Đường dẫn truy cập

Tỵ Nạn


Tỵ Nạn
Tỵ Nạn

Tôi biết là chỉ cần tôi nhắc đến 2 chữ “tỵ nạn” là ngay lập tức sẽ có người than trời bảo là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tôi cũng bảo đảm với các bạn là bài viết này sẽ không bao giờ có thể so sánh được với những bài viết vừa rồi của tôi về công an Việt Nam. Vì không những đề tài này không “ăn khách” bằng mà hơn thế nữa, tôi biết, sẽ không có nhiều người thích tìm hiểu hơn về vấn đề này.

Mặc dù suy ra đây mới là một vấn đề thiết thực hơn và rất cần sự giúp đỡ của chúng ta. Đặc biệt hơn nữa đây mới là một trong những vấn đề mà cộng đồng người Việt ở hải ngoại có dư điều kiện cũng như khả năng để thay đổi vận mạng của hàng chục, hàng trăm người Việt hiện đang sống lây lất ngày này qua ngày khác không tương lai, không nhà cửa ở Thái Lan và Campuchia.

Những đề tài nóng khác liên quan đến tự do, dân chủ cho Việt Nam, công an, cộng sản, v.v…tuy rất quan trọng trong cuộc sống nhưng khó cho chúng ta thực hiện được ngay lập tức những thay đổi mà chúng ta mong muốn. Ngược lại, đối với những vấn đề tồn đọng từ hàng chục năm qua như người Việt tỵ nạn, nếu muốn, chúng ta có thể thay đổi chính sách của cả một chính phủ chỉ trong vòng vài năm và qua đó chúng ta có thể cứu vớt sinh mạng của hàng trăm đồng bào hiện đang sống trong nỗi sợ hãi và lo âu mù mịt.

Có tất cả là 12 gia đình bao gồm 47 người hiện đang tỵ nạn tại Campuchia và 34 hồ sơ tổng cộng là 65 người hiện đang sống trong tình trạng vô tổ quốc (stateless) ở Thái Lan từ những năm 1989, 1990. Cũng giống như những người Việt tỵ nạn từng bị kẹt lại ở Philippines, 65 người Việt ở Thái Lan cũng là những thuyền nhân đến sau ngày các trại tỵ nạn đóng cửa và vì thế họ đã phải trải qua chương trình thanh lọc bất công, hà khắc.

Vào năm 1996 khi tất cả các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á bị đồng loạt dẹp bỏ và tất cả mọi thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương về Việt Nam, họ đã trốn ra khỏi trại để từ đó đến nay sống một cuộc sống không gia đình, không nhà cửa, không một tấm giấy tùy thân. Họ sống rải rác ở Bangkok và làm tất cả những gì mà họ có thể làm được để nuôi sống bản thân. Nếu không may bị cảnh sát Thái Lan bắt, họ đành phải vào tù ngồi cho đến ngày…tự mình lo lót để được thả.

Cuộc sống của những thuyền nhân Việt Nam cuối cùng là thế. Ngày này sang ngày khác. Năm này sang năm khác. Đến hôm nay đã là 21 năm.

Riêng nhóm người Việt tỵ nạn ở Campuchia có phần khác biệt hơn. Phần lớn họ là những người bất đồng chính kiến, chống đối chế độ ở Việt Nam trong những năm qua và sau khi bị truy bắt hoặc hà hiếp, họ buộc phải chạy sang Campuchia xin lánh nạn và nhờ Liên Hiệp Quốc can thiệp. Thể theo luật tỵ nạn quốc tế hiện hành, họ được Cao uỷ Tỵ nạn công nhận là những người tỵ nạn thực thụ. Tuy nhiên, họ lại không được Cao ủy giới thiệu cho đi định cư ở một nước thứ ba vì Cao ủy vẫn cho là Campuchia là một nước “an toàn”, không nguy hiểm đến tính mạng của những người Việt tỵ nạn.

Và đây cũng là mấu chốt của vấn đề. Đối với riêng tôi, Campuchia không thể nào là một nước “an toàn” đối với những người Việt tỵ nạn hiện đang bị chính phủ Việt Nam truy lùng, hà hiếp. Đã có ít nhất một trường hợp, một nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam sau khi chạy sang Campuchia lánh nạn, một thời gian sau bỗng mất tích, không ai biết được anh đi đâu kể cả gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam. Theo sự phỏng đoán của một số người Việt tỵ nạn cũng là bạn của anh ở Campuchia cho biết, anh đã bị công an mật vụ Việt Nam bắt cóc và ép giải về Việt Nam.

Vào đầu năm nay khi văn phòng VOICE bị chính phủ Campuchia buộc phải đóng cửa ở Siem Reap, họ cũng cho lý do đó là vì những việc làm của VOICE “chống đối” nước láng giềng Việt Nam. Mặc dù VOICE từ ngày thành lập đến nay chỉ làm một việc duy nhất đó là giúp đỡ những người Việt tỵ nạn bơ vơ vô tổ quốc và 2 năm sau này chống lại tệ nạn buôn bán trẻ em Việt Nam ở Campuchia. Sau một thời gian tìm hiểu ở Phnom Penh, tôi được cho biết là lệnh được đưa ra từ chính văn phòng phó thủ tướng chính phủ Campuchia sau khi nhận được lời yêu cầu từ…công an Việt Nam. (Rõ chán! Sao lúc này tôi đi đâu cũng gặp mấy ông anh này).

Đó cũng là lý do tại sao tôi và một số bạn bè thân hữu hiện vẫn đang cố tìm một giải pháp an toàn và thiết thực cho những người Việt tỵ nạn ở Campuchia. Vào năm ngoái, sau một thời gian tranh đấu cùng với cộng đồng người Việt ở Canada, chúng tôi đã được cho biết là nếu như cộng đồng chúng ta sẵn sàng bảo trợ nhóm người này, Canada sẽ cứu xét hồ sơ xin định cư của họ. May thay chỉ trong vòng vài tháng chúng tôi đã tìm được đủ 2 nhà thờ và một ngôi chùa đồng ý đứng ra bảo trợ. Vào đầu năm nay tất cả 12 hồ sơ đã được nộp.

Nhưng rất tiếc tuần trước VOICE được thông báo là luật di trú của Canada vừa thay đổi và bắt đầu từ bây giờ mỗi năm, mỗi hội đoàn chỉ có thể bảo trợ tối đa là 2 gia đình và những trẻ em đi kèm phải tách ra làm hồ sơ riêng nếu trên 22 tuổi. Thế là bỗng nhiên chúng tôi nay phải cố tìm ra cho được thêm 6 người bảo trợ. Hoặc 3 hội đoàn, chùa, hoặc nhà thờ ở Canada.

Viết dông dài tới đây chắc có lẽ các bạn cũng biết ý tôi đang muốn nói gì. Đó là tôi mong đối với những bạn đọc ở Canada, nếu có thể, các bạn giúp tôi tìm ra thêm dùm 6 người bảo trợ cho 6 hồ sơ vừa bị từ chối vì chưa có người bảo trợ. Công việc thật ra sẽ không tốn nhiều công sức của các bạn và điều kiện sẽ tùy vào tiểu bang mà người bảo trợ hiện đang cư ngụ. Hơn thế nữa có thể nói phần lớn việc này chỉ liên quan đến vấn đề thủ tục vì hiện tại 6 hồ sơ này đã có 2 nhà thờ và một chùa đồng ý đứng ra giúp đỡ. Họ chỉ không thể đứng ra trực tiếp làm đơn được nữa vì luật pháp không cho họ bảo trợ hơn 2 gia đình.

Sự việc chỉ có thế. Mong các bạn giúp một tay. Trước tiên là cho những người Việt tỵ nạn kém may mắn ở Campuchia. Và nếu có thể sau này là cho 65 thuyền nhân cuối cùng còn sót lại tại Thái Lan.

Xin cảm ơn các bạn trước nhé. Mọi thắc mắc xin liên lạc thẳng về địa chỉ email của tôi: hoitrinh@hotmail.com

Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG