Cũng lâu rồi tôi mới gặp lại chú Ngươn. Chắc cũng phải ít nhất là hơn 3 năm từ hôm tôi ngồi làm hồ sơ cho chú bên cạnh dòng sông Chao Praya ở Bangkok. Hôm ấy tôi phải gặp nhiều người khác nên chỉ chú trọng đến việc phải làm hồ sơ cho xong mà không để ý đến hoàn cảnh của từng người một.
Mà thật ra thì hoàn cảnh của ai cũng éo le. Ai cũng đã có trên 7, 8 năm kinh nghiệm sống trong các trại tỵ nạn ở Thái Lan. Và kể từ lúc trại đóng cửa vào năm 1996 cho đến nay thì ai cũng phải sống một cuộc sống không nhà cửa, không giấy tờ, nay đây mai đó. May thì tìm được một công việc chân tay nào đó sống qua ngày. Không may thì bị bắt vào tù cho đến ngày…tự chuộc mình ra.
Nhưng nếu xét lại tôi thấy trong số 65 người Việt tỵ nạn vô tổ quốc ở Thái Lan có lẽ chú Ngươn là người có hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Vì không như phần lớn những người khác trong nhóm hiện ở độ tuổi 40, 50 ngoài, một số nhỏ đã có gia đình vợ con, chú Ngươn sống một mình và là một trong những người lớn tuổi nhất trong nhóm.
Đặc biệt hơn vì chú là người duy nhất bị cụt một chân, hậu quả của một trận đánh ở Qui Nhơn trước năm 75, lúc chú còn đi lính cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Lúc ấy chú chưa tròn 20 tuổi.
Cũng có thể vì tôi đi làm chuyện thiên hạ kiểu này đã lâu nên ít nhiều tôi đã bị hơi “chai” đối với những câu chuyện như chú Ngươn. Trong 15 năm qua, tôi đã nghe được quá nhiều những câu chuyện hãi hùng, bị hải tặc hãm hiếp, thiếu ăn, thiếu uống, bị đánh đập, ngược đãi, bỏ tù, tự sát, bị bắn chết. Từ Hồng Kông, sang Philippines, đến Thái Lan. Nơi nào cũng có những câu chuyện thương tâm không thể nào viết hết thành lời.
Bởi vậy, đối với riêng tôi việc làm tỵ nạn của tôi và những người bạn đồng hành thuần túy và trên hết là một việc làm nhân đạo, không dính dáng đến chính trị và cũng không phải cho một riêng ai. Khi chúng tôi đi tranh đấu, chúng tôi tranh đấu cho cả một nhóm người không phân biệt hồ sơ nào mạnh hơn, ai là người đáng giúp đỡ hơn.
Vì trên mặt tình cảm cá nhân, đối với tôi ai cũng như ai. Ai cũng đáng giúp.
Nhưng nghĩ lại có lẽ sự suy nghĩ đó chỉ nên được áp dụng khi tôi đi tranh đấu cho họ. Vì những người như chú Ngươn cần nhiều sự thông cảm và giúp đỡ nhiều hơn là chỉ thuần túy làm hồ sơ. Thứ nhất vì chú không thể tự giúp mình trong cuộc sống hằng ngày. Và thứ hai, quan trọng hơn, trong suốt quá trình tranh đấu, thật lòng mà nói tôi không thể biết đến khi nào thì mình mới thành công.
Mặc dù như câu tôi thường nói với những người tỵ nạn lúc còn ở Philippines: chín thua, một được. Nếu đánh bài chín nút thì ở thế của mình nó đã “bù” rồi. Không thể nào tệ hơn được nữa. Vì vậy có một còn hơn không!
Cũng có thể là vậy. Nhưng đối với những người như chú Ngươn có thể chú không còn nhiều thời gian. Như chú Thu ngày nào mới gặp nhau cũng bên dòng sông Chao Praya mà hôm nay đã ra người thiên cổ sau bao năm chờ đợi trong mỏi mòn.
Cũng vì lẽ này mà tuần trước khi tôi gặp lại chú Ngươn, thấy chú vẫn khổ cực ngày qua ngày phải đi ăn xin trên khắp xóm làng ở Thái Lan vì bị tàn tật không thể nào tìm được một việc làm vững chắc, tôi chợt nghĩ có lẽ tôi nên cố gắng thêm một tí. Tôi nên thử viết một bài blog nói về tình cảnh của chú. Và hỏi tất cả các bạn đọc của tôi xem chúng ta có thể giúp chú hay không. Đành rằng tiền bạc không phải là tất cả. Nó cũng sẽ không thể giúp cho chú đến được bến bờ tự do sau 20 năm lưu lạc nơi xứ người.
Nhưng chắc là nó sẽ giúp cho chú vơi đi được chút nào đó nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống tạm bợ này. Sau một ngày lầm lũi riêng một mình bơ vơ không bà con, không quê hương xứ sở chú vẫn có thể cảm nhận được chút tình người được gửi gấm từ những người Việt tỵ nạn từng có cùng cảnh ngộ.
Tôi nghĩ chú không cần nhiều. Nếu chúng ta mỗi người giúp chú 100 đô, 12 người góp lại sẽ đủ để nuôi chú trong vòng 12 tháng tới. Tôi nghĩ chú chỉ cần có thế. Để không còn phải lê tấm thân tàn tật đi xin ăn mỗi ngày trong lúc chờ đợi vận may được đi định cư đến với mình sau bao năm vất vả.
Bạn nghĩ thế nào? Tôi sẽ tìm được 11 bạn đọc có cùng cảm nghĩ như tôi không? Để chúng ta kể từ Giáng Sinh năm nay cho đến Giáng Sinh năm sau ít nhất cũng giúp được một người lẽ ra phải được xã hội cưu mang, đùm bọc từ lúc bị tật nguyền vì quê hương, đất nước.
Một số bạn đọc cho rằng mỗi khi đọc xong những bài blog của tôi đều cảm thấy buồn. Nhưng tôi mong là sau những cảm giác buồn bã đó, buồn cho đất nước, cho thân phận của những kẻ khốn cùng, các bạn sẽ tự mình đi tìm những giải pháp tốt đẹp hơn. Trong trường hợp này nếu muốn các bạn có thể email thẳng cho tôi (hoitrinh@hotmail.com) và sau khi cùng chung sức đóng góp, chúng ta sẽ gửi thẳng sang cho chú Ngươn trước thềm năm mới.
- Thay mặt chú Ngươn tôi xin có lời cảm ơn trước gửi đến tất cả các bạn.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.