Đường dẫn truy cập

Hai cựu ĐBQH bị phạt 20 năm tù; giới quan sát đặt nghi vấn về công bằng tư pháp


Hai cựu đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng (trái) và Lê Thanh Vân.
Hai cựu đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng (trái) và Lê Thanh Vân.

Hôm 13/1, một tòa án ở tỉnh Thái Bình kết án cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng 13 năm tù, Lê Thanh Vân 7 năm tù về các cáo buộc như “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, “cưỡng đoạt tài sản”, khiến giới quan sát nghi ngờ về nỗ lực thực sự nhằm chống tham nhũng của Việt Nam, cũng như có hay không việc lợi dụng hệ thống tư pháp để bịt miệng những tiếng nói phản biện trong Quốc hội.

Ông Nhưỡng bị phạt 3 năm về tội “cưỡng đoạt tài sản” và 10 năm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi”, theo truyền thông Việt Nam hôm 13/1.

Cựu đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bị tuyên phạt mức án 7 năm tù, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Ngoài ra, cùng với cáo buộc trên, ông Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ pháp luật- Văn phòng Chủ tịch nước, nhận bản án 14 năm tù.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, từng là Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và ông Lê Thanh Vân, một đại biểu kỳ cựu thuộc Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt Nam khóa 15.

Trang VNExpress hôm 13/1 dẫn cáo trạng cho biết các bị cáo đã dàn dựng nhiều hoạt động trái pháp luật, trong đó có tội tống tiền chi nhánh Tập đoàn Sao Đỏ ở tỉnh Thái Bình, can thiệp vào thủ tục tố tụng dân sự ở thành phố Hải Phòng, thao túng việc phê duyệt dự án ở Bắc Ninh và Quảng Ninh, cho rằng những hành vi này “đã ảnh hưởng đến trật tự xã hội và môi trường đầu tư ở địa phương”.

Cụ thể, ông Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc đã 4 lần thực hiện hành vi phạm tội và nhiều lần nhận tiền, quà cảm ơn. Trong đó, ông Nhưỡng đã nhận 210 triệu đồng và 300.000 USD, một lô đất ở huyện Đông Anh (TP Hà Nội); được hứa tặng một lô đất hơn 1.000m2 ở Quảng Ninh, theo trang Công an Nhân dân (CAND) của Bộ Công an hôm 14/1.

Hội đồng xét xử cho rằng ông Lê Thanh Vân đã 2 lần thực hiện hành vi phạm tội; nhận 60 triệu đồng, một lô đất ở huyện Đông Anh và được hứa tặng một lô đất ở Quảng Ninh.

Còn bị cáo Nguyễn Văn Vương thông qua việc nhờ bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân tác động cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho 2 doanh nghiệp nói trên nhằm mục đích hưởng lợi hơn 13.000m2 đất (trị giá hơn 26 tỷ đồng).

Từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh, nhận định với VOA rằng, trước khi bị bắt vào năm 2024, cả hai ông Nhưỡng và Vân “đều là những gương mặt nổi bật” trong Quốc hội Việt Nam.

“Ông Lưu Bình Nhưỡng từng gây tiếng vang qua các phát biểu mạnh mẽ về các vấn đề như tham nhũng, cải cách tư pháp và quyền lợi người dân”, Luật sư Vũ Đức Khanh viết cho VOA hôm 14/1. “Ông Lê Thanh Vân được biết đến như một đại biểu có tư duy độc lập và thẳng thắn, thường đưa ra các ý kiến phản biện mang tính xây dựng”.

Theo dõi diễn biến phiên tòa này, luật sư Khanh đặt nghi vấn rằng liệu đây có phải là nỗ lực thực sự nhằm chống tham nhũng hay là sự lợi dụng hệ thống tư pháp để bịt miệng những tiếng nói phản biện trong Quốc hội?

“Trong bối cảnh một chế độ không có tam quyền phân lập như Việt Nam, hệ thống tư pháp không hoàn toàn độc lập. Tòa án, viện kiểm sát, và các cơ quan điều tra chịu sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản. Điều này dẫn đến nguy cơ sử dụng luật pháp không chỉ để điều chỉnh xã hội, mà còn làm công cụ duy trì quyền lực chính trị”, Luật sư Khanh phân tích.

Luật sư Vũ Đức Khanh đánh giá rằng những vụ án như của Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân không chỉ gây ra tranh cãi về tính công bằng của hệ thống tư pháp, mà còn có thể để lại những hệ lụy lâu dài như “suy giảm lòng tin vào pháp luật; lo ngại về tự do ngôn luận; tăng cường kiểm soát chính trị”.

Trả lời phỏng vấn RFA hôm 13/1, luật sư Nguyễn Văn Đài ở Đức đưa ra nhận định: “Việc áp dụng tội danh đấy đối với ông Lưu Bình Nhưỡng là hoàn toàn bất công và việc áp dụng hình phạt 13 năm tù đối với hai tội danh càng thêm bất công nữa khi so sánh với cơ quan chức nhà nước gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng tới hàng chục nghìn tỷ đồng”.

“Phiên tòa không chỉ là màn kịch trả thù cá nhân mà còn là thông điệp răn đe dành cho bất kỳ ai dám đứng về phía nhân dân”, trang Nhật ký Yêu nước nhận định. “Những bản án khắc nghiệt dành cho ông Nhưỡng và ông Vân không hề xuất phát từ công lý, mà chỉ nhằm bịt miệng và loại bỏ những tiếng nói đối lập trong nội bộ đảng”.

“Vụ xét xử này không phải là công lý, mà là một vết nhơ trong lịch sử tư pháp Việt Nam. Đó là minh chứng cho sự bất công, đàn áp và thao túng của chế độ độc tài toàn trị. Một chính quyền mà công lý trở thành công cụ trả thù chính trị thì không bao giờ có thể đại diện cho lợi ích của nhân dân”, vẫn trang Nhật ký Yêu nước.

Ngược lại, trang CAND của Bộ Công an cho rằng, với tư cách đại biểu Quốc hội, các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân đã “không đại diện cho tiếng nói nhân dân một cách công tâm khách quan”, nhiều lần gọi điện, tác động cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho người quen nhằm hưởng lợi ích vật chất.

Tờ báo của Bộ Công an cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo đã “gây bức xúc trong dư luận”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG