Đường dẫn truy cập

Người dân miền Bắc Việt Nam: “Bão Yagi mạnh chưa từng thấy”


Một vùng của tỉnh Bắc Giang bị nước lũ nhấn chìm do hậu quả của bão Yagi
Một vùng của tỉnh Bắc Giang bị nước lũ nhấn chìm do hậu quả của bão Yagi

Người dân khắp các miền bắc Việt Nam kể với VOA về sức mạnh ‘chưa từng thấy’ của bão Yagi sau khi bão và mưa lớn đã để lại khung cảnh tan hoang ở các thành thị đồng bằng, gây sạt lở, ngập lụt ở các tỉnh miền núi, trung du và thậm chí một cây cầu đã sập, theo tìm hiểu của VOA.

Bão Yagi, mà Việt Nam gọi là bão số 3, đã đổ bộ vịnh Bắc Bộ và miền bắc Việt Nam vào thứ Bảy ngày 7/9 với sức gió lên đến gần 150km/h ở vùng tâm bão là Hải Phòng-Quảng Ninh và đạt trên 100km/h khi đến thủ đô Hà Nội, theo các bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Thiệt hại lớn

Gió bão đã quật đổ nhiều cây xanh lớn, thậm chí có cả cây cổ thụ ở các đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long.., làm tốc mái, bay mái tôn, vỡ cửa kính hàng trăm ngàn ngôi nhà. Trong khi đó, mưa lớn làm ngập lụt nhiều tuyến đường, khiến nước sông dâng cao tràn bờ nhấn chìm các khu dân cư. Ở một số tỉnh miền núi, sạt lở đất do mưa lớn đã chôn vùi người dân trong khi có người bị nước lũ cuốn trôi, theo tường thuật của truyền thông trong nước.

Đến sáng ngày 9/9, nước lũ cuồn cuộn trên sông Hồng đã kéo đổ một trụ cầu làm sập hai nhịp chính cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ. Khi cầu sập, trên cầu có một số ô tô và xe máy đang lưu thông, theo Tuổi Trẻ.

Tại thành phố Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Thái Nguyên, nhiều phường, xã ven sông Cầu bị ngập sâu và bị cô lập, người dân phải leo lên mái nhà chờ cứu hộ, theo trang mạng VnExpress.

Tính đến 17h ngày 9/9 con số thương vong là 71 người chết và mất tích, theo thống kê của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai được báo Lao Động dẫn lại. Đó là chưa kể 8 người mất tích trên cầu Phong Châu và 16 người trên một chiếc xe khách bị cuốn trôi ở tỉnh Lào Cai, cũng theo tờ báo này.

Các nạn nhân tử vong và mất tích do bão, bị lũ cuốn hay do bị sạt lở đất chôn vùi, trải dài khắp các tỉnh thành từ ven biển cho đến trung du và miền núi, bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang…

Về thiệt hại vật chất, đã có 1 triệu hectare rừng bị gãy đổ, trong đó Hạ Long bị gãy đổ 90% còn Hà Nội là 10%, toàn bộ nhà thấp tầng ở các địa phương bão quét qua bị tốc mái, 100.000 hectare lúa bị ngập trong đó có đến 30.000 hectare bị mất trắng, VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Hồng Hiệp, thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết tại cuộc họp sáng 9/9 với các tổ chức cứu trợ quốc tế và đại sứ quán các nước. Đó là còn chưa kể đến số lượng gia súc, hoa màu, cây ăn quả và lồng bè nuôi thủy sản bị mất trong bão.

Chiều ngày 9/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì họp Bộ Chính trị để bàn cách khắc phục thiệt hại của cơn bão, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ cho biết, trong lúc chính quyền Việt Nam cũng đã kêu gọi quốc tế cứu trợ.

‘Sau bão vất vả’

Từ Hải Phòng, chủ một quán ăn ở phường Đông Hải, quận Hải An, cho biết gia đình ông đang tất bật dọn dẹp, lau chùi lại quán sau bão để có thể mở cửa trở lại.

Ông cho biết quán của ông trong bão đã bị tốc mái ‘theo từng mảng’ và ‘bay từ nhà nọ sang nhà kia’ khiến ông ‘muốn thót tim’.

“Mái nhà tốc hết. Xung quanh hàng xóm đều bị tốc hết,” người chủ quán Lá chỉ nêu tên là Long nói với VOA và cho biết chi phí sửa chữa quán của ông có thể lên đến ‘cả trăm triệu’.

Theo lời ông Long thì đây là trận bão ‘lịch sử’ mà ông mô tả là ‘to nhất từ trước đến giờ’. Ông cho biết cây cối trong thành phố ‘100% ngã đổ hết, trong đó có cả cổ thụ mấy chục năm như xà cừ’.

Khi được hỏi về tình hình cuộc sống sau bão, ông trả lời: “Vất vả lắm. Điện nước đã mất 3, 4 ngày nay rồi. Đường phố cây cối đổ đầy, ngồn ngang. Nói chung cuộc sống vất vả lắm.”

Hiện giờ một số công sở bị tốc mái, bị hư hại vẫn đang sửa chữa và một số trường học vẫn đang dọn dẹp nên công nhân viên vẫn chưa đi làm và học sinh vẫn chưa đi học trở lại, cũng theo lời người chủ quán ăn này. Trong khi đó, hàng hóa nhu yếu phẩm ‘khan hiếm hơn’ và ‘một tuần nữa mới trở lại bình thường’.

“Bây giờ sinh hoạt cả thành phố ô tô đâu cũng tắc, người ta gọi xe suốt ngày đêm,” ông cho biết.

Từ thành phố Thái Nguyên, ông Chiến, chủ tiệm sửa xe gắn máy Văn Chiến trên đường Hoàng Văn Thụ, nói với VOA chỉ trong hai ngày từ ngày 8/9 đến nay nước sông Cầu đã ‘dâng rất cao, nhiều vùng ngập lụt rất sâu’.

“Mưa thì gần như không có mưa, không đáng kể. Nhưng toàn nước miền ngược chảy về nhiều,” ông Chiến nói và cho biết lần đầu tiên ông thấy nước sông Cầu dâng cao vượt các mốc lịch sử vào các năm 1986 và 2001.

Theo lời ông thì người dân trong vùng ngập đã bị cắt hoàn toàn điện nước trong khi nhiều người bị mắc kẹt không ra khỏi vùng lũ được. Về đi lại thì từ Thái Nguyên đi về xuôi xuống các tỉnh đồng bằng ‘thì vẫn được’, nhưng đi ngược lên các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Bắc Cạn thì ‘bị tắc không đi được’.

Ông kể bên ngoài ‘hối hả đi cứu trợ’ và ‘tàu, thuyền, ca nô đi cứu trợ rất nhiều để đưa lương thực, thực phẩm đến cho người dân bị mắc kẹt’.

Hiện giờ trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, học sinh dù vừa mới khai giảng năm học mới đã nghỉ học còn công nhân viên chức cũng nghỉ làm, cũng theo lời người chủ tiệm sửa xe này.

Tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chủ tiệm bánh mì Thắng Lợi ở phường Hà Tu cho VOA biết nhà ông chỉ một hư hại nhẹ do mái tôn bị tốc trong cơn bão mà ông mô tả là ‘to nhất mà tôi chứng kiến từ bé đến giờ’.

Bên cạnh cây cối ngã đổ vẫn còn chưa đốn xong, người chủ tiệm bánh mì không cho biết danh tính này nói bão còn quật đổ rất nhiều cột điện mà ‘không biết bao giờ mới khắc phục được’.

“Chưa có điện thì chưa làm được gì cả. Tất cả đều ngưng hoạt động. Mất điện là chịu chết,” ông nói. (9:30)

Còn tại Hà Nội, người dân ở đây cũng cho biết trong ký ức của họ, họ chưa từng thấy có cơn bão nào mạnh như bão Yagi.

Bà Nguyễn Thị Chiên, chủ cửa hàng hoa quả ở số 46 Hàng Gai ngay giữa phố cổ, cho VOA biết nhà bà nằm trong một dãy 4 căn nhà bị gió bão làm nghiêng sang một bên, bây giờ đã bị chính quyền niêm phong không cho ra vào vì sợ nguy sập đổ.

“Chắc là phải xây lại thôi chứ không thể khắc phục được,” bà Chiên nói và cho biết hậu quả lớn nhất của bão ở Hà Nội là ‘mất cây xanh’.

“Tôi từ bé đến lớn, những người già tính đến nay đã 70 tuổi người ta bảo là chưa thấy trận bão nào để lại hậu quả mà cây xanh của Hà Nội, những cây sưa, những cây đa cổ thụ của ngày xưa gần như bị bật gốc siêu nhiều,” bà nói.

Về cuộc sống tại Hà Nội, bà cho biết giữa phố cổ không hề có chuyện khan hiếm nhu yếu phẩm và chính quyền đã tranh thủ ngày chủ nhật để dọn dẹp lại sau bão nên đến thứ hai ‘mọi thứ gần như đã trở lại bình thường’.

“Hôm qua di chuyển còn khó khăn, nhưng đến hôm nào phường nào phường nấy đã huy động tất cả mọi người từ công an, bộ đội, sinh viên tình nguyện, dân thường để dọn dẹp cho xong.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG