Đường dẫn truy cập

Người Việt tị nạn ‘chịu ơn cuộc tranh đấu của người da đen’


Người da màu ở Mỹ đã có một cuộc đấu tranh lâu dài để được đối xử bình đẳng
Người da màu ở Mỹ đã có một cuộc đấu tranh lâu dài để được đối xử bình đẳng

Chính nhờ cuộc tranh đấu không mệt mỏi của người da đen qua nhiều năm để giành các quyền dân sự và quyền chính trị cho người thiểu số tại Mỹ mà người Việt tị nạn mới được hưởng các quyền bình đẳng vốn trước đó không có, một trí thức người Việt tại Mỹ nói với VOA và kêu gọi cộng đồng Việt thay vì chỉ trích hay bàng quan nên tham gia vào cuộc tranh đấu đòi công lý và bình đẳng vì ‘cũng có lợi ích của người Việt trong đó’.

Phong trào biểu tình kêu gọi ‘Coi trọng mạng sống người da màu’ lan rộng từ nước Mỹ ra thế giới từ sau cái chết của một người đàn ông da đen tên George Floyd tại Minneapolis, bang Minnesota, trong lúc ông này bị cảnh sát khống chế hôm 25/5. Một số nơi đã xảy ra cướp bóc, đốt phá, hôi của ‘ăn theo’ các cuộc xuống đường.

‘Bị chia rẽ’

Khác với người da đen ngay từ đầu đến Mỹ đã bị đối xử như nô lệ, những người Á châu nhập cư vào Mỹ trong thập niên 1960, nhất là người gốc Hoa, đã được các định chế da trắng như tòa án, hành pháp, lập pháp ở Mỹ ‘giao cho trọng trách làm thiểu số gương mẫu (model minority)’ để các cộng đồng thiểu số khác, trong đó có người da đen, noi gương, theo Tiến sĩ chính trị học Ông Thụy Như Ngọc, chủ bút tuần báo Việt Tide ở Nam California.

“Người tị nạn Việt Nam từ đầu đã được xem là người siêng năng, con cái học giỏi, ra trường thành tài, khác với người da đen được cho là lười biếng, phạm pháp nhiều...Cộng đồng người da vàng do đó đã bị chia rẽ, phân hóa trong ý thức hệ về kỳ thị chủng tộc,” Tiến sĩ Ngọc nói.

Tuy nhiên, bà Ngọc chỉ ra rằng nhờ cuộc đấu tranh bền bỉ chống kỳ thị của người da đen trong hàng trăm năm, nhất là phong trào tự do dân sự vào những năm 1960 do người da đen lãnh đạo, ‘mới có công bằng cho tất cả người dân trên đất Mỹ’.

“Luật Nhập cư 1965 chính là kết quả đấu tranh dân quyền của người da đen,” bà viện dẫn.

“Nhờ vào luật đó mà tất cả mọi người bất kể màu da, sắc tộc, tôn giáo đều có thể vào Mỹ định cư. Luật đó được coi như là một bàn đạp để nước Mỹ sau này tiếp nhận những người tị nạn Việt Nam,” Tiến sĩ Ngọc phân tích

Bà cũng nói thêm rằng các lãnh đạo cộng đồng da đen ở Mỹ từng lên tiếng kêu gọi giới lãnh đạo tiếp nhận người tị nạn Việt Nam sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ.

‘Chịu ơn’

Bà dẫn ra một bài báo trên tờ New York Times vào ngày 19/3/1978 của các lãnh đạo cộng đồng da đen ở Mỹ có tựa đề: ‘Cộng đồng da đen thúc giục Mỹ tiếp nhận người tị nạn Đông Dương’. Trong đó có viết: “Là những công dân trong cộng đồng da đen đang đối diện với thiếu thốn kinh tế nên chúng tôi đồng cảm với những người anh em châu Á đang trong trại tị nạn.”

“Nếu nhà nước của chúng ta thiếu lòng tốt đối với những con người đang bị tước đoạt sự sống này thì nhà nước đó cũng không thể tốt bụng với những người thiểu số da đen,” bài báo trên New York Times viết qua lời dẫn lại của bà Như Ngọc.

Dù nằm trong ‘thiểu số gương mẫu’ nhưng những người Việt trên đất Mỹ ‘không phải là không gặp phải sự kỳ thị,’ Tiến sĩ Ngọc lưu ý.

“Bản thân tôi không bị kỳ thị, nhưng tôi nghe được rất nhiều những câu chuyện về những người Việt Nam lúc mới qua sau năm 1975 và sau này nữa trước khi tạo lập được cộng đồng riêng của người Việt đã gặp rất nhiều sự kỳ thị từ phía người Mỹ trắng,” bà cho biết.

Sự kỳ thị đó vẫn còn kéo dài cho đến hiện nay, cũng theo lời bà. Bà đưa ra dẫn chứng là một người đồng nghiệp của bà lái xe đi vào khu Mỹ trắng đã bị một người phụ nữ da trắng hét vào mặt là ‘Mày hãy cút về xứ của mày đi, đừng có đem con virus (corona) qua đất nước của tao’.

“Đó là sự kỳ thị chung cho mọi sắc dân da vàng chứ không chỉ là người gốc Hoa không,” bà nhận định.

“Người ta cũng quên đi mất là thực sự những việc như là người da vàng được bảo vệ khi đi làm, được chọn mua nhà ở những nơi mình thích phần lớn là nhờ vào sự đấu tranh bền bỉ bằng trí tuệ, bằng máu của người da đen trong cả hàng trăm năm,” bà tiếp lời.

Do đó, bà Ngọc kêu gọi người Việt ở Mỹ không nên bàng quan với phong trào đấu tranh đòi công lý của người da đen. “Chắc chắn có lợi ích của chúng ta trong đó,” Tiến sĩ Ngọc nói.

“Người Việt tị nạn chúng ta phải chịu ơn những cuộc tranh đấu đòi công bằng của người da đen và các sắc dân khác đã đến trước chúng ta từ rất lâu,” bà kêu gọi.

‘Kỳ thị có hệ thống’

Bàn về căn nguyên sự kỳ thị nhắm vào người da đen trên đất Mỹ, Tiến sĩ Ngọc nói bà ‘hoàn toàn không đồng ý’ với ý kiến cho rằng sở dĩ người da đen bị kỳ thị là do lỗi của họ - lười biếng, thiếu phấn đấu, hay phạm pháp chứ không phải hệ thống nước Mỹ phân biệt đối xử đối với họ.

Theo phân tích của bà thì cuộc sống của người da đen ở Mỹ ‘là một vòng lẩn quẩn’ nên mới dẫn đến tình trạng nhiều người da đen không thể thoát ra được.

“Họ khó tìm được công việc tốt nên thu nhập thấp. Họ chỉ sống ở khu tồi tàn, đời sống nghèo khổ dễ dẫn đến phạm tội, bắt bớ, tù đày. Nếu người cha ở trong tù thì con cái lớn lên không có ai dạy bảo. Lại sống ở khu nghèo khổ nên trường học không tốt và khó tìm được công việc tốt,” bà phân tích.

Điểm lại lịch sử để chứng minh người da đen ở Mỹ ‘đã bị kỳ thị một cách có hệ thống,’ Tiến sĩ chính trị học Ông Thuỵ Như Ngọc dẫn ra rằng những người da đen đầu tiên bị cưỡng bức đưa từ châu Phi đến Bắc Mỹ vào năm 1619, cập cảng ở Virginia ‘để bị bắt làm nô lệ’.

“Suốt thế kỷ 17, 18, người châu Phi tiếp tục bị nhập cảng làm nô lệ. Họ phải nai lưng làm việc quần quật dưới đòn roi của những chủ nhân da trắng ở các đồn điền,” bà cho biết.

Mặc dù tham gia chiến đấu và đổ máu để giành độc lập cho nước Mỹ, nhưng sau khi nước Mỹ ra đời thì ‘một người da đen chỉ được tính bằng 3/5 một người da trắng và điều này được hệ thống hóa bằng quy định của luật pháp Mỹ’.

Mãi đến sau khi cuộc Nội chiến 1861-1865 ở Mỹ kết thúc thì người da đen mới được tuyên bố giải phóng hoàn toàn. Nhưng tình trạng phân biệt đối xử và kỳ thị đối với họ vẫn tiếp diễn cho đến phong trào đòi quyền dân sự bùng phát vào những năm 1960.

“Dĩ nhiên trong quá trình đấu tranh đã có những thay đổi nhưng thay đổi rất là chậm,” bà giải thích tại sao những bất mãn về sự kỳ thị vẫn còn âm ỉ trong lòng nước Mỹ. “Phải mất đến mấy trăm năm đấu tranh mới đạt đến đạo luật về quyền dân sự vào năm 1965.”

Do đó, bà cho rằng dù lần này cuộc đấu tranh của người da đen có diễn ra mạnh mẽ đi nữa thì cũng ‘khó giải quyết hết mọi vấn đề có nguồn gốc cả mấy trăm năm’.

“Định chế cảnh sát có muốn thay đổi cũng phải mất rất là lâu. Có thể xuất phát từ địa phương nào đó đi tiên phong để đưa ra hình mẫu mới giúp đỡ trị an trong những cộng đồng còn kỳ thị sắc tộc để cảnh sát không còn nhìn vào màu da để tiên đoán người kia có phải là tội phạm hay không,” bà Ngọc nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG