Đường dẫn truy cập

Quà Tết Cho Chú Ngươn


Chú Ngươn (trái) bị cụt một chân, hậu quả của một trận đánh ở Qui Nhơn trước năm 75, lúc chú còn đi lính cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Chú Ngươn (trái) bị cụt một chân, hậu quả của một trận đánh ở Qui Nhơn trước năm 75, lúc chú còn đi lính cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi đang ngồi trên máy bay. Tôi đang bay từ Washington DC đến Ottawa, thủ đô của Canada, để ngày mai đi họp với văn phòng của đương kim Bộ trưởng Bộ Di trú Canada về 65 hồ sơ tỵ nạn còn kẹt bên Thái Lan. Dĩ nhiên đây không phải là lần đầu tiên tôi đến Ottawa để tranh đấu cho những trường hợp này. Và tôi nghĩ chuyến đi chỉ một ngày này cũng sẽ không phải là lần cuối.

Nhưng như ông bà mình thường nói: còn nước còn tát. Biết đâu cũng như ở Philippines, chúng tôi sẽ gặp may và vào một ngày đẹp trời bỗng nhiên ông Bộ trưởng Jason Kenney ra quyết định nhận hết 65 thuyền nhân Việt Nam đã hơn 20 năm rồi vẫn chưa tìm được một nơi để định cư.

Chắc chắn là hôm đó tôi sẽ vui lắm. Và chú Ngươn cũng sẽ vui lắm. Vui hơn nhiều tin tôi vừa cho chú biết cách đây vài hôm là sau khi trở về lại Washington DC tuần trước tôi đã phát hiện ra là đã có tất cả - các bạn hãy nghe cho rõ – 49 người gửi tiền tặng cho chú Ngươn sau khi đọc bài blog của tôi viết hồi đầu tháng trước.

Và tổng cộng số tiền gom góp được cho đến hôm nay là: $5180. Đây là đô chứ không phải là đồng nhé!

Chắc các bạn vẫn còn nhớ là trong bài blog trước tôi chỉ mong là tôi sẽ tìm được 11 người như tôi để chúng ta có thể giúp cho chú Ngươn khỏi phải đi ăn xin trong vòng một năm có phải không?

Nếu vậy thì xét ra tôi sai quá rồi còn gì. Hay nói chính xác hơn là tôi đã đánh giá thấp hơn 4 lần lòng hảo tâm của các bạn đọc xa gần, của những người tuy không quen biết gì về tôi nhưng đã tin tưởng tôi đủ để giúp một người mà họ cũng chưa hề quen biết. Thế mới thấy thế giới này luôn không ngừng biến đổi và những gì mình nghĩ là mình biết về nó, về nhân tình thế thái, về lòng từ tâm giữa người dành cho người chưa hẳn đã đúng nếu chưa có dịp đưa ra thực nghiệm như trong trường hợp này của chú Ngươn.

Đã có những tấm check, money order được gửi từ Canada, Anh, Thụy Sĩ, Na Uy và Cộng Hòa Czech. Một lá thư gửi kèm 100 đô Úc tiền mặt. Và dĩ nhiên là rất nhiều lá thư được gửi đến từ những bạn đọc ở xứ Mỹ này. Có người chỉ có thể tặng chú Ngươn $40, $50. Nhưng có người cho đến $300.

Đó là lý do tại sao cho đến hôm nay số tiền gom góp được nó… lẻ ra thành $5180 chứ không phải là một con số chẵn, mỗi người một trăm như tôi dự định.

Đó cũng là lý do tại sao cho đến hôm nay tôi mới tạm tổng kết số tiền quyên góp được vì có người phải gửi 2 lần mới đến nơi. Vì lỗi của bưu điện gửi trả về mặc dù họ đã ghi đúng địa chỉ của VOICE ở Washington DC.

Thì ra bưu điện không biết là VOICE đã chuyển về địa chỉ cũ! Báo hại tôi phải email ít nhất cũng phải là 30 lần để giải thích cặn kẽ cho từng người một.

Quả là nó đã làm cho tôi bận thật. Khi tôi và một người bạn thiện nguyện viên khác phải ngồi ghi lại từng tấm check nhận được mỗi ngày và sau đó đi đến nhà băng để deposit vào quỹ giúp chú Ngươn.

Đã vậy còn bị một check lủng!

Nhưng nghĩ lại nhất là sau hôm gọi điện thoại cho chú, nghe được giọng nói mừng rỡ của chú khi nhận được tin, tôi thấy rõ là không bõ công lần này chúng ta đã giúp được đúng người, đúng lúc. Với sự đồng ý của chú, cuối tuần này sau khi từ Ottawa trở về tôi sẽ gửi tiền thẳng sang cho cha Peter Namwong là người hiện đang đỡ đầu cho chú cũng như tất cả các anh em tỵ nạn khác trong suốt thời gian qua.

(Nếu có dịp tôi sẽ viết cho các bạn biết thêm về linh mục Peter Namwong này vì ông là người đã và đang giúp đỡ người Việt tỵ nạn ở Thái Lan từ những cuối thập niên 70, đầu thập niên 80. Cũng nhờ cha giới thiệu mà tôi mới biết về nhóm người Việt thuyền nhân cuối cùng này sau khi công việc của tôi ở Philippines hoàn tất. Và cũng nhờ cha che chở, đỡ đầu mà không biết bao nhiêu người đã không phải ngồi tù hay bị ức hiếp vì không có giấy tờ tạm trú ở Thái Lan).

Thế là lần này chúng ta, tổng cộng 50 người trong cuộc, đã thực hiện được một việc làm có ít nhiều ý nghĩa. Vì tết con Mèo năm nay có ít nhất là một thuyền nhân, một cựu chiến binh không còn phải lê lết tấm thân tàn tật đi ăn xin khắp xóm làng.

Xin thành thật cảm ơn các bạn đã tận tình theo dõi. Và hôm nay thay mặt chú Ngươn tôi cũng xin có lời cảm tạ chân thành nhất gửi đến 49 bạn đọc đã cùng tôi chia xẻ niềm hạnh phúc nho nhỏ này.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG