Tuổi thọ của người Mỹ ngày càng kéo dài, rất nhiều người lớn tuổi vẫn khỏe mạnh và vui hưởng cuộc sống gia đình đầm ấm. Thế nhưng hiện nay có đến trên 5 triệu người Mỹ bị chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, một chứng bệnh hủy hoại dần trí nhớ của con người. Đa số bệnh nhân bệnh Alzheimer là những người lớn tuổi tuy một số nhỏ, khoảng 10% người bệnh dưới 65 tuổi. Bệnh nhân cần phải được chăm sóc, theo dõi thường trực 24 giờ một ngày, và thường người chăm sóc là người phối ngẫu. Mới đây, một số bài báo dã nói đến tình cảnh của những người vợ hay chồng phải chăm sóc trong nhiều năm cho người bệnh Alzheimer đến thời kỳ trầm trọng không còn nhận biết được ai nữa. Tác giả những bài báo này đặt vấn đề nếu người chăm sóc có một người bạn ngoài hôn nhân thì điều đó có còn gọi là ngoại tình hay không? Câu chuyện nước Mỹ hôm nay mời quí thính giả theo dõi đề tài này với Lan Phương sau đây:
Alzheimer, một chứng bệnh làm mất trí nhớ của người lớn tuổi, tuy cũng có một thiểu số khoảng 50 tuổi trở ra cũng mắc phải chứng bệnh này.
Triệu chứng của bệnh gồm:
1. Mất dần trí nhớ
2. Khó khăn khi làm một số những công việc quen thuộc, thường thì họ hay tránh làm những chuyện trước kia họ thích vì trí nhớ đã kém, không làm nổi nữa, nên người bệnh cảm thấy lúng túng, bực bội.
3. Nói năng khó khăn hơn vì quên mất nhiều chữ, nhiều từ.
4. Không còn nhớ ngày tháng và không còn biết mình ở đâu.
5. Trí phán đoán ngày càng kém dần, không biết xử trí ra sao nếu có điều gì sai trật.
6. Khó khăn trong suy nghĩ về những điều trừu tượng và thứ tự nối tiếp của sự việc.
7. Hay bỏ quên những vật dụng như chìa khóa, kính v..v. không biết để chúng ở đâu.
8. Thay đổi tính khí, cáu kỉnh, dễ nổi giận v.v..
9. Thay đổi cá tính, đa nghi v..v..
10. Mất sáng kiến.
Bệnh tình đi từ tật hay quên lúc đầu sau dần dần trở nặng, trí nhớ mất dần, người bệnh lâm vào tình trạng tranh tối tranh sáng, và sau cùng thì trí nhớ bước vào vùng tối hẳn, quên lãng hết, đến cả chồng, vợ, con cũng không nhận ra nữa.
Theo ông Jed Levin, giám đốc các chương trình của hội Alzheimer's Association, khu vực New York, thì chứng bệnh này, ở những giai đoạn trở nặng, tạo ra một mất mát sâu xa. Người chồng hay vợ bệnh nhân mất đi người bạn đời để trò chuyện, để chia sẻ những vui buồn của cuộc sống, mà sự chia sẻ đó lại là yếu tố quan trọng nhất trong hôn nhân.
Một bài báo mới đây đăng trên tờ The Wall Street Journal đơn cử trường hợp một kiến trúc sư ngoài 70, chỉ cho biết tên là Sid, đã về hưu,từng có một hôn nhân hạnh phúc suốt 40 năm với một giáo sư sử học. Thế rồi khi ở cuối tuổi ngũ tuần, bà rơi vào tình trạng quên lãng, và tính tới nay đã kéo dài hơn một chục năm. Hiện bà đang trong giai đoạn cuối của chứng Alzheimer.
Ông vẫn chăm sóc chu đáo cho bà, không bao giờ có ý định ly dị. Ông có một người giúp việc để phụ chăm sóc cho bà. Tuy nhiên ông chỉ ở với bà có 3 ngày một tuần, còn những ngày kia ông chung sống với một phụ nữ khác gần 60, và ông bắt đầu có mối dây liên hệ tình cảm thắm thiết với phụ nữ này. Những người con của ông, giờ đều đã trưởng thành, lại mến người bạn của ông và chấp nhận sự dàn xếp đó.
Nhưng không phải ai cũng may mắn được sự chấp nhận của gia đình, bạn bè như trường hợp kể trên. Thường thì người phối ngẫu chăm sóc cho người bệnh mà có một người khác phái để chia sẻ tâm tình hay bị con cái họ hàng, bè bạn chê trách và không chấp nhận.
Đứng về phương diện tôn giáo như trong Thiên chúa giáo, thì người đó đã vi phạm lời thề ước hôn nhân: sống với nhau trọn đời, dù nghèo hay giầu, dù khỏe mạnh hay ốm đau, dù may mắn hay hoạn nạn, chỉ có cái chết mới có thể chia rẽ hai người mà thôi. Nhưng cũng có những người như giáo sỹ Do Thái giáo tại New York, ông Address, đặt lại vấn đề, nói rằng cuộc cách mạng tuổi thọ đã làm cho vấn đề rắc rối hơn. Trong trang web của ông có những câu hỏi về trường hợp như vậy đại loại như: "Đó có còn là ngoại tình hay không nếu người phối ngẫu bị Alzheimer?"
Trong những hội hỗ trợ tinh thần cho những người đồng cảnh phải chăm sóc cho vợ hay chồng bị Alzheimer, đã có những người có liên hệ tình ái với nhau. Những người hướng dẫn các nhóm hỗ trợ đó luôn cố gắng giữ sao cho những người trong nhóm không phán xét, phẩm bình nhau.
Theo bà Beth Kallmyer thuộc hiệp hội Alzheimer 's Association thì “người phối ngẫu phải chăm sóc cho bệnh nhân cũng dễ trở thành nạn nhân thứ nhì của chứng Alzheimer. Những người tham gia vào hội này đã chịu đựng quá sức rồi. Cuộc sống của họ đã mất nhiều thăng bằng, rồi họ cũng ngã bệnh nữa."
Kết quả một nghiên cứu năm 2006 được loan tải trên tờ tạp chí y khoa New England of Medicine cho biết vợ hay chồng của bệnh nhân những chứng bệnh quên lãng, lú lẫn hay tâm thần thường qua đời trong vòng 1 năm sau khi bệnh nhân mà họ chăm sóc đã chết.
Trở lại trường hợp những người phối ngẫu của bệnh nhân Alzheimer có một người bạn khác phái để chia sẻ buồn vui thì trở ngại lớn nhất cho liên hệ này là con cái. Con cái trong hoàn cảnh như thế thường kết án người cha hay người mẹ là đã phá vỡ một cuộc hôn nhân lâu dài.
Theo bà Emma Shulman, một chuyên gia về lão học và nhà nghiên cứu về chứng Alzheimer năm nay đã 96 tuổi tại New York, thì phản ứng đó thể hiện những lủng củng tâm lý chưa được giải quyết ổn thỏa giữa con cái với người cha hay người mẹ; đó có thể là một mặc cảm tội lỗi khi con cái, tận đáy lòng, cho rằng họ đã không làm hơn để giúp cho cha mẹ; trong trường hợp khác thì con cái có thể cảm thấy là họ đã gánh trách nhiệm quá nhiều trong việc chăm sóc cho cha hay mẹ mang bệnh, và hận ông bố hay bà mẹ còn khỏe mạnh nhởn nhơ vui thú với một người bạn tình.
Trở lại trường hợp ông kiến trúc sư ngoài 70 tuổi ở New York, ông cho biết rất nhiều năm sau khi bà rơi vào tình trạng hoàn toàn lú lẫn ông vẫn chưa nghĩ tới một ai vì cuộc hôn nhân của ông bà quá đẹp. Giờ đây bà vẫn là vợ ông.
Ông cho biết cái ngày mà bà bị chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, ông vẫn rất không thực tế. Ông nói rằng ông là người luôn tìm ra được giải pháp cho vấn đề, nên đã tìm cách đưa bà đi đủ mọi thầy, chữa đủ mọi thuốc, những thứ thuốc còn đang trong vòng thí nghiệm, nhưng rồi ông đành phải bó tay để bà ngày càng chìm sâu vào quên lãng.
Sau nhiều năm chăm sóc cho bà, ông bị trầm cảm và ốm đau.
Trước tình cảnh này ông quyết định là ông sẽ không để cho đời ông kết thúc như vậy, nên ông đã có một người bạn tình để chia sẻ, an ủi lẫn nhau.
Ông cho biết trong những năm đầu gia nhập nhóm nâng đỡ tinh thần của những người đồng cảnh, khối người đã chỉ trích ông. Họ nói rằng “như vậy là ông đã phạm tội ngoại tình, và sẽ sa địa ngục!”. Nhưng mấy năm gần đây thì chuyện đã khác, nhiều người trong nhóm thổ lộ rằng họ cũng đang tìm một người bạn khác phái để an ủi nhau lúc cô đơn.
Vị kiến trúc sư này cho biết lúc đầu con trai ông khá bất bình về người bạn gái mới của ông, nhưng sau thì cậu và những người con khác trong gia đình cũng thông cảm cho ông và chấp nhận mối quan hệ này.
Cậu con trai nói “Lúc ấy bố bệnh quá rồi, sức khỏe tinh thần của bố xuống dốc dễ sợ. Từ ngày có bà bạn thì ông khỏe mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.”Cậu cho biết tiếp, “chừng nào mà mẹ tôi vẫn được chăm sóc chu đáo và không ai gây hại cho bà thì tôi cảm thông với bố tôi. Tôi là một người thực tế.”