Đường dẫn truy cập

Giới trẻ Việt ở Mỹ kêu gọi ủng hộ phong trào đòi công lý sắc tộc


Người biểu tình gốc Á giơ khẩu hiệu ghi 'Yellow Peril Support Black Power' trong cuộc biểu tình ở Centreville, bang Virginia (Ảnh do Quinton Tăng chụp)
Người biểu tình gốc Á giơ khẩu hiệu ghi 'Yellow Peril Support Black Power' trong cuộc biểu tình ở Centreville, bang Virginia (Ảnh do Quinton Tăng chụp)

Một số người trẻ Mỹ gốc Việt tham gia hay ủng hộ các cuộc biểu tình đòi công lý sắc tộc tại Mỹ kêu gọi các thế hệ cha anh ‘hãy tìm hiểu những gì đã xảy ra đối với người da màu’ và cùng lên tiếng.

Các cuộc biểu tình ‘Hãy coi trọng sinh mạng người da màu’ (Black Lives Matter) trên khắp nước Mỹ khởi sự từ cái chết của một người Mỹ gốc Phi tên George Floyd sau khi ông này bị cảnh sát khống chế hôm 25/5 ở Minneapolis, bang Minnesota.

‘Thay đổi nhận thức nhờ mạng xã hội’

Anh Quinton Tăng, 25 tuổi, cựu sinh viên Đại học James Madison hiện đang làm kế toán tại thủ đô Washington D.C., là một trong những người trẻ gốc Việt tham gia phong trào này.

Không nói được nhiều tiếng Việt, anh Quinton nói với VOA bằng tiếng Anh rằng ‘lúc đầu anh rất bàng quan và không cảm thấy phẫn nộ’ ngay cả sau khi xem đoạn video cho thấy George Floyd bị cảnh sát quỳ đè lên cổ.

“Bởi vì tôi đã chai sạn trước những sự việc như thế này xảy ra ở Mỹ, những việc đó đã xảy ra quá thường xuyên đến mức tôi bị ru ngủ vào cảm giác mọi thứ đương nhiên là như thế,” anh giải thích.

Tuy nhiên, Quinton đã có sự thay đổi lớn về lập trường khi anh nhận thấy sự bức xúc bùng nổ trên mạng xã hội. Từ đó, anh nói, anh hiểu đoạn video đó có ý nghĩa như thế nào đối với hàng triệu người Mỹ.

“Họ đã thấy hành động đó (của viên cảnh sát) là sự cộng dồn của những gì đã xảy ra ở đất nước này trong hàng chục, thậm chí là hàng trăm năm,” anh cho biết và nói anh đã bắt đầu tin vào chính nghĩa của phong trào ‘Black Lives Matter’.

“Tôi cho rằng việc họ cất lên tiếng nói để mọi người nghe thấy và để cho những mối quan ngại của họ được cả thế giới nghe thấy là rất quan trọng. Đó là lý do tôi nghĩ rằng các cuộc biểu tình và phong trào vận động trên mạng xã hội sẽ giúp tất cả mọi người chúng ta trở nên tốt hơn,” anh giải thích.

‘Đừng bị lạc hướng về biểu tình’

Về tình trạng cướp phá ‘ăn theo’ các cuộc biểu tình, anh Quinton nói những hành động ấy đã khiến mọi người ‘bị lạc hướng về những gì đang thật sự xảy ra và là cái cớ để mọi người không nghe, không tin vào phong trào đấu tranh’.

“Tôi biết điều này bởi vì sự tập trung của rất nhiều người, nhất là trong cộng đồng gốc Việt, là các hành động bạo loạn và hôi của,” anh phân trần. “Nhưng thành thật mà nói, những cuộc biểu tình này đã xảy ra trên khắp 50 tiểu bang và vô số các thành phố trong khi chúng ta chỉ nghe có bạo loạn và hôi của chỉ ở vài thành phố có thể đếm trên đầu ngón tay.”

“Việc có người bạo loạn và hôi của là điều hết sức tồi tệ, nhưng đó không nên là trọng tâm chú ý của mọi người về toàn bộ phong trào,” anh kêu gọi và khẳng định phong trào ‘Black Lives Matter’ ‘không hề dung dưỡng cho những hành động phạm tội này’.

Anh cho biết cuộc biểu tình mà anh cùng bạn gái tham gia tại Centreville, bang Virginia, hôm 5/6 ‘vô cùng ôn hòa và thân ái’. “Không có ai đập phá gì hết,” anh nói và cho biết ba mẹ anh không hề phản đối việc anh xuống đường mà ‘chỉ lo cho sức khoẻ của anh trong lúc còn dịch bệnh virus corona’.

“Những người biểu tình chúng tôi đi trên vỉa hè, không chặn giao thông và cũng không vi phạm luật lệ gì cả. Tất cả chúng tôi đều đeo khẩu trang và cố giữ khoảng cách tương đối xa với nhau. Chúng tôi cũng gửi ra một bản hướng dẫn cần phải làm gì để giữ an toàn khi đi biểu tình trong mùa dịch,” anh cho biết.

Theo lời anh, sau khi đi biểu tình về, hiện nay anh cùng bạn gái ‘tự cách ly trong vòng hai tuần lễ’ và ‘sẽ đi xét nghiệm virus corona trong vài ngày tới’.

“Những người biểu tình không ra đường bởi vì họ muốn ra đường mà vì họ nhận thấy rằng có những điều sai trái cần phải được sửa chữa,” anh phân trần.

‘Đừng thu mình trong cộng đồng’

Quinton nói nhiều người đồng trang lứa trong Thế hệ X của anh ủng hộ biểu tình ‘vì thông điệp mà nó truyền đạt và đương nhiên không ủng hộ bạo loạn và cướp bóc’ và ‘vì những gì chúng tôi được giáo dục ở trường học và những gì chúng tôi tìm hiểu rằng có những điều bất công đang diễn ra’.

“Tôi muốn nói với những người gốc Việt khác rằng bây giờ là lúc phải lên tiếng để sửa chữa những gì đã đổ vỡ. Chúng ta không chỉ ngồi yên đợi mọi thứ tự điều chỉnh. Chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy.”

“Tôi đã thấy trong cộng đồng người Việt rất nhiều người không chủ động làm điều đó bởi vì chúng ta giống như sống trong cái vỏ ốc của mình và rằng nếu chuyện đó không ảnh hưởng đến mình thì mình không cần quan tâm.”

“Đối với các thế hệ chú bác trong cộng đồng, tôi muốn nói rằng đây là lý do mà các bậc cha mẹ luôn đặt nặng việc học hành lên con cái. Tôi đã nghe theo lời người lớn để học hành chăm chỉ để có được tấm bằng thạc sỹ. Với tất cả những gì tôi học được, tôi tin rằng mình đang làm điều đúng đắn. Chúng tôi đã nghe theo lời của người lớn vậy người lớn có chịu nghe giới trẻ chúng tôi không,” anh kêu gọi.

‘Khác biệt thế hệ’

Cô Kristine Lý, một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành Sinh lý học và Khoa học Thần kinh tại Đại học California, San Diego, cho VOA biết cô ‘ủng hộ nhiệt thành’ phong trào đòi công lý cho người da màu, nhưng vì trong nhà có người lớn tuổi nên cô không thể ra đường tham gia biểu tình vì ‘sợ bị nhiễm virus corona.’

Thay vào đó, cô quyên góp trên mạng xã hội cho phong trào, cô cho biết và nói phong trào đấu tranh hiện nay ở Mỹ đã cho thấy ‘sức mạnh của mạng xã hội’.

“Là một người phụ nữ Mỹ gốc Á, tôi lớn lên với suy nghĩ rằng cảnh sát chính là an ninh và an toàn,” cô giãi bày bằng tiếng Anh vì không nói sõi tiếng Việt. “Tôi có được đặc ân đó nhưng không phải tất cả mọi người đều giống vậy, nhất là đối với những người da đen trong nhiều năm qua.”

“Ba mẹ tôi đã làm việc vất vả và hy sinh rất nhiều để tôi được vào đại học và đạt được ước mơ của mình, giờ đây tôi phải làm sao vận dụng những gì đã học để tiến về phía trước,” cô cho biết.

“Tôi nhận ra rằng tôi phải tranh thủ phong trào đấu tranh vào lúc này và vận dụng những kiến thức mà tôi đã học được để ủng hộ chính nghĩa và đấu tranh cho công lý. Thật là hay khi có rất nhiều người trẻ xuống đường tuần hành và tranh đấu cho quyền của họ và cho những gì họ tin vào,” Kristine nói.

Tuy nhiên, cô gái trẻ gốc Việt thừa nhận những người lớn tuổi trong cộng đồng người Việt ‘không chia sẻ quan điểm của cô về cuộc biểu tình’.

“Tôi không nghĩ sẽ là khôn ngoan nếu những người trẻ chúng tôi tìm cách tranh luận và hét vào mặt ba mẹ rằng tại sao cha mẹ không tin vào những gì con tin? Tại sao cha mẹ không tin vào chính nghĩa của ‘Black Lives Matter’,” cô giãi bày và cho rằng cách tốt nhất là tìm khoảng giữa (middle ground) để dung hòa lập trường của hai bên.

“Họ sống một cuộc sống rất khác. Họ không có những trải nghiệm giống như người da đen. Tôi hiểu lý do tại sao họ tin tưởng vào những gì họ đang tin tưởng,” cô giải thích.

VOA Express

XS
SM
MD
LG