Các quan chức chính phủ Zimbabwe đang ‘soi’ kỹ một công ty Trung Quốc đã khai thác một mỏ vàng ở miền đông nước này ít nhất là từ năm 2021. Việc này diễn ra khi người dân lên tiếng lo ngại về tác động về sức khỏe và môi trường.
Công ty đang bị chú ý là Sino Africa Huijin Holdings. Công ty này đang đối mặt với cáo buộc phá hoại môi trường nghiêm trọng và gây hại cho cộng đồng. Hoạt động thăm dò vàng của công ty này diễn ra tại một khu vực được gọi là Premier Estate ở Quận Mutasa của Manicaland.
Dân làng và các nhóm cộng đồng phàn nàn về vụ nổ xảy ra tại mỏ. Người dân địa phương đã báo cáo về thiệt hại sinh thái trên diện rộng, bao gồm cả việc phá hủy một ngọn núi và làm mất môi trường sống của động vật hoang dã. Họ cũng cho biết các trận động đất từ vụ nổ đã gây ra thiệt hại về mặt kết cấu cho các ngôi nhà.
Người dân còn phàn nàn về ô nhiễm bụi và khả năng ô nhiễm nguồn nước do việc trích ly xyanua, theo cáo giác. Trích ly xyanua là một phương pháp khai thác vàng từ quặng có thể gây ô nhiễm nguồn nước.
Cộng thêm vào những lo ngại này, Sino Africa bị cáo buộc làm giả chữ ký của cộng đồng trên tài liệu Đánh giá Tác động Môi trường, làm dấy lên câu hỏi về tính minh bạch và tính hợp pháp của các hoạt động của họ.
Các khiếu nại đã thúc đẩy chính phủ đóng cửa hoạt động của mỏ hai lần vào năm 2024. Tuy nhiên, trong hai tháng qua, hoạt động khai thác đã được nối lại.
Các lệnh đình chỉ của chính phủ
Một Lực lượng Đặc nhiệm Chỉ huy Chung của Manicaland, bao gồm một số cơ quan chính phủ, đã ra lệnh đóng cửa tạm thời các hoạt động khai thác vàng của Sino Africa Huijin hai lần. Các quan chức cho biết lệnh đóng cửa được thực thi để đảm bảo mỏ đáp ứng mọi yêu cầu cần thiết.
Lần đình chỉ đầu tiên diễn ra vào tháng 10 năm ngoái và kéo dài hai tuần. Sino Africa Huijin đã cam kết cải thiện tình hình và được phép tiếp tục hoạt động. Sau đó, lực lượng đặc nhiệm đã ra lệnh đóng cửa mỏ lần thứ hai vào giữa tháng 11.
Người đứng đầu của quận Mutasa, James Kurauone, nói với VOA vào ngày 11 tháng 12 rằng các quan chức đã buộc các hoạt động của Sino Africa Huijin phải dừng lại mỗi lần vì công ty “không giải quyết được những lo ngại quan trọng do cộng đồng địa phương nêu ra”.
“Những lo ngại dẫn đến việc đóng cửa tạm thời này bao gồm ô nhiễm không khí nghiêm trọng, các hoạt động nổ mìn phá hoại ảnh hưởng đến nhà dân địa phương và việc công ty không hoàn thành nghĩa vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, ông Mutasa cho biết trong những bình luận gần đây. Ông Mutasa nói thêm rằng ông có kế hoạch triệu tập một cuộc họp với các viên chức khai thác mỏ và các thành viên trong cộng đồng để thảo luận về con đường phía trước trong vài tuần nữa.
Tuân thủ khai mỏ
Hoạt động khai thác đã được nối lại vào ngày 25 tháng 11 sau khi các cuộc thảo luận giữa các viên chức chính phủ, lãnh đạo cộng đồng và đại diện công ty kết thúc.
Ông Daniel Panganai, giám đốc nhân sự hiện tại của Sino Africa Huijin, đã tham gia vào các cuộc thảo luận. Ông nói với VOA vào giữa tháng 12 rằng công ty “đã tuân thủ mọi yêu cầu được nêu trong văn bản, nhưng tôi không thể tiết lộ nhiều thông tin vào thời điểm này”.
Ông Misheck Mugadza, quốc vụ khanh Manicaland, cũng cho biết vào tháng 12 rằng Sino Africa Huijin cam kết tuân thủ mọi quy định về khai thác mỏ và môi trường. Ông nói công ty Trung Quốc đã thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm xã hội của mình bằng cách quyên góp cho bệnh viện địa phương và khoan giếng để cung cấp nước cho trường học địa phương.
Ông Mugadza cho biết chính phủ đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của công ty và một số hộ gia đình đã nhận được toàn bộ tiền bồi thường thiệt hại. Ông cũng tuyên bố rằng công ty có nghĩa vụ bồi thường cho tất cả cư dân bị ảnh hưởng.
Đầu tư của Trung Quốc vào các mỏ ở Zimbabwe
Theo phúc trình vào tháng 9 của Trung tâm Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên, hay CNRG, một tổ chức bảo vệ quyền cộng đồng có trụ sở tại Harare, cuộc tranh cãi xung quanh mỏ Sino Africa Huijin không phải là đơn lẻ.
Phúc trình đánh giá tác động của đầu tư Trung Quốc đối với ngành khai thác mỏ của Zimbabwe phát hiện ra rằng “các dự án khai thác mỏ của Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng suy thoái môi trường trên diện rộng, coi thường các quyền văn hóa của công đồng sở tại, và trong nhiều trường hợp, vi phạm luật lao động của đất nước, thường không bị trừng phạt rõ ràng.”
Theo phúc trình, các nhà đầu tư Trung Quốc kiểm soát khoảng 90% ngành khai khoáng của Zimbabwe.
“Chỉ tính riêng năm 2023, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào ngành khai khoáng của Zimbabwe đã chứng kiến 121 nhà đầu tư đóng góp số tiền khổng lồ là 2,79 tỷ đô la”, Giám đốc điều hành CNRG Farai Maguwu, người được trích dẫn trong một bài đăng trên trang web của tổ chức, cho biết.
Một cư dân trong khu vực đã lên tiếng chỉ trích phản ứng của chính phủ đối với hoạt động khai khoáng.
“Có những lúc mỏ sử dụng thuốc nổ có cường độ lớn hơn và sẽ có rung chấn”, cư dân khu vực, Thobekile Mhenziwamukuru, nói.
Bà Maguwu cáo buộc các nhà lập pháp địa phương tham nhũng, nói rằng, “Thay vì thực thi luật pháp, họ đang kiếm tiền từ hành vi bất hợp pháp này bằng cách buộc họ phải đóng cửa, đòi hối lộ để mở cửa lại, rồi quay lại đóng cửa và đòi hối lộ lần nữa”.
Mặc dù đã nhiều lần gọi điện thoại và đến văn phòng của các bên liên quan trong chính phủ để giải quyết những cáo buộc này, bao gồm Bộ Mỏ và Cơ quan Quản lý Môi trường, VOA vẫn không nhận được phản hồi.
“Chu kỳ này cứ tiếp diễn trong khi môi trường đang bị hy sinh”, bà Maguwu nói.
Diễn đàn