đầu người lên 4.900 USD.

Quốc hội nhấn mạnh rằng 2025 là “năm tăng tốc, bứt phá, về đích” của Việt Nam, đồng thời phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đầu của thập kỷ 2020, theo VietNamNet.

Để thực hiện mục tiêu này, theo Tuổi Trẻ và VietNamNet, Quốc hội Việt Nam đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan có “giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.”

Tháo gỡ “thể chế” và “điểm nghẽn” đã được Tổng bí thư Tô Lâm nhắc tới khi phát biểu trước Quốc hội hôm 21/10. Tại thời điểm khi còn nắm giữ hai chức vụ, gồm cả chủ tịch nước, ông Lâm nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm nay rằng “cần thẳng thắn nhìn nhận, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.” Ông Lâm cho rằng thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của Việt Nam, còn bao gồm hạ tầng và nhân lực.

Nghị quyết mới được thông qua cho biết Việt Nam trong năm 2025 sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm pháp, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Vào cuối tháng trước, VnDirect đã nâng dự váo tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam tiệm cận mức 5.000 USD vào năm 2025 và theo VnEconomy điều này “đánh dấu điểm khởi đầu của giai đoạn bùng nổ tiêu dùng ở Việt Nam.”

Theo thống kê của IMF, GDP trên đầu người của Việt Nam hiện nay là 4.650 USD, thấp hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á – gồm Singapore (89.370 USD), Malaysia (13.140USD), Thái Lan (7.530 USD), và Indonesia (4.900 USD) – trong khi cao hơn Philippine (4.150 USD), Campuchia (2.740 USD), Lào (1.950 USD), và Myanmar (1.180 USD).

Động lực tăng trưởng, theo dự báo của VnDirect được VnEconomy trích dẫn, là sự nới lỏng tín dụng toàn cầu khiến thúc đẩy hoạt động đầu tư xuyên biên giới và củng cố triển vọng không chỉ đối với FDI mà cả đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam trong năm tới.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay thấp cùng với môi trường tín dụng toàn cầu được nới lỏng hơn cũng như sự phục hồi dần dần của thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư tư nhân mới ở Việt Nam, theo dự đoán của VnDirect.

VnEconomy cho biết, đầu tư tư nhân là động lực tăng trưởng hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 15% trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân mới phục hồi một phần và đạt mức tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm nay.

Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng chính phủ sẽ chỉ đạo để đạt mức tăng trưởng GDP hơn 7% cho cả năm nhằm “tạo đà để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng,” theo VietNamNet. Tờ báo này trích dẫn ông Chính nói rằng sẽ phấn đấu tăng trưởng GDP quý 4 năm nay đạt trên 7,5%.

Tờ Hà Nội Mới đầu năm nay trích dẫn dự báo của CERB đánh giá rằng Việt Nam và Philippines là 2 nền kinh tế Đông Nam Á có năng lực “nhảy vọt” trong giai đoạn từ nay đến năm 2038. Theo CEBR, Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới và sẽ tăng nhanh lên vị trí thứ 24 vào năm 2033 trước khi trở thành nền kinh tế thứ 21 thế giới vào năm 2038.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG