Pháp thúc giục Liên minh châu Âu sử dụng luật pháp của mình một cách mạnh mẽ hơn để tự bảo vệ mình trước sự can thiệp từ bên ngoài và thủ tướng Tây Ban Nha đã chỉ trích ông Elon Musk hôm thứ Tư (8/1), khi tỷ phú công nghệ người Mỹ đưa ra nhiều bình luận về chính trị châu Âu.
Liên minh châu Âu đang giằng co về cách phản ứng với các bài đăng của Musk trên trang mạng xã hội X của ông trong những tuần gần đây, trong đó chỉ trích các nhà lãnh đạo được bầu và gây ra sự bàng hoàng trên khắp châu Âu.
Mối lo ngại về Musk, người đàn ông giàu nhất thế giới và là đồng minh của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đặc biệt được cảm nhận ở các thủ đô nơi mà xu hướng chính trị chính thống đang chịu áp lực từ các đảng dân túy cánh hữu.
Những bình luận của ông Musk ủng hộ đảng chống nhập cư, chống Hồi giáo Alternative for Germany (AfD), bị các cơ quan an ninh Đức dán nhãn là những kẻ cực đoan cánh hữu, trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 2 đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu đặc biệt lo lắng.
Một số chính phủ châu Âu đang gây sức ép buộc Ủy ban châu Âu sử dụng kho vũ khí pháp lý của mình để chống lại sự can thiệp được cho là của Musk.
“Hoặc Ủy ban châu Âu áp dụng với sự kiên quyết nhất các luật hiện hành để bảo vệ không gian của chúng ta hoặc không, và trong trường hợp đó, Ủy ban nên cân nhắc trao lại năng lực thực hiện cho các quốc gia thành viên EU”, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot nói với đài phát thanh France Inter.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm thứ Tư cáo buộc ông Musk phá hoại nền dân chủ, nhưng không nêu đích danh ông.
Vấn đề này đang thử thách sự sẵn sàng của EU trong việc đối đầu trực diện với ông Musk và có nguy cơ gây bất bình với chính quyền Trump sắp tới, cũng như hiệu quả của Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của khối, đạo luật này điều chỉnh hoạt động của các nền tảng truyền thông xã hội tại EU.
Không rõ liệu ông Musk, người sẽ đảm nhiệm vai trò cố vấn bên ngoài cho chính quyền Trump, đang hành động theo ý riêng hay được ông Trump chấp thuận.
Các nhà ngoại giao nói khối này phải hành động thận trọng vì tính cách dễ thay đổi của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên và nói thêm rằng vẫn còn quá sớm để thảo luận thẳng thắn về vấn đề này với ông Trump hoặc ông Musk vì ông Trump vẫn chưa nắm quyền. Lễ nhậm chức của ông sẽ diễn ra vào ngày 20/1.
Một phát ngôn viên của Ủy ban cho biết trong tuần này rằng DSA trước đây đã chứng minh là một công cụ hiệu quả để chống lại những rủi ro do các nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu gây ra và cho biết một lựa chọn chính trị đã được đưa ra là không trả lời trực tiếp các dòng tweet của ông Musk và “thổi bùng cuộc tranh luận”.
TỰ DO VÀ RỦI RO XÃ HỘI
Ông Musk gọi Thủ tướng Đức Olaf Scholz là “kẻ ngốc vô dụng” nên từ chức sau vụ tấn công bằng xe hơi chết người ở Đức vào tháng trước. Vào thứ Năm, ông sẽ sử dụng nền tảng của mình để tổ chức một cuộc trò chuyện với người đứng đầu AfD Alice Wiedel.
Thủ tướng Scholz đã đáp trả bằng cách kêu gọi bình tĩnh. “Hãy lờ những kẻ đó đi”, ông nói với tờ báo Đức Stern vào ngày 4/1.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhắm vào ông Musk tuần này.
“Mười năm trước, ai có thể tin được nếu chúng ta được thông báo rằng chủ sở hữu của một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới... can thiệp trực tiếp vào các cuộc bầu cử, kể cả ở Đức?”, ông nói.
Anh nằm ngoài Liên minh châu Âu và muốn vun đắp “mối quan hệ đặc biệt” với Hoa Kỳ, nhưng ông Musk vẫn liên tục chỉ trích Thủ tướng đảng Lao động Keir Starmer và chính phủ của ông, gần đây nhất là về vụ bê bối lạm dụng tình dục trẻ em hơn một thập kỷ trước.
Trong chiến dịch tranh cử của Mỹ, ông Musk đã đóng góp khoảng 200 triệu đô la (193,82 triệu euro) và sử dụng nền tảng truyền thông xã hội của mình để ủng hộ cho ông Trump và Đảng Cộng hòa.
Diễn đàn