Chính phủ sẽ xây dựng các chính sách, cơ chế đặc biệt về nhập tịch, sở hữu nhà, đất, cấp visa, giấy phép lao động, thu nhập… nhằm thu hút và giữ chân các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, cũng như các chuyên gia nước ngoài về làm việc tại Việt Nam, theo tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại một hội nghị toàn quốc về khoa học, công nghệ hôm 13/1.
Phát biểu tại hội nghị có sự tham dự đầy đủ “tứ trụ” lãnh đạo Việt Nam, ông Chính đề cập đến Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ông cho rằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số “đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững”, và Việt Nam “không có con đường nào khác ngoài việc dồn toàn lực” cho các lĩnh vực này để hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao.
Vẫn theo lời ông Chính, việc thu hút các nhà khoa học hàng đầu là một trong những kế hoạch của chính phủ Việt Nam nhằm triển khai Nghị quyết 57, và những chuyên gia này sẽ đóng vai trò “kiến trúc sư trưởng” trong việc tổ chức, quản lý và triển khai các dự án, chương trình, nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, theo VnExpress.
Tại hội nghị, một Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trực thuộc Bộ Chính trị, đã được công bố thành lập. Trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban chỉ đạo, và các phó ban bao gồm ông Chính; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc giữ nhiệm vụ Phó ban Thường trực.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lâm cũng yêu cầu phải có “giải pháp đột phá” để thu hút nhân tài về công nghệ ở nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc, tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu, theo VnExpress.
Vẫn theo tờ báo này, người đứng đầu Đảng Cộng sản cũng gợi ý về việc nhà nước có thể chọn thí điểm một số viện hoặc trường để mời các chuyên gia ở nước ngoài làm lãnh đạo, nhất là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, là những người hiểu rõ văn hóa Việt Nam, trưởng thành ở các nước phát triển, am hiểu chuyên môn, có sự kết nối quốc tế sâu rộng.
Về chương trình hành động, ông Chính cho biết chính phủ Việt Nam đã vạch ra 41 nhóm mục tiêu và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có các nội dung về nâng cao nhận thức, tạo đột phá về đổi mới tư duy, quyết tâm về chính trị, lãnh đạo… để đạ được mục tiêu về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cho biết thêm rằng nhà nước Việt Nam cũng đã tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, và bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước cho việc phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược.
Diễn đàn