Đường dẫn truy cập

Sợ chính sách của ông Trump, một số di dân tìm cách hồi hương


Một di dân Honduras, dùng va-li chở đứa con nhỏ đi bộ dọc the xa lộ cùng với đoàn di dân tại Huixtla, miền nam Mexico, trên đường đến biên giới Mỹ-Mexico ngày 7/11/2024.
Một di dân Honduras, dùng va-li chở đứa con nhỏ đi bộ dọc the xa lộ cùng với đoàn di dân tại Huixtla, miền nam Mexico, trên đường đến biên giới Mỹ-Mexico ngày 7/11/2024.

Mỗi ngày, bà Nidia Montenegro dành hàng giờ để kiểm tra điện thoại di động của mình, hy vọng nhận được cuộc hẹn đã chờ đợi từ lâu với các viên chức biên giới Hoa Kỳ để xin tị nạn tại Mỹ.

Bà là một di dân gốc Venezuela, 52 tuổi, hiện đang ở Mexico, chờ được gọi vào Mỹ phỏng vấn. Bà cho biết bà lo ngại cuộc hẹn phỏng vấn sẽ không diễn ra trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, khi ông tuyên bố sẽ hủy bỏ một loạt các chương trình cho phép di dân nhập cảnh hợp pháp vào Hoa Kỳ.

Điều đó có thể khiến hàng nghìn di dân như bà Montenegro rơi vào tình trạng bấp bênh và phải lựa chọn: một là tìm cách vượt biên vào Mỹ bất hợp pháp, hai là ở lại Mexico, ba là trở về cố quốc.

Trong các lựa chọn đó, bà Montenegro cho biết sẽ trở về cố quốc, bà sợ bạo lực mà bà đã gặp phải khi đi qua Mexico hơn là những khó khăn mà bà đã bỏ lại ở Venezuela.

“Tôi bị sang chấn tâm lý. Nếu tôi không được hẹn phỏng vấn, tôi sẽ quay về”, bà nói một cách chán nản.

“Luôn có mối đe dọa từ các băng đảng bắt cóc chúng tôi”, người phụ nữ này nói thêm và cho biết dù nghĩ đến chuyện trở về nhà nhưng không có tiền để làm như vậy.

Hơn một chục di dân được Reuters phỏng vấn tại Mexico cho biết họ muốn trở về đất nước của mình mặc dù vẫn còn những vấn đề đang diễn ra khiến họ phải di cư, chẳng hạn như đói nghèo, thiếu việc làm, bất ổn và khủng hoảng chính trị.

Số này quá nhỏ để có thể kết luận về cách di dân sẽ phản ứng ra sao sau khi ông Trump nhậm chức, và phần lớn sẽ phụ thuộc vào những chính sách mà ông thực hiện và thực hiện như thế nào.

Nhưng điều đó làm nổi bật những lựa chọn khó khăn mà nhiều người có thể phải đối mặt sau ngày 20 tháng 1 sang năm.

Bạo lực ở Mexico ảnh hưởng rất lớn đến bất kỳ quyết định nào.

Bà Montenegro nói với Reuters rằng bà đã bị bắt cóc cùng với hai người cháu trai và hàng chục người khác, bao gồm cả trẻ em, vào ngày bà đến miền nam Mexico từ Guatemala cách đây hai tháng. Hai ngày sau, nhóm của bà đã trốn thoát được.

Hiện bà đang sống trong một nơi trú ẩn ở tiểu bang Chiapas phía nam, vì sợ tội phạm trong khu vực sẽ bắt cóc bà lần nữa.

Tội phạm có tổ chức đã thiết lập các mạng lưới buôn người rộng khắp Mexico, khiến hành trình bắc tiến xuyên qua đất nước này trở nên nguy hiểm. Mexico đang bị tàn phá bởi bạo lực, với khoảng 30.000 người bị sát hại mỗi năm và hơn 100.000 người chính thức được ghi nhận là mất tích.

Nhiều di dân bị tống tiền, đánh đập, hãm hiếp, ép buộc phạm tội và thậm chí bị giết. Các nỗ lực của chính phủ Mexico nhằm làm chậm quá trình di cư đến biên giới Hoa Kỳ, bằng cách đưa những di dân không phải người Mexico tới miền nam bằng xe buýt và máy bay, làm tăng thêm rủi ro.

Văn phòng tổng thống Mexico và Viện Di trú Quốc gia đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

Tổ chức Di trú Quốc tế cho Reuters biết trong bảy năm qua, họ đã hỗ trợ hàng nghìn di dân — đặc biệt là người Trung Mỹ — tự nguyện hồi hương từ Mexico, bao gồm cả nạn nhân của bạo lực. Tuy nhiên, họ từ chối cung cấp số liệu cụ thể.

“Tôi khóc mỗi ngày và cầu xin Chúa đưa tôi trở về, tôi không muốn ở đây nữa... thật kinh khủng”, bà Yuleidi Moreno, một di dân Venezuela lo sợ phải ở lại Mexico, nói. Bà vừa khóc vừa nói rằng mình là nạn nhân của bạo lực, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Một quan chức Venezuela am hiểu về các vấn đề di cư cho biết hiện mỗi tuần có khoảng 50 đến 100 người đồng hương yêu cầu được “tự nguyện hồi hương” từ Mexico, tự trang trải chi phí hoặc được nhà nước hỗ trợ. “Có những trường hợp thảm họa nghiêm trọng như bắt cóc, bóc lột tình dục, vô số vấn đề khác và một số người muốn trở về ngay lập tức”.

Bất chấp những rủi ro, những người khác vẫn kiên trì, cho dù là tham gia đoàn di cư, trả tiền cho kẻ buôn người hay bám víu vào hy vọng được chính phủ Hoa Kỳ cho lịch hẹn ở biên giới.

“Tôi tin rằng tôi sẽ đến nơi trước khi ông Trump nhậm chức”, cô Johana, một di dân trẻ tuổi người Venezuela dự định vượt biên từ Guatemala sang Mexico trong tuần này, cho biết.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG