Đường dẫn truy cập

Jakarta, Mùng 9 Tháng 11 Năm 2010


Tổng thống Obama đọc diễn văn tại trường Đại học Indonesia
Tổng thống Obama đọc diễn văn tại trường Đại học Indonesia

Hôm qua tại Jakarta, thủ đô của nước Cộng Hòa Indonesia, tổng thống Obama đã đọc một bài diễn văn mà theo báo Time nhận xét được cho là một trong những bài diễn văn có tính chất gần gũi và riêng tư nhất (most personal) từ khi ông nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ.

Bài diễn văn khá dài. Tổng cộng cả thảy gần 12 trang với trên dưới 4.000 chữ. Lúc đọc diễn văn ông lại được khán thính giả nhiều lần vỗ tay khen ngợi nên có thể nói bài diễn văn này nó còn dài hơn là mình nghĩ.

Thế vậy mà tôi đọc một lèo hết cả bài. Sau khi đọc xong tôi còn lên trang mạng YouTube để xem video quay lại phần đọc diễn văn của ông ở trường Đại học Indonesia. Đọc xong tôi mới cảm nhận được rõ hơn cái tài của ông, từ cách đọc cho đến cách chọn lựa câu chữ, khi nào chậm, khi nào dừng hẳn để khán thính giả có thời gian suy ngẫm điều mình vừa nói ra. Và cả những lúc biết nhoẻn miệng cười khi cảm thấy cần thiết.

Ngay cách ông dùng tiếng Indonesia cũng rất dể hiểu, gần gũi và thân thiện. Nó không phải chỉ là những câu chào hỏi thông dụng như chúng ta thường thấy ở những người ngoại quốc muốn lấy lòng khán giả địa phương. Kiểu “anh chị khỏe không” hay “xin chào các bạn” trước khi nhập đề. Mà nó được xử dụng đây đó suốt cả bài diễn văn liên quan đến cuộc sống của ông ở Indonesia lúc chỉ vừa mới lên sáu, lên bảy vào cuối thập niên 1960 cho đến những giá trị căn bản trong xã hội Indonesia với biết bao dân tộc khác nhau, ngôn ngữ, đạo giáo, v.v…

Dĩ nhiên với 4 năm ở Indonesia vào thời thơ ấu, ít nhiều ông cũng đã có những kinh nghiệm lẫn kỷ niệm về cuộc sống và con người Indonesia. Vì như ông đã phát biểu “Indonesia is part of me”. Indonesia là một phần của tôi.

Nhưng để có một bài diễn văn để đời như vậy tôi nghĩ chỉ kỷ niệm thôi chưa hẳn đủ. Nó chỉ có thể làm cho khán thính giả ở hội trường Đại học Indonesia ngày hôm qua rất hài lòng và hãnh diện nhưng chẳng ăn nhằm gì đến những người như… tôi chưa bao giờ có dịp đặt chân đến nước này. Ông cần phải nói về những đề tài cơ bản hơn, những đề tài mà bất cứ ai ở Châu Á cũng có thể cảm thông, chia sẻ.

Và ở đây chúng ta mới thật sự thấy sự khác biệt rất xa giữa những nhà lãnh đạo ở Châu Á và Tổng thống Obama (hay ít nhất ra là sự khác biệt giữa nhân viên soạn diễn văn cho ông và nhân viên của các ông chủ ở Châu Á). Sau phần mở đầu khi ông nhắc đến quãng đời thơ ấu của ông ở Jakarta cùng với mẹ ông và gia đình người cha kế, ông đã đi thẳng vào chương trình và sơ lược qua 3 chủ đề chính của bài diễn văn. Đó là: Niềm tin tôn giáo (Religious Faith), Phát triển (Development), và Dân chủ (Democracy).

Theo ông đây là 3 chủ đề không những có liên quan mật thiết với nhau để cùng thúc đẩy bước tiến cho nhân loại (human progress) mà riêng ở Indonesia và Châu Á nó luôn mang tính cách thời sự, được liên tục bàn cãi nhưng không ngừng tiến triển. Ông đã ca ngợi toàn thể nhân dân Indonesia vì họ đã dám đứng lên đòi quyền tự chủ cho chính họ. Đầu tiên là dành quyền độc lập vào giữa thế kỷ trước. Và vào thập niên 90 đã từ bỏ sự cai trị hà khắc của độc tài mặc dù Indonesia là nước đông dân thứ tư trên thế giới với trên một trăm dân tộc khác nhau sống trên 17,000 đảo lớn nhỏ và đạo Hồi là đạo lớn nhất với nhiều hệ phái, niềm tin phức tạp.

Tuy biết vậy nhưng ông nhấn mạnh: “Like other countries that emerged from colonial rule in the last century, Indonesia struggled and sacrificed for the right to determine your destiny… but you also ultimately decided that freedom cannot mean replacing the strong hand of a colonizer with a strongman of your own”.

(Như những nước khác thoát ách đô hộ của thực dân vào thế kỷ trước, Indonesia đã phải tranh đấu và hy sinh để dành quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình… nhưng các bạn cuối cùng đã quyết định tự do không có nghĩa là thay đổi bàn tay sắt của nền đô hộ với một nhà độc tài của chính mình.)

Ngay sau đó ông giải thích thêm: “Of course, democracy is messy…. You go through your ups and downs. But the journey is worthwhile, and it goes beyond casting a ballot. It takes strong institutions to check the power – the concentration of power. It takes open markets to allow individuals to thrive. It takes a free press and an independent justice system to root out abuses and excess, and to insist on accountability. It takes open society and active citizens to reject inequality and injustice”. (Dân chủ dĩ nhiên cũng rối rắm… có nhiều bước thăng trầm. Nhưng cuộc hành trình này đáng công và nó không hẳn chỉ là đi bỏ phiếu. Nó cần có những định chế mạnh để kiềm chế quyền lực – sự tập trung của quyền lực. Nó cần có những thị trường rộng mở để người dân được phát triển mạnh mẽ. Nó cần có một nền báo chí tự do và một hệ thống tư pháp độc lập để trừ tận gốc sự lạm dụng và thái quá, và buộc mọi người phải có trách nhiệm trả lời. Nó cần có một xã hội rộng mở và những người dân tích cực hoạt động để loại trừ tình trạng bất bình đẳng và bất công,)

Cuối cùng ông kết luận: “Hand in hand, that is what development and democracy are about – the notion that certain values are universal. Prosperity without freedom is just another form of poverty. Because there are aspirations that human beings share – the liberty of knowing that your leader is accountable to you, and that you won’t be locked up for disagreeing with them; the opportunity to get an education and to be able to work with dignity; the freedom to practice your faith without fear or restriction. Those are universal values that must be observed everywhere”. (Tay trong tay, đấy mới là phát triển và dân chủ - sự nhận thức là có những giá trị phổ thông căn bản. Giàu có mà không có tự do thì chỉ là một hình thức của sự nghèo khó. Bởi vì có những ước mơ mà con người ai cũng muốn – sự tự do biết được là người lãnh đạo của bạn phải có trách nhiệm trả lời cho bạn, và bạn sẽ không bị bỏ tù nếu bạn không đồng ý với họ; cơ hội được ăn học và có việc làm xứng đáng với phẩm cách của mình; sự tự do thực hiện niềm tin của mình mà không phải sợ hãi hoặc bị giới hạn. Đó là những giá trị phổ thông căn bản cần phải được tôn trọng ở tất cả mọi nơi”.

Thấy người lại nghĩ đến ta. Không biết những người giàu ở Việt Nam có đồng ý với câu “giàu có mà không có tự do thì chỉ là một hình thức của sự nghèo khó” không nhỉ? Quan trọng hơn, chẳng hiểu có ông đảng viên gạo cội nào đó đang ở Hà Nội nếu đọc được những lời phát biểu chân tình như thế này có thấy…giật mình không?

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG