Đường dẫn truy cập

Sức khỏe Tâm thần và các Giao tiếp Xã hội


Sức khỏe Tâm thần và các Giao tiếp Xã hội
Sức khỏe Tâm thần và các Giao tiếp Xã hội

Thưa quý vị, con người là những động vật xã hội, và đó là lý do vì sao đại đa số chúng ta đều trân quý các quan hệ với gia đình và bạn bè. Một cuộc nghiên cứu mới thực hiện kết luận rằng các quan hệ ấy có thể giúp chúng ta duy trì sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Trong Mục Khoa học và Đời sống tuần này, Bác sĩ Nguyễn Đức Chấn, chuyên khoa tâm thần làm việc tại Bệnh viện Eastern State ở Williamsburg, bang Virginia, bàn về tầm quan trọng của các giao tiếp xã hội đối với sức khỏe tâm thần của chúng ta.

Cuộc nghiên cứu mới phối hợp nhiều cuộc nghiên cứu đã được thực hiện trong quá khứ, đi đến kết luận rằng tình trạng cô lập xã hội, thiếu các tương quan tốt đẹp với những người chung quanh, có thể được xếp ngang hàng với thói quen hút thuốc lá, bệnh mập phì, và tật nghiện rượu, như một yếu tố có nguy cơ đưa đến tử vong.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Brigham Young phân tích 148 cuộc nghiên cứu khác nhau, với số đối tượng tổng cộng 300,000 người, tập trung vào các quan hệ xã hội của các đối tượng và tuổi thọ của họ.

Giáo sư Julianne Holt-Lunstad là một trong những người dẫn đầu cuộc nghiên cứu. Bà nói rằng các quan hệ xã hội tác động đến sức khỏe của chúng ta theo nhiều cách, chẳng hạn, giúp chúng ta đối phó tốt hơn với stress, những căng thẳng về tinh thần. Ngoài ra, các quan hệ xã hội còn khích lệ chúng ta duy trì những thói quen tốt, như ăn uống điều độ, vận động cơ thể, và đi khám sức khỏe trước khi bệnh trở nặng.

Ngày càng có nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy là có liên hệ trực tiếp- nhưng chưa được hiểu thấu đáo, giữa các giao tiếp xã hội và những tiến trình sinh lý của cơ thể. Mời quý vị tìm hiểu thêm về đề tài này qua câu chuyện giữa Bác sĩ Nguyễn Đức Chấn với Hoài Hương sau đây.

VOA: Thưa Bác sĩ, cuộc nghiên cứu của Đại học Brigham Young mới đây nêu bật tầm quan trọng của các quan hệ xã hội đối với sức khỏe của chúng ta. Các nhà nghiên cứu đề nghị các nhà làm chính sách nên coi các quan hệ xã hội như một vấn đề sức khỏe, và còn đề nghị các nhà kế hoạch hóa đô thị nên xét đến vấn đề này khi đưa ra các quyết định, xem liệu có cản trở hay khích lệ các tương quan xã hội. Thưa, Bác sĩ có đồng ý với ý kiến đó của các nhà nghiên cứu không ạ?

Bác sĩ Chấn:
Dạ vâng, tôi rất đồng ý về vấn đề đó. Con người mà sống trong một môi trường mang lại cho họ hạnh phúc, cảm thấy vui, hạnh phúc, thì điều đó có ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần nó có một sự liên quan. Lấy thí dụ thế này: nếu chúng ta bị stress, hay chuyện gì buồn bực, thì tự dưng trong người cảm thấy khó chịu, không khỏe. Đấy là một trong các thí dụ về ảnh hưởng giữa tâm thần với sức khỏe thể chất.

VOA: Dạ thưa Bác sĩ, tại sao những giao tiếp xã hội lại quan trọng đến mức đó đối với sức khỏe tâm thần của chúng ta?

Bác sĩ Chấn: Con người cần được sống trong một môi trường nuôi dưỡng mình, tức là nó giúp mình duy trì sức khỏe tâm thần. Nếu mình có những tương quan tốt đẹp trong môi trường đó, mình hài lòng với môi trường đó, thì tâm thần mình mới thăng bằng. Nếu mà mình không có sự thăng bằng đó thì nó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần.

VOA: Thưa Bác sĩ, trong xã hội hiện nay, nhất là trong các xã hội tây phương theo cá nhân chủ nghĩa, chúng ta không phải chịu áp lực của xã hội nhiều, chúng ta được sống tự do thoải mái, nhưng mà cũng vì vậy mà nhiều người đâm ra đơn độc. Sau một thời gian dài cô đơn như vậy, thì nó ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng tâm sinh lý của chúng ta, thưa Bác sĩ?

Bác sĩ Chấn: Theo tôi nghĩ nhé, sức khỏe tâm thần luôn luôn cần có những stimulations, (cần được kích thích), những stimulus từ môi trường chung quanh, khi mà mình không có được những sự kích thích đó, thì con người sẽ khép kín, lui mình vào trong vỏ, chúng ta có thể trở nên chậm chạp, hoạt động của tâm thần không còn tốt, không còn bén nhạy, và ngay cả bị trầm cảm. Tức là mình không có những yếu tố từ bên ngoài nó kích thích, nó khuyến khích mình để duy trì các chức năng bình thường nữa.

VOA: Thưa Bác sĩ, một điều mà hầu hết ai cũng công nhận, là những vụ bắn giết bừa bãi, chẳng hạn như vụ thảm sát tại đại học Virginia Tech cách đây vài năm, thủ phạm của những vụ đó thường là những người cô độc, vậy xin Bác sĩ phác họa tâm trạng của những người này từ cái cảm giác cô độc, mà đi tới cái hành động giết người bừa bãi như vậy?

Bác sĩ Chấn:
Tôi nghĩ là những người này đã có vấn đề tâm thần trước đó rồi. Những triệu chứng là họ sống xa rời, không hòa đồng với xã hội, họ cô độc, thì đấy là một trong các triệu chứng của bệnh tâm thần. Mình tưởng là những người đó họ sống cô độc rồi trở thành bạo động, nhưng thực sự thì họ đã bị bệnh từ trước rồi.

VOA: Thưa, đối với người có nguy cơ trở thành bạo động như vậy, thì thưa Bác sĩ, gia đình và bạn bè của họ nên chú ý đến những dấu hiệu nào để mà tìm sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên môn, trước khi chuyện không hay xảy ra?

Bác sĩ Chấn: Thì thường thường có những triệu chứng, thí dụ như mình thấy những người sống không hòa đồng, không còn tiếp xúc với bạn bè nhiều một cách bình thường nữa, hoặc là họ paranoid, đa nghi thái quá, không có thoải mái để nói chuyện tiếp xúc với bạn bè, không có giao tiếp nữa.... Hoặc là mình thấy diện mạo của họ thí dụ như thấy họ không có biểu lộ tình cảm gì trên nét mặt của họ nữa, đó là một trong những dấu hiệu. Hoặc có những người nhiều khi nóng giận một cách vô cớ, đại khái là có những cách cư xử bất bình thường, thì những người đó mình nên chú ý, nên giúp đỡ họ, kiếm cách nào để đưa họ đến gặp các bác sĩ tâm thần, hoặc cố vấn tâm lý để họ nói chuyện, thì các vị này sẽ có thể kiếm ra những điểm bất thường của người đó.

VOA: Xin Bác sĩ nhắc lại một lời khuyên đối với phụ huynh, thân nhân, bạn bè cụ thể nên làm gì để giúp đỡ những người có hành vi nguy cơ?

Bác sĩ Chấn:
Quan trọng là làm sao mình vẫn giữ được những giao tiếp với người đó, mình phải cởi mở, không được chỉ trích hay phê bình họ, mà phải nâng đỡ tương trợ họ, mình lắng nghe, tìm hiểu thì họ mới nói chuyện với mình, mới tâm sự với mình. Thì trong khi họ tâm sự, mình mới hiểu được cái nỗi niềm, những cái uất ức, hay những uẩn ức trong những người đó. Mình phải duy trì quan hệ tốt đẹp với những người đó, thì mình mới có thể khuyên họ đi bác sĩ khám bệnh hay là đi counselling. Cha mẹ phải cởi mở, phải tương trợ tinh thần những người đó. Phải lắng nghe họ thì mới giúp họ được.

VOA: Cuối cùng, thưa Bác sĩ, những cái kỷ niệm xấu xảy ra từ thời mình còn bé, nó có ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của mình sau này không, thưa Bác sĩ?

Bác sĩ Chấn: Tôi nghĩ là có. Những cái kỷ niệm thời thơ ấu, những chuyện xảy ra trong thời thơ ấu ảnh hưởng nhiều khi rất mạnh. Thí dụ những người mà hồi nhỏ bị cha mẹ ngược đãi, đánh đập, nhất là bên Mỹ này, có nhiều trường hợp hồi bé bị đánh đập, bị ngược đãi, dù là về mặt tình cảm hay thể chất, khi lớn lên có nhiều người bệnh nặng lắm. Có người nằm trong bệnh viện suốt đời, rất là khó chữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG