Đường dẫn truy cập

Na Uy


Trịnh Hội và vị dân biểu ở Na Uy
Trịnh Hội và vị dân biểu ở Na Uy

Cuối tuần vừa rồi đọc tin tức trên mạng tôi mới biết được là cơ quan UNDP, viết tắt của 4 chử United Nations Development Program, chuyên hỗ trợ các chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc vừa phát hành Bản Chỉ Dẫn Phát Triển Nhân Loại (Human Development Index – HDI) năm 2010 cũng là năm kỷ niệm lần thứ 20 của bản báo cáo này.

Đây là bản thống kê hàng năm sắp hạng về sự phát triển của hầu hết các nước trên thế giới và thường được cho là có giá trị nhất cũng như được công nhận là công bằng và khách quan nhất. Không như những bản thống kê khác sắp hạng các nước tùy theo mức lương trung bình của mỗi người dân hay tổng sản lượng quốc gia, bản thống kê HDI chỉ sắp hạng mỗi nước sau khi xem xét các dữ liệu liên quan đến những vấn đề cơ bản trong xã hội như: y tế, giáo dục, mức lương trung bình, trình độ học vấn, sự bình đẳng giới tính, tuổi thọ, v.v…

Năm nay có tất cả 169 nước được sắp hạng HDI (ngoại trừ một số nước nhỏ như Cuba hoặc Bhutan, Liên Hiệp Quốc không có dữ liệu chính thức) và đứng đầu sổ là Na Uy. Kế tiếp theo đứng ở hạng hai là Úc, hạng tư là Mỹ, hạng tám là Canada, hạng 97 là Philippines và hạng 113 là… Việt Nam.

Tôi nhắc đến những nước này vì sau khi đọc xong bản báo cáo HDI năm nay, nó làm tôi nhớ lại câu chuyện dưới đây xảy ra lúc tôi vẫn còn ở Philippines cách đây 5 năm về trước.

Số là trong nhóm người Việt tỵ nạn ở Philippines lúc ấy có một gia đình tôi rất thân vì họ đến ở nhờ văn phòng cùng với tôi và một số anh chị em thiện nguyện viên khác. Sau 16 năm bị kẹt ở Philippines, vào năm 2005, họ đã cùng một lúc được 3 nước nhận cho đi định cư. Đó là Mỹ, Canada và Na Uy.

Mỹ vì chương trình tái định cư người Việt tỵ nạn sau bao năm tranh đấu đã được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận. Canada và Na Uy cũng vì lý do tương tự sau khi cả vợ lẫn chồng đều có bà con sẵn sàng làm giấy bảo trợ và được chính phủ đồng ý cho đi định cư qua diện ‘đặc biệt nhân đạo’.

Đúng là ở đời ai cũng có số. Làm thân tỵ nạn vô tổ quốc gần 20 năm chẳng có ma nào dòm. Bỗng nhiên vào một ngày đẹp trời tự nhiên được cả ba nước giàu có nhất nhì trên thế giới sẵn sàng cho nhập cư với tư cách là người tỵ nạn và được hưởng tất cả mọi lợi ích xã hội kể cả tiền máy bay và sữa cho con.

Thế là anh Hòa và chị Yến, cặp vợ chồng đang ở chung với tôi, đành phải vào văn phòng gặp tôi để xin cho biết ý kiến. Vì lúc ấy ngoài tôi ra chẳng có ông tỵ nạn nào đã từng sống hoặc đi qua cả 3 nước!

Mà tôi thì đã biết gì nhiều. Trước năm 2005 tôi chỉ mới sang Mỹ được vài lần để vận động cho vấn đề thuyền nhân. Đối với tôi nước Mỹ đúng là một cường quốc, một nơi có và cho rất nhiều cơ hội để những người dân bình thường có dịp thăng tiến, đặc biệt là những người tài giỏi. Nhưng nó không phải là một xã hội bình đẳng nhất thế giới và cũng chẳng phải là một nơi có nhiều chương trình phúc lợi xã hội dành cho người nghèo hoặc những người tỵ nạn cần nhiều sự giúp đỡ lúc ban đầu.

Canada cũng thế và không để lại nhiều ấn tượng cho tôi lắm. Nó cũng tương tự như Mỹ và tuy các chương trình phúc lợi xã hội, y tế miễn phí có phần hơn Mỹ nhưng không thể nào so sánh được với Na Uy. Đặc biệt là về các chương trình giáo dục để hòa nhập vào cuộc sống của người bản xứ và nguồn dự trữ tài nguyên (như dầu hỏa) được đầu tư lâu dài để đào tạo người dân trong tương lai không một nước nào sánh bằng.

Lúc ấy anh Hòa và chị Yến đã có 3 mặt con, đứa con trai lớn nhất đâu chỉ được trên dưới mười tuổi. Nếu sang Na Uy, chỉ cần cả gia đình đồng ý đi học tiếng Na Uy trong hai năm đầu, mỗi tháng chính phủ sẽ cấp cho khoảng 2 ngàn đô chưa tính tiền nhà được cho ở miễn phí.

Nhưng điều mà làm cho tôi nhớ nhất không phải là những con số đáng kể ấy mà là sự đối xử của người dân bản xứ, kể cả những người có quyền lực, được trọng vọng đối với những kẻ khốn cùng trong xã hội.

Cũng như một số bạn đọc đã biết lúc ấy là khoãng thời gian tôi thường tìm đến gặp các quan chức, dân biểu, thượng nghị sĩ các nước để xin họ thay đổi chính sánh và nhận nhóm người Việt tỵ nạn này. Từ Úc tôi sang Mỹ, Canada, Thụy Sĩ và trong lúc đang đi học Master ở Anh vào năm 2002 tôi đã một mình bay sang Oslo thủ đô của Na Uy để bắt đầu cuộc vận động ở bên ấy.

Tôi còn nhớ hôm vào quốc hội Stortinget của Na Uy lần đầu tiên để gặp một dân biểu đại diện cho một đảng lớn ở đó. Theo thông lệ sau khi thông báo cho nhân viên gác cổng là tôi có hẹn vào gặp, tôi ngồi ở phòng tiếp tân chờ phụ tá của ông ấy xuống để dẫn tôi lên. Điều này thật ra cũng bình thường, ngoại trừ ở quốc hội Mỹ là nơi bạn có thể tự đi thẳng vào văn phòng của các dân biểu, thượng nghị sĩ mà không cần phải có người hướng dẫn.

Chỉ trong vòng vài phút là anh phụ tá đã có mặt. Chân đi đôi giày thể thao, quần áo gọn gàng với chiếc áo vest khoác ngoài không mang cà vạt, với gương mặt trông chỉ độ hơn 30 ngoài, nhìn thoáng qua tôi đã có nhận xét là hình như ở Na Uy người dân và công chức họ không rườm rà hay có những câu nệ quá mức. Vừa đi lên văn phòng vừa thân mật hỏi thăm cảm tưởng của tôi về thành phố Oslo, anh ta cho tôi có cảm giác như tôi vừa bước vào thăm nhà của một người bạn thuộc thành phần trung lưu chứ không phải là quốc hội của quốc gia giàu nhất thế giới.

Bước vào văn phòng và sau khi tự mình đi lấy trà nước mời khách uống, anh lại hỏi tiếp tôi về số phận của những người Việt tỵ nạn còn kẹt lại ở Philippines và cuộc sống của họ trong những năm tháng vừa qua. Tôi trả lời đến đâu anh lại hỏi và cố tìm hiểu thêm đến đấy. Cứ như chính anh mới là người phải làm việc với tôi. Trong khi đó thì ông boss của anh không hiểu sao chẳng thèm xuất hiện.

Dông dài năm mười phút sau tôi nóng ruột mới hỏi khi nào thì tôi mới gặp được ông dân biểu vì tôi sợ tôi sẽ bị trễ cho một cuộc hẹn khác.

Và các bạn biết sao không? Đến lúc ấy anh ta mới nói chính anh là ông dân biểu mà tôi muốn gặp!

Giỡn chơi hả anh. Dân biểu mà trẻ đến thế à? Chân lại mang giày thể thao ngay trong phòng làm việc tại quốc hội? Và đặc biệt hơn… chính ông, một dân biểu, lại là người đích thân xuống lầu để dẫn tôi lên?

Thiệt là chuyện lạ bốn phương. Tôi tưởng là sau bao năm gặp biết bao là thứ trưởng, bộ trưởng, dân biểu, từ Âu sang Á, từ Mỹ qua đến Anh tôi đã có đầy kinh nghiệm trên khắp chiến trường… quốc hội nhưng có thể nói chưa bao giờ tôi đã bị hố đậm như lần đó. Báo hại cả hai đã có dịp cười đến chảy nước mắt sau khi ông nghe tôi thành thật kể lại nhận xét của mình lúc ban đầu.

Và đó cũng là lý do tại sao tôi khuyên gia đình anh Hòa nên chọn Na Uy làm quê hương thứ hai. Nếu anh chị còn trẻ, độc thân, còn có thể đi học tiếp để lấy được một hai mảnh bằng thì có thể anh chị nên chọn Mỹ. Hoặc Canada. Vì lúc ấy tiếng Anh của anh chị coi như cũng tạm ổn. Cộng đồng người Việt ở Mỹ không phải nói ai cũng biết là lớn hơn nhiều. Hàng quán, sách báo… muốn mua cái gì cũng có. Nhưng với ba đứa con còn nhỏ, anh chị lại chắc chắn chỉ có thể sang Mỹ để tiếp tục đi cày chứ không phải là đi học, cuộc sống lúc ban đầu và tôi nghĩ là cả sau này cho gia đình sẽ vất vả hơn nếu so với cuộc sống ở Na Uy.

Và thế là anh chị quyết định chọn Na Uy làm quê hương thứ hai sau khi nghe lời khuyên của tôi. Một lời khuyên tuy không dựa vào nhiều kinh nghiệm sống thực tế nhưng nó lại mang tính chất khá khách quan sau khi tôi tham khảo bản báo cáo HDI năm 2005 của Liên Hiệp Quốc. Lúc ấy Na Uy đã đứng đầu. Trong 3 năm liền. Và cho đến hôm nay nó vẫn đứng đầu. Cả thảy 8 năm liên tục.

Nếu là tôi có lẽ tôi cũng sẽ có sự chọn lựa tương tự. Thế còn bạn thì sao? Bạn nghĩ là lời khuyên của tôi đúng hay sai?

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG