Thưa quí thính giả trong phần cuối của loạt bài nói về một số các thể bệnh bệnh tâm thần, hôm nay bác sỹ Lê Phương Thúy sẽ trình bày về chứng hưng trầm cảm, một thể bệnh tâm thần khiến bệnh nhân đi từ thái cực này sang thái cực khác, vui buồn bất thường.
Trước hết, mời quí vị theo dõi định ngnhĩa về về bệnh hưng trầm cảm.
Bác sĩ Thúy: Bệnh hưng trầm cảm là tên tiếng Việt của một bệnh tâm trí, tiếng Anh gọi là bipolar disorder. Hưng là hưng phấn, là cao lên, trầm là hạ xuống, và cảm là cảm xúc của con người. Người mang bệnh này có những cảm xúc thái quá. Thái quá có thể là quá vui, quá phấn khởi, quá hào hứng và cũng có thể là quá buồn.
Khi bệnh nhân trong trạng thái hưng họ làm việc không biết mệt, nói nhiều, cảm thấy vui một cách tột độ, đôi khi có ý nghĩ ngạo mạn, ngông cuồng. Một người với một khả năng bình thường nhưng trong trạng thái hưng có thể nghĩ mình tài giỏi, có thể trở thành tổng thống. Hoặc một người với khả năng tài chính bình thường nhưng lại nghĩ rằng mình sẽ trở thành một tỉ phú như Bill Gates chẳng hạn.
Một bệnh nhân hưng trầm cảm có thể mang một số trong những nét tâm lý độc đáo như sau:
-Tính khí bất thường, thường xuyên chuyển từ trạng thái tâm lý hưng phấn sang buồn rầu rũ rượi (mood swing).
Về điểm này bác sỹ Lê Phương Thúy giải thích thêm: Nếu đúng tiêu chuẩn thì triệu chứng hưng cảm kéo dài từ 4 ngày trở lên và liên tiếp, có thể kéo dài từ 2 tuần đến một tháng, rồi sau đó đổi sang cái giai đoạn buồn nản, cũng kéo dài 2 tuần trở lên. Đó là trường hợp rõ ràng. Khi có trường hợp này thì không cần phải bác sỹ cũng nhận thấy. Tuy nhiên trên thực tế hiện tượng hưng và trầm quyện lấy với nhau, có thể thay đổi từ phút, từ giờ, hoặc từ ngày. Điểu quan trọng nhất là nó làm cho người chugn quanh bối rối, không biết người này muốn cái gì, và lúc nào cũng tạo ra bối rối và khó xử cho những người chung quanh.
Trong trạng thái hưng, người bệnh có thể có những dấu chứng như sau:
- Ngỡ rằng mình là người tài ba xuất chúng vượt bực, có khi nghĩ mình là thánh nhân giáng trần, hơn tất cả mọi người (grandiosity).
- Tiêu xài phí phạm vượt quá khả năng,vung tay quá trớn không suy nghĩ, mua những thứ không cần thiết, hoặc như Thúc Sinh 'trăm nghìn đổ một trận cười như không' (spendthrift). Có người không tiêu tiền như vậy nhưng lại đánh bạc, sát phạt đỏ đen đến nỗi cháy túi, mang công, mắc nợ, mất nhà, mất cửa.
- Suy nghĩ thiếu mạch lạc, cách xử sự và hành động thường không thích hợp trong nhiều tình huống (poor judgement).
- Sắc dục quá độ, lang chạ (hypersexuality, promiscuity).
Một điểm rất đặc biệt là bệnh nhân khi rơi vào trạng thái hưng, đêm họ thường không ngủ, nếu có dự tính gì thì bệnh nhân cuống cuồng làm việc một cách say sưa, không biết mệt. Nếu nhìn vào triệu chứng hưng này thì một người không chuyên môn ở ngoài có thể rất lầm lẫn với một trường hợp bình thường và cho rằng người này quá hạnh phúc, tại sao lại cho họ là bất bình thường? Còn chính đương sự lại rất thích ở trong trạng thái này. Chúng ta có thể so sánh một người đang trong trạng thái hưng với một người đang sử dụng cần sa ma túy. Điều đáng lưu ý là trạng thái này thường kéo dài 4 ngày rồi sau đó lại đổi sang chu kỳ buồn rầu, rã rượi, có khi còn có ý định quyên sinh, đa nghi, và đôi khi có ảo thanh, ảo giác nữa.
Bác sỹ Thúy nhấn mạnh rằng bệnh nhân mang chứng hưng trầm cảm không nhất thiết là có đủ mọi triệu chứng kể trên, mà thường thường chỉ có một số mà thôi, mỗi bệnh nhân một biểu hiện khác nhau.
Một bệnh nhân trong trạng thái hưng khác với một người bình thường, khỏe mạnh, lạc quan, yêu đời như thế nào?
Bác sĩ Thúy: Người có bệnh thì có những tai hại về chức năng, chẳng hạn như mê sắc dục đến độ không còn học được, không còn làm việc được, xài tiền phung phí, nợ nần, mất hết nhà cửa, hoặc có những ý nghĩ ngông cuồng, không thực tế, làm đêm làm ngày nhưng rốt cuộc những công việc đó không tới đâu cả, mà nó chỉ làm cho người này tiêu hao sức khỏe. Trong một vài trường hợp nặng, người này sẽ có một số ảo thanh, ảo tưởng, hoang tưởng, nghĩ rằng mình nói chuyện được với thượng đế, có một quyền lực ở trên cao truyền cho mình một khả năng làm những chuyện đội đá vá trời chẳng hạn. Nghe những tiếng nói xúi dục mình làm chuyện này chuyện kia, đôi khi còn nghi ngờ người khác ám hại mình vì mình tài giỏi qua nên kẻ thù muốn ám hại. Bệnh nhân có thể có những hành động nhắm mục đích chống trả hoặc tự vệ trước những hoang tưởng đó. Chính vì vậy mà kết quả thực tế là đi làm thì không làm được việc vì cứ quay cuồng với những ý ghĩ. Ý tưởng hiện ra trong đầu họ rất nhanh (flight of ideas) và họ đi từ chuyện này sang chuyện kia cũng rất nhanh, và chính vì vậy mà họ không tập trung được để làm những việc đang làm, cần làm, và là những người được gọi nôm na là 'đánh trống bỏ dùi', bỏ dở chuyện này rồi lại bắt đầu một chuyện khác.
Và vì thế ảnh hưởng tai hại đến chức năng của người bệnh, học trò thì không học được, đi làm thì không làm được, liên hệ tình cảm giữa vợ chồng, con cái, anh em sẽ bị đổ vỡ vì những hành động tự hủy hoại của người đó.
Cách chữa trị bệnh, trước hết, là bằng thuốc men.
Bác sĩ Thúy: Tin mừng là bệnh này có thể chữa được 100%. Cái khó ở đây không phải là chữa. Cái khó là làm sao cho người bệnh thấy được cái vấn đề của mình để đồng ý hợp tác với bác sỹ để chữa trị. Cũng như đa số các bệnh tâm trí khác, bệnh hưng trầm cảm là do sự xáo trộn các hóa chất (chemical imbalance ), các chất dẫn truyền thần kinh (neuro transmitters) trong bộ óc của mình. Cách trị bệnh về thuốc men thì có những loại thuốc gọi là mood stabilizer, để ổn định cảm xúc của mình. Đúng thuốc thì trong vòng chừng 4 ngày, và ngay ngày đầu tiên đã có thể bớt rồi. Chẳng hạn như người bệnh không ngủ được thì viên thuốc đầu tiên giúp cho họï ngủ. Triệu chứng không ngủ là triệu chứng rất rõ ràng hầu như người nào mắc bệnh này ai cũng có. Họ thức liên tục đêm này qua đêm khác mà không biết mệt, nói liên miên và sẽ bị kiệt lực. Thuốc sẽ giúp cho họ ngủ được, chậm lại những sinh hoạt của họ, chậm dòng ý tưởng của họ. Từ 4 ngày trở lên đã có thể giảm được khoảng 30%. Thường thì 2 tuần hay một tháng có thể giảm 70%. Với thời gian thì sẽ giảm hẳn, với điều kiện là bệnh nhân uống thuốc đều đặn và tuân theo lời dặn của bác sỹ.
Còn về hệ quả phụ của thuốc thì sao?
Bác sĩ Thúy: Hệ quả phụ của thuốc thực ra không đáng gì so với hiệu quả của nó. So với việc trở lại được với đời sống bình thường, phục hồi lại chức năng. Những hệ quả phụ như thuốc có thể làm cho mình mệt mởi, lừ đừ, khô miệng, mờ mắt, hơi buồn nôn,đôi khi bị nhức đầu, đau bụng, cứng tay, cứng chân., có thể bị buồn ngủ, lên cân nữa. Những hệ quả phụ đó chỉ ngắn hạn, nó chỉ là những bất tiện và sẽ qua đi trong vòng một tuần, hai tuần. Nhiều lắm thì trong vòng một tháng người bệnh sẽ quen. Điều quan trọng nhất ở đây là người bệnh hợp tác với bác sỹ để chọn cho mình một loại thuốc hợp với cơ thể của mình. Ngày nay khoa học đã tiến bộ rất nhiều và có những loại thuốc mới, hiệu nghiệm mà hệ quả phụ rất nhỏ.
Ngoài bác sỹ tâm thần (psychiatrist) điều trị thuốc men, bệnh nhân còn cần được các chuyên gia tâm lý (psychologist) trị liệu, hướng dẫn.
Bác sĩ Thúy: Phương diện điều trị tâm lý rất quan trọng. Chuyên gia tâm lý sẽ giúp bệnh nhân hiểu được, chấp nhận là mình có bệnh để hợp tác với các nhà trị liệu, và hiểu được là bệnh không phải do thiếu phúc đức hay tà ma quỉ ám. Bệnh này rất dễ bị coi là một hiện tượng bị tà ma quỉ ám, vì sao? vì tự nhiên đang vui đó, thì ngày hôm sau lại buồn thảm rũ rượi, người thường cho rằng chỉ có ma ám hay bị thư mới thay đổi như vậy. Cho nên tâm lý trị liệu rất là quan trọng để cho người bệnh đánh tan mặc cảm là mình thiếu phước đức, mình yếu đuối không chống cự được với căn bệnh.
Thưa quí thính giả, bài nói chuyện của bác sỹ Lê Phương Thúy về bệnh hưng trầm cảm đã kết thúc loạt bài về một số các thể bệnh tâm thần. Trên thực tế còn rất nhiều những bệnh hoặc các chứng rối loạn tâm lý, tâm thần khác nhưng vì thời giờ hạn hẹp, chúng tôi xin dừng nơi đây. Lan Phương xin kính chào quí vị.