Đường dẫn truy cập

Người Mỹ gốc Á và kỳ thị chủng tộc: Bất cứ ai cũng có thể là George Floyd


Một người Mỹ gốc Á tham gia biểu tình Black Lives Matter đòi bình đẳng cho người Mỹ da đen ở Washington DC. Có một sự tranh luận về chủng tộc trong cộng đồng gốc Á sau cái chết của George Floyd đó có sự liên quan của một cảnh sát gốc Hmong.
Một người Mỹ gốc Á tham gia biểu tình Black Lives Matter đòi bình đẳng cho người Mỹ da đen ở Washington DC. Có một sự tranh luận về chủng tộc trong cộng đồng gốc Á sau cái chết của George Floyd đó có sự liên quan của một cảnh sát gốc Hmong.

Sự liên quan của một cảnh sát gốc Hmong trong cái chết của một người Mỹ gốc Phi, nguyên nhân thổi bùng lên các cuộc biểu tình trong hơn 2 tuần qua ở Mỹ, đã làm dấy lên sự tranh luận về chủng tộc trong cộng đồng gốc Á ở Mỹ. Trong khi các lãnh đạo cộng đồng kêu gọi ủng hộ người da đen trong các cuộc biểu tình ôn hoà đòi bình đẳng thì có những người gốc Á lại nhìn người gốc Phi qua lăng kính của người da trắng.

Trong video được quay bằng điện thoại và được đăng tải trong tuần qua trên truyền thông và mạng xã hội, một cảnh sát da trắng, Derek Chauvin, quỳ gối trên trên cổ của người đàn ông da đen 46 tuổi, George Floyd, hơn 8 phút ở Minneapolis hôm 25/5, trong khi một cảnh sát gốc Á đứng gần đó – sau này được xác định là ông Tou Thao, người Mỹ gốc Hmong 34 tuổi – để ngăn những người qua đường tránh xa khu vực đó.

Ông Floyd sau đó đã tử vong trong lúc bị giam giữ ở đồn cảnh sát và cái chết của ông làm dấy lên các cuộc biểu tình để phản đối bất bình đẳng chủng tộc và nạn cảnh sát sử dụng vũ lực thái quá trên các thành phố lớn ở khắp nước Mỹ từ 28/5.

Tranh luận chủng tộc

“Một trong những cảnh sát đó là người gốc Á, chỉ đứng và không hành động gì cả,” Bảo Phi, một nhà thơ từng là người tị nạn chiến tranh Việt Nam hiện đang sống ở Minneapolis, nói về hình ảnh này. “Không biết liệu những người da đen sẽ nhìn vào bất kỳ ai trong sắc dân của chúng ta với sự phẫn nộ không; Không biết liệu những người châu Á sẽ đứng về phía những người cảnh sát và chống lại người da đen, hay liệu chúng ta sẽ xấu hổ không còn mặt mũi nào nữa.”

Gaosong Heu, một phụ nữ gốc Hmong ở Minneaplolis-St. Paul nói với NPR rằng cô cảm thấy “xấu hổ về hành động sai trái của ông Tou Thao trong vụ giết người này” nhưng hơn thế là “phản ứng trong cộng đồng của cô và gần như là bênh vực ông ấy trong trường hợp này.”

Cựu cảnh sát Thao bị đuổi việc cuối tháng trước và sau đó đã bị truy tố – cùng hai người khác – về tội trợ giúp và tiếp tay giết người. Ông Chauvin bị buộc thêm tội giết người cấp độ 2 sau khi bị buộc tội ngộ sát cấp độ 2, theo tài liệu toà án hôm 3/6.

Người Hmong từng là nạn nhân của cảnh sát khi Fong Lee, một trẻ vị thành niên của cộng đồng này bị một cảnh sát da trắng ở Minneapolis giết chết hồi năm 2006, và người cảnh sát này đã không bị trừng phạt.

Ông Bảo Phi phân vân rằng liệu “những cộng đồng của chúng ta có còn nhớ những liên minh giữa người Hmong, người da đen và những người không phải da trắng khác trong cuộc tranh đấu vì công lý cho Lee” hay không.

Hôm 31/5, mẹ của Lee đã ra trước công chúng với một bài phát biểu đầy xúc động, trong đó bà khích lệ cộng đồng người Hmong đứng về phía cộng đồng người da đen. Nói về cái chết của Floyd, bà gọi “đây là điều làm chúng ta đau đớn. Chúng ta phải cùng chung tay với họ.”

Có khoảng 64.000 người Hmong, có nguồn gốc từ Lào, Việt Nam và một số vùng của Trung Quốc, đang sinh sống ở Minneapolis-St.Paul và theo cuộc điều tra thăm dân số Mỹ năm 2010, cộng đồng người châu Á tăng nhanh hơn bất cứ nhóm chủng tộc nào khác ở Mỹ trong vòng 10 năm từ năm 2000.

Nhiều người trong cộng đồng gốc Á có sự kỳ thị ngầm đối với người da đen, theo Catherine Tran, một người Mỹ gốc Việt đang sinh sống ở California, và theo cô đây là “thời điểm quan trọng đối với người Mỹ gốc Á để giải quyết và tích cực chống lại sự kỳ thị và chống người da đen trong cộng đồng của chúng ta.

“Chúng ta phải khiến những thành viên trong cộng đồng của chúng ta, như (cựu cảnh sát) Thao, chịu trách nhiệm cho những hành động của họ và đối mặt với chính sự kỳ thị người da đen của chúng ta,” Catherine Tran nói.

Nhà thơ và nhà hoạt động Ed Bok Lee nói với NPR rằng có những người Mỹ gốc Á chống người da đen vì có thể là họ “nhìn người da đen qua một lăng kính bá quyền da trắng về kỳ thị và phân biệt chủng tộc kiểu thuộc địa”. Ông Lee nói đây là “lúc nhìn lại mình” cho những người Mỹ gốc Á và để tận dụng được khoảnh khắc này, người Mỹ gốc Á cần mở lòng thật nhiều về những chấn thương từ lịch sử kỳ thị và thuộc địa.

Người gốc Á trong những tháng gần đây là nạn nhân của sự kỳ thị ở Mỹ khi họ bị tấn công bằng cả lời nói và trên thân thể vì nguồn gốc đại dịch virus corona xuất phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Ai cũng có thể là George Floyd

Tuy nhiên giới trẻ trong Mỹ gốc Á, đặc biệt là cộng đồng Việt, không trải qua sự kỳ của người da đen mà thế hệ lớn tuổi gốc Việt khi mới sang Mỹ từng trải qua, nên họ không chống người da đen, theo chủ tịch Cộng đồng người Việt ở Houston và vùng phụ cận. Người từng là trung tá lục quân Hoa Kỳ nói ông ủng hộ giới trẻ tham gia các cuộc biểu tình đòi công lý cho người Mỹ gốc Phi.

“Chuyện xảy ra với George Floyd cũng có thể xảy ra với mình. Khi người ta kỳ thị chủng tộc Mỹ đen thì người ta cũng có thể kỳ thị chủng tộc mình. Người gốc Việt cũng là một nhóm sắc dân thiểu số và dân nhập cư nên sẽ có thể là mục tiêu kỳ thị của những nhóm thượng đẳng da trắng như KKK,” ông Quốc Anh nói và cho rằng thế hệ trẻ gốc Việt lo lắng cho tương lai của họ. Do đó ông hiểu được việc người trẻ muốn tham gia biểu tình để đòi công lý để sau này không bị là nạn nhân của kỳ thị chủng tộc.

Theo ông Quốc Anh, người Mỹ da đen đã từng đấu tranh cho nhân quyền thời những năm 1960, và điều đó giúp cho cộng đồng người Việt khi sang Mỹ được hưởng những quyền đó.

“Người Mỹ đen thắng (giành quyền bình đẳng cho người thiểu số) thì mình cũng thắng. Mình cũng phải cám ơn họ. Mình nên giúp người Mỹ đen trong việc cải biến việc kiểm soát của cảnh sát sao cho tốt đẹp hơn.”

Phong trào biểu tình ở Mỹ sau cái chết của George Floyd sau đó đã lan san nhiều quốc gia khác, trở thành cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Tại Mỹ, những người biểu tình đã kêu gọi dừng cấp ngân sách cho lực lượng cảnh sát vì sự tàn bạo của họ đối với người da đen.

Dân biểu gốc Việt của Hạ viện tiểu bang Massachussett, Trâm Nguyễn, kêu gọi tất cả mọi người “dùng mọi diễn đàn và tăng cường sức mạnh của chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào để đối mặt với sự kỳ thị trong cuộc sống, luật lệ và các thể chế của chúng ta.”

Ông Hoàng Murphy, một người Mỹ gốc Việt hiện đang tranh cử vào Hạ viện tiểu bang Minnesota đại diện quận 67A, nói rằng “cái chết gần đây của George Floyd do cảnh sát Minneapolis gây ra nên là một sự nhắc nhở sâu đậm rằng không có cuộc sống nào của chúng ta có ý nghĩa cho đến khi cuộc sống của người da đen có ý nghĩa.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG