Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa hôm 12/9 kêu gọi loại bỏ nghĩa bảo hộ và nói rằng chính sách thương mại đơn phương của một số nước đề ra “mối nguy hiểm nghiêm trọng nhất” đối với nền kinh tế thế giới, theo Reuters.
Phát biểu của ông được đưa ra vào thời điểm tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ngày càng tồi tệ. Nước Mỹ được xem là đang sử dụng các biện pháp bảo hộ kinh tế dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á cũng lên tiếng ủng hộ các hiệp ước đa phương tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Hà Nội. Mặc dù vậy, Singapore nhấn mạnh rằng không có sự bảo đảm có đồng thuận lớn về hiệp ước thương mại lớn nhất thế giới mà các nước đang làm việc với Trung Quốc sẽ được ký kết vào cuối năm nay.
“Các biện pháp đơn phương và bảo hộ của một số quốc gia đang làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc, đề ra mối nguy hiểm nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế thế giới”, Reuters dẫn lời ông Hoa nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
“Chúng ta phải loại bỏ một cách dứt khoát chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương và duy trì nền kinh tế thế giới và hệ thống thương mại đa phương”, Phó Thủ tướng Trung Quốc nói thêm.
Tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông sẵn sàng áp thuế bổ sung trên hầu hết hàng nhập khẩu của Trung Quốc, đe dọa đánh thuế trên 267 tỷ USD hàng hóa, vượt quá mức thuế dự kiến là 200 tỷ USD trên các sản phẩm của Trung Quốc.
Trung Quốc hôm 10/9 nói sẽ đáp trả nếu Hoa Kỳ thực hiện bất kỳ hành động mới nào về thương mại.
Tổng thống Trump thường chỉ trích về mức thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ, và yêu cầu Bắc Kinh phải cắt giảm ngay lập tức.
Nếu Hoa Kỳ áp đặt mức thuế bổ sung 25% trên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thì số người thất nghiệp ở Trung Quốc có thể tăng thêm 3 triệu nếu như Bắc Kinh không có bất kỳ biện pháp đối phó nào, theo các nhà phân tích của JP Morgan.
Nếu Washington tiếp tục áp thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc, thì khoảng 6 triệu việc làm ở Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng, nếu Trung Quốc không có bước phản ứng nào và không phá giá đồng nhân dân tệ.
Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiến Long nói ông không chắc sẽ đạt được thỏa thuận trong năm nay về Hiệp định Thương mại Hợp tác Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng thương mại Singapore cho biết các quốc gia đang nhắm tới việc đạt được thỏa thuận lớn về hiệp ước tại một hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo ở Singapore vào tháng 11, 6 năm sau khi các cuộc đàm phán bắt đầu.
RCEP do Bắc Kinh hậu thuẫn và có thêm động lực mới từ việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Trung Quốc không phải là một thành viên.