Không cần phải bước ra khỏi phi trường quốc tế Suvarnabhumi, chỉ cần vừa chui ra khỏi máy bay thôi là tôi biết mình đã về lại châu Á. Vì chỉ có ở châu Á mới có cái lạnh nhưng ẩm của…máy lạnh, cái ồn ào ở bất cứ lúc nào, nơi nào, và cái mùi cũng đặc biệt chỉ có ở châu Á mới có. Châu Phi, châu Âu cũng có cái mùi của nó chứ. Nhưng nó hoàn toàn không giống tí nào với cái mùi của châu Á. Sạch có cái mùi của riêng sạch. Dơ có cái mùi của riêng dơ. Thế mới lạ.
Cũng lâu rồi tôi mới có dịp trở lại thành phố Bangkok. Trông bề ngoài nó vẫn thế tuy tôi biết là xã hội Thái không ngừng biến đổi, nhất là hôm qua khi tôi đi ngang qua khu thương mại nổi tiếng Paragorn Central World và thấy cả một phần lớn của khu shop Zen vẫn chưa được sửa sang lại từ hôm nó bị nhóm áo đỏ đốt cháy sau nhiều tuần biểu tình sôi động ở ngay trung tâm thủ đô.
Nhưng rồi thì mọi việc cũng đã qua và cho đến hôm nay cuộc sống của những người dân, các khu phố thương mại, ăn uống lại tiếp tục tấp nập người qua lại. Bước ra phi trường đã có sẵn bến xe taxi công cộng to khoáng đãng không một ai giành giật, chen lấn. Đêm về những khu ăn chơi, mua sắm như ở Sukhumvit, Silom đèn đóm vẫn sáng trưng, những tấm biển quảng cáo vẫn chen nhau nhấp nháy giới thiệu khách hàng tất tần tật những gì có thể bán được. Từ quần áo cho đến đồ nhái giả. Từ những chiếc xe mì, xe trái cây chen chúc bên lề đường cho đến những lời mời gọi khách bộ hành bước vào để được massage ngay lập tức. Chỉ 100 baht thôi. Không đến 5 đô kể cả tiềp tip.
Không biết đối với những người đã từng có dịp ghé thăm đất nước này thì sao, nhưng đối với riêng tôi, Thái Lan thật sự là thiên đường của khách du lịch. Thức ăn rẻ, ngon. Khách sạn có mặt ở tất cả mọi nơi và lúc nào cũng có đủ mọi thứ hạng cho tất cả mọi túi tiền.
Nhưng quan trọng hơn hết là sự phục vụ. Phục vụ kiểu made only in Thailand không nơi nào sánh bằng.
Cũng có thể vì nó nằm ngay trong văn hóa của người Thái Lan. Họ không thẳng thắn như người Tây Phương, cũng không có tính thương mại mua bán tất cả vì đồng tiền của người Trung Quốc. Bởi thế nên họ rất nhỏ nhẹ khi nói chuyện và nhẹ nhàng trong từng hành động, cử chỉ kể cả mỗi lúc chào khách hàng bằng cách chắp hai tay lại, cuối đầu như thể đang sắp…lạy mình. Báo hại mỗi khi tôi thấy họ chào tôi như thế tôi cũng một là gật đầu tỏ vẻ cảm ơn hay hai, nếu đủ thời gian, sẽ chắp hai tay lạy lại để trả lễ.
Thế là trong giây phút ngắn ngủi đó bỗng nhiên tôi thấy mình hiền thêm được một chút. Vừa cảm thấy hơi thẹn là mình chẳng làm được gì để được chào đáp như vậy. Vừa tự suy ngẫm phải chi giữa người và người với nhau, nhất là người Việt Nam, có thể cư xử đẹp và tôn trọng người đối diện như thế.
Cũng có thể là tôi đã bị lai căng nên lúc nào, đi đâu tôi cũng có ít nhiều so sánh văn hóa, dân tộc Việt Nam với người bản xứ. Và mười lần như một tôi luôn nhận thấy người Việt chúng ta còn rất nhiều điều để học ở những dân tộc khác. Kể cả người Thái với những đặc tính rất riêng biệt của họ.
Họ rất bảo thủ. Điển hình là qua việc tuyệt đại đa số mọi người dân đều sùng kính Vua Bhumibol như thể ông là một Phật sống không bất kỳ ai được phép bất kính. Anh có thể là một ông Thủ tướng cầm quyền quan trọng nhất trong chính phủ, hoặc một ông tướng khét ra lửa có thể thay đổi vận mạng của cả một đất nước, nhưng khi gặp vua anh sẽ buộc cũng phải chắp tay quỳ lạy trên gối như tất cả mọi thần dân. Không như Việt Nam chúng ta, trong tích tắc đã gạt bỏ tất cả những gì thuộc về quân chủ vào năm 1945 sau khi buộc Hoàng đế Bảo Đại thoái vị.
Chúng ta thường tự hào là có 4 ngàn năm văn hiến. Nhưng chúng ta cũng nên tự hỏi việc dẹp bỏ một nền quân chủ đã có mặt trên đất nước Việt Nam trong suốt 4 ngàn năm có thật sự thể hiện niềm tự hào của 4 ngàn năm văn hiến đó hay không? Nó đã mang đến những biến động nào trong xã hội? Và thay vào đó là nền tảng chính trị nào?
Quan trọng hơn, tại sao ở những nước tiên tiến, giàu có, phát triển hơn Việt Nam họ vẫn duy trì chế độ quân chủ lập hiến? Từ châu Âu sang đến châu Á. Từ Anh Quốc, Tây Ban Nha, Na Uy cho đến Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, v.v…Hay là họ không thông minh bằng mình? Không thấy được cái dở hơi của nền quân chủ lập hiến?
Thật ra nếu như thay đổi nền quân chủ để thay vào đó là một nước cộng hòa với tất cả những quyền lợi dân chủ căn bản như Úc, Mỹ hay thậm chí Đài Loan, Philippines, Indonesia thì cũng chẳng có gì để đáng bàn. Đằng này, bỏ quân chủ đi để gần 70 năm sau dân tộc Việt Nam cũng chẳng làm chủ được gì, kể cả nơi họ trú ngụ hay chọn cho mình người đại diện trong quốc hội.
Vậy mới đáng nói.
Cứ mỗi lần tôi có dịp sang Bangkok thì tôi lại có những ý tưởng so sánh như thế. Có thể xã hội họ có nhiều biến động hơn xã hội Việt Nam. Cũng có thể là so ra người Thái chưa chắc thông minh hơn người Việt. Nhưng đối với riêng tôi, rõ là dân tộc họ, cha ông họ và chính họ đã lập ra được một thể chế chính trị tốt hơn đất nước Việt Nam hiện tại rất nhiều.
Đấy là chưa kể những món ăn Thái chưa chắc đã thua những món ăn Việt. Và trái cây của họ: xoài, mít, ổi, bưởi, chôm chôm…tất tần tật đều ngon và rẻ vô cùng.
Thôi thì cứ xem như là tôi đã bị hơi quá lai căng vậy.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.