Đường dẫn truy cập

Ngày Sức Khỏe Tâm Thần Thế giới_Phỏng vấn bác sĩ Lê Phương Thúy


Ngày Sức Khỏe Tâm Thần Thế giới_Phỏng vấn bác sĩ Lê Phương Thúy
Ngày Sức Khỏe Tâm Thần Thế giới_Phỏng vấn bác sĩ Lê Phương Thúy

Thưa quý vị, tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần hoạt động trong tình trạng thiếu thốn nhân, vật và tài lực. Ngày Sức Khỏe Tâm Thần Thế giới được Liên Đoàn Sức Khỏe Tâm Thần Thế giới (WFMH) đề xướng, với mục đích đưa vấn đề này lên hàng ưu tiên toàn cầu cao hơn. Ngày SKTT Thế giới được tổ chức lần đầu vào năm 1992, năm nay rơi nhằm ngày Chủ nhật 10 tháng 10, với chủ đề: Tương quan giữa sức khỏe tâm thần và các bệnh về thể chất. Trong Tạp chí Khoa học và Đời sống hôm nay, mời quý vị theo dõi câu chuyện giữa Hoài Hương và Bác sĩ Lê Phương Thúy, một bác sĩ tâm thần hành nghề tại San Jose.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói có hơn 450 triệu người – khoảng 12% dân số thế giới, phải sống trong tình trạng sức khỏe tinh thần suy sụp hoặc yếu kém. Phổ biến nhất là bệnh trầm cảm và tâm thần phân liệt.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn xếp loại các trường hợp lạm dụng ma túy và nghiện rượu như những vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người.

Sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần vốn vẫn đan quyện với nhau. Theo chủ đề năm nay, các chuyên gia lưu ý rằng có nhu cầu thực sự phải giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần của những người mắc các bệnh kinh niên, và cần điều trị các bệnh nhân này qua một chương trình chăm sóc toàn diện.

“Chúng ta cần dồn nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết những khó khăn trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, và bảo vệ quyền làm người của các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng.”

Đó là phát biểu của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon hôm thứ Ba, khi ông kêu gọi thế giới tăng cường các tài nguyên để cung cấp dịch vụ cho những người cần được chăm sóc.

Trong câu chuyện với Ban Việt ngữ –Đài VOA nhân Ngày Sức Khỏe Tâm Thần Thế giới sắp đến, một bác sĩ tâm thần hành nghề tại San Jose, Bác sĩ Lê Phương Thúy nói về những phát hiện và cách điều trị mới nhất trong việc điều trị các bệnh tâm trí:

Bác sĩ Thúy: “Cái mới nhất của bệnh tâm thần về phương diện chữa trị là ngày nay người ta đã hiểu được nguyên nhân đưa đến bệnh tâm thần nói chung và có những biện pháp điều trị rất là hiệu quả, từ uống thuốc, điều trị tâm lý và những máy móc dùng các luồng magnetic để mà kích thích những bộ phận ở trong não bộ, tạo ra những chất kích thích tố để trị bệnh trầm cảm. Rồi có những phương pháp có thể là giải phẫu để kích thích óc tiết ra những chất chống lại bệnh trầm cảm. Đó là những phát minh mới nhất đem lại niềm hy vọng mới cho những người mắc bệnh tâm trí.”

Về thách thức lớn nhất đối với các bác sĩ điều trị bệnh tâm thần, bác sĩ Lê Phương Thúy cho rằng đó là các bệnh nhân không chịu đến gặp bác sĩ để được điều trị.

Bác sĩ Thúy nêu lên 3 lý do: “Thứ nhất là có thể không biết, không biết rằng bệnh của mình có thể trị được. Thứ nhì, có thể biết nhưng mà sợ mang tiếng, xấu hổ cho rằng mình bị tâm thần, bị điên, cho nên đó là những sự ngần ngại. Thứ 3 là cái ảo tưởng cho rằng mình có thể tự trị được. Câu nói mà tôi nghe thường xuyên nhất là tôi có thể cố gắng được, tôi có thể tập thể thao, dinh dưỡng hoặc là giải trí vv... hoặc là thiền, hoặc là sinh hoạt lành mạnh để mà trị lấy bệnh. Cả 3 điều đó đều không đúng.”

Được hỏi về một công nghệ cụ thể hiện được sử dụng trong việc điều trị bệnh nhân bệnh tâm thần,

Bác sĩ Thúy nói: “Hiện giờ tôi cho rằng một phương pháp sử dụng kỹ thuật mới có tên viết tắt là TMS (Transmagnetic stimulation). Theo phương pháp này, có một thiết bị giống như một cái ghế khi mình đi khám răng, bệnh nhân ngồi vào ghế đó, rồi bác sĩ sẽ dùng máy, một dụng cụ hơi giống như máy sấy tóc, để lên phần bên trái trán. Bên trái là bởi vì phía trong não là cơ quan có thể tạo kích thích chống lại bệnh trầm cảm. Máy sẽ phát ra những luồng từ điện, magnetic, và kích thích bộ phận đó trong não, làm bộ phận đó tạo ra những chất truyền, neurotransmitters trong não bộ và trị bệnh trầm cảm. Tôi cho rằng đây là khám phá mới nhất đang được sử dụng, được cơ quan FDA (Cơ quan Kiểm soát Thực Phẩm và Dược Phẩm) của chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho sử dụng tại Hoa Kỳ.”

VOA: Thưa bác sĩ, phương pháp điều trị đó nó có tác dụng phụ không ạ?

BS Thúy: “Chắc chắn là bất cứ phương pháp điều trị nào, từ thuốc uống cho đến giải phẫu, đều có những tác dụng phụ. Nhưng cho tới giờ phút này, thì những tác dụng phụ không đáng kể, so với những lợi ích mà phương pháp này đem lại.”

VOA: Thưa bác sĩ, Tổ chức y tế Thế giới nói bệnh trầm cảm và tâm thần phân liệt chiếm phần lớn tỷ lệ những người mắc bệnh tâm thần...

BS Thúy: “Bệnh tâm thần phân liệt chiếm 1% dân số, tức là cứ 100 người là có một người bị, là nhiều lắm, và con số này giống nhau ở mọi sắc dân, chủng tộc, chứ không phải là người da trắng thì bị nhiều hơn, không phải vậy. Còn trầm cảm thì là 20%, một con số rất lớn, bệnh trầm cảm xảy ra ở phụ nữ gấp hai lần đàn ông.”

Bác sĩ Lê Phương Thúy cho biết là theo một thống kê thì phụ nữ từ lứa tuổi từ 20 đến 40 tuổi là lứa tuổi dễ bị mắc bệnh trầm cảm nhất.

VOA: Thưa bác sĩ, có thể giải thích lý do tại sao mà phụ nữ lại bị trầm cảm nhiều hơn nam giới không thưa bác sĩ?

BS Thúy: “Cho tới giờ này, chúng tôi cho rằng vì những thay đổi trong kích thích tố nữ nơi người phụ nữ, chẳng hạn như hàng tháng vì có ảnh hưởng của kích thích tố nữ lên xuống cho nên phụ nữ mới có kinh nguyệt, có khả năng mang thai, khi mang thai thì kích thích tố để nuôi dưỡng bào thai cũng gia tăng. Rồi sau khi sanh, kích thích tố nữ estrogen và progesterone hạ xuống một cách đột ngột, do đó người phụ nữlại có thêm cái bệnh gọi là trầm cảm hậu sản. Về sau khi tới tuổi tắt kinh thì lại không được sự bảo vệ của những kích thích tố nữ nữa, thành ra sau thời kỳ tắt kinh, phụ nữ cũng có thể có những bệnh trầm cảm hay là lo lắng. ”

VOA: Thưa bác sĩ vậy thì tạo hóa bất công với phụ nữ quá, phải không ạ?

BS Thúy: “Về phương diện đó, nhưng biết đâu phụ nữ chúng ta lại được những phần thưởng khác. Tôi có một cái nhìn khá lạc quan, tôi thấy rằng đúng như câu nói bên đạo Thiên Chúa, khi mà Chúa đóng cánh cửa này thì sẽ mở những cánh cửa khác, cho nên biết đâu phụ nữ lại có những đặc ân khác, thành ra mình phải nhìn vấn đề một cách toàn diện.”

VOA: Vâng thưa bác sĩ, xin bác sĩ một lời gọi là kết cho câu chuyện của chúng ta hôm nay, nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới sắp tới.

BS Thúy: “Vâng, điều mà tôi mong mỏi nhất như tôi đã thưa lúc nãy, không phải là không có phương tiện hay không có phương cách để mà điều trị. Vấn đề ở đây là mình không biết tới để mà đi tìm thầy tìm thuốc, nhất là đối với người Việt Nam mình, lời kêu gọi của tôi là nên học hỏi tìm hiểu, cập nhật hóa kiến thức vẫn là điều cần thiết. Nguyên tắc nằm lòng là khi chúng ta có một vấn đề gì, đừng nghĩ rằng nỗi lòng một mình mình biết, khi có vấn đề gì, thì người khác cũng đã có vấn đề đó rồi, cũng là con người cả với nhau, cho nên cái quan trọng là tìm hiểu rồi đi hỏi người gần gũi nhất với mình, là bác sĩ gia đình, thì nên hỏi và kể lể những triệu chứng của mình và từ đó, bác sĩ gia đình giới thiệu mình đến bác sĩ tâm trí. Khi đi thì đừng ngần ngại, ngày nay sự hiểu biết về bệnh tâm trí cho thấy rằng bệnh là do sự mất cân bằng về hóa chất, sự xáo trộn những chất truyền, chất hóa học ở trong não bộ, chứ không phải là tà ma quỉ ám, hay là thiếu phúc đức.”

Thưa quý thính giả, Bác sĩ Lê Phương Thúy, một bác sĩ tâm thần hành nghề tại San Jose, trong câu chuyện với Ban Việt ngữ –Đài VOA nhân Ngày Sức Khỏe Tâm Thần Thế giới 10 tháng 10 năm 2010.
Xin cám ơn bác sĩ đã dành cho VOA-Việt ngữ cuộc phỏng vấn này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG