Khi cuộc chiến Triều Tiên bùng ra vào mùa xuân năm 1950, bà Kim Yong Ha là một đứa bé 7 tuổi. Bà sống với ông bà nội tại một thị trấn của Bắc Triều Tiên gần biên giới giáp với Nam Triều Tiên.
Bà kể lại ngày bà trông thấy mẹ bà lần chót.
Bà Kim cho biết mẹ bà muốn đưa bà về ở chung tại một thị trấn khác, nhưng ông bà nội của bà không bằng lòng vì mẹ bà đã lấy chồng khác sau khi cha bà qua đời. Bà Kim nói rằng tất cả những gì mà bà còn nhớ về ngày hôm đó là mẹ bà đã khóc sướt mướt.
Khi chiến tranh xảy ra, bà Kim cùng với ông bà nội của bà không gặp lại được mẹ bà. Khi cuộc chiến kết thúc năm 1953, thị trấn của bà Kim trở thành một phần của Nam Triều Tiên và mẹ bà vẫn còn ở đâu đó ở miền bắc.
Nhưng bà Kim không hề tuyệt vọng. Trong thập niên 1990 bà bắt đầu tìm cách liên lạc với những người bà con xa ở Trung Quốc. Nhờ đó bà biết được mẹ bà đã qua đời và bà có một người em cùng mẹ khác cha đang sống ở Bình Nhưỡng. Vì không có dịch vụ điện thoại hay bưu điện giữa hai miền Triều Tiên, bà Kim đã trao đổi thư từ với người em trai qua một người trung gian là một người Trung Quốc thường đến Bắc Triều Tiên.
Một số người Bắc Triều Tiên được chính phủ cho phép đến Trung Quốc để thăm gia đình. Bà Kim nói rằng em trai của bà không thể đến Trung Quốc vì sức khỏe không cho phép. Nhưng vào mùa hè năm 2011, người em dâu của bà đã được cấp phép du hành tới Trung Quốc.
Bà Kim đáp máy bay tới Đơn Đông, thành phố của Trung Quốc nằm ở biên giới giáp với Bắc Triều Tiên, để gặp người bà con mà trước đây bà chưa từng giáp mặt. Bà nói rằng bà hy vọng có thể biết được đôi chút về cuộc sống của mẹ bà sau cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Bà Kim nói rằng bà rất xúc động khi gặp người em dâu. Bà đã hỏi rất nhiều về mẹ bà, nhưng người em dâu chỉ gặp mẹ bà trong một thời gian rất ngắn trước khi bà ấy qua đời.
Tuy không nhận được những câu trả lời mà bà trông mong từ người em dâu, bà Kim rất cảm kích về cơ hội gặp được người em dâu. Bà biết rằng đó là một cơ hội mà hầu hết những người Triều Tiên sẽ không bao giờ có được.
Các cuộc xum họp gia đình chính thức, do chính phủ hai nước đứng ra tổ chức, đã bị tạm ngưng từ năm 2010; và không có dấu hiệu nào cho thấy những cuộc đoàn tụ như vậy sẽ được thực hiện lại trong thời gian sắp tới. Vì vậy, một số người Nam Triều Tiên, như bà Kim Young Ja, đã quyết định tự đứng ra sắp xếp.
Theo Hội Hồng Thập Tự Nam Triều Tiên, tổ chức từng giàn xếp các cuộc xum họp chính thức, 800.000 người ở Nam Triều Tiên đang mong được xum họp với thân nhân ở miền bắc.
Tuy nhiên, ông Kim Seoung Gun của Hội Hồng Thập Tự, nói rằng hầu hết những người đó không còn nhiều thời giờ để chờ đợi vì giờ đây họ đang trong lứa tuổi 70 hoặc 80.
Ông Kim nói rằng mỗi năm có chừng 3,600 người qua đời trong lúc chờ đợi được gặp lại người thân - tính đổ đồng khoảng 10 người mỗi ngày. Ông Kim nói thêm rằng ông không biết bên nào có lỗi nhiều hơn trong việc ngưng thực hiện những cuộc xum họp gia đình. Nhưng ông cho biết Nam Triều Tiên đã nhiều lần yêu cầu miền bắc tổ chức thêm những cuộc đoàn tụ và những yêu cầu đó không ngớt bị bác.
Những số liệu của Hội Hồng Thập Tự cho thấy khoảng 10 năm trước, mỗi năm có chừng vài trăm cuộc xum họp không chính thức, nhưng con số đó đã giảm đi vì tuổi tác của những người thân nhân ngày càng cao.
Trong khi hầu hết những người đó không thể trực tiếp gặp mặt người thân của mình, một số người đang làm một việc mà họ có thể làm.
Ông Shin Gu Seo, 79 tuổi, là người đứng đầu một hiệp hội của những gia đình bị ly tán đã đứng ra giàn xếp cho việc trao đổi thư tín giữa hai miền Triều Tiên thông qua Trung Quốc và Nhật Bản.
Ông Shin cho biết trong 20 năm qua tổ chức của ông đã giúp khoảng 400 người Nam Triều Tiên, trong đó có chính ông, liên lạc với thân nhân ở miền bắc.
Ông Shin nói rằng liên lạc thư từ không phải là cách thức làm ông mãn nguyện nhất để tiếp xúc với các anh chị em của ông ở miền bắc, nhưng đó là cách tốt nhất có thể có trong bối cảnh là việc gặp mặt trực tiếp còn có nhiều rủi ro. Ông nói rằng ông cũng gởi quà cho bà con ở miền bắc, như áo lạnh chẳng hạn.
Ông Shin cho biết thư từ mà ông gởi đi và thư từ mà ông nhận được có phần chắc là bị chính phủ Bắc Triều Tiên xem lén, nhưng điều đó không làm cho ông bận tâm. Ông nói rằng được như vậy còn hơn là không thể liên lạc với người thân của ông ở miền bắc.
Đối với bà Jim Young Ja, người đã gặp cô em dâu người Bắc Triều Tiên hồi năm ngoái, thì việc gặp mặt đó là một sự việc nằm ngoài trông đợi của bà.
Bà Kim nói rằng bà cảm thấy may mắn cho dù không được gặp mẹ bà và người em trai. Bà cho biết bà có cảm giác gần gũi với cô em dâu và cuộc gặp gỡ quả là một trải nghiệm tuyệt vời.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các mối quan hệ căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên bị căng thẳng, bà Kim nói rằng bà không tin là bà sẽ có thể tiếp xúc với gia đình của bà ở miền bắc một lần nữa.
Người Hàn Quốc tự sắp xếp các cuộc đoàn tụ với thân nhân ở miền Bắc
- Jason Strother
Việc Bắc Triều Tiên loan báo sẽ phóng một hỏa tiễn tầm xa trong tháng tới đã làm cho căng thẳng gia tăng và ảnh hưởng tới những nỗ lực hòa giải trên bán đảo Triều Tiên. Những nỗ lực này bao gồm những cuộc xum họp gia đình của người dân ở hai miền Triều Tiên, nơi có hàng trăm ngàn người bị chia ly từ khi cuộc chiến Triều Tiên bắt đầu hồi đầu thập niên 1950. Theo tường thuật của Thông tín viên VOA Jason Strother từ Seoul, một số người ở Nam Triều Tiên đang dùng những phương tiện khác để gặp lại người thân trong gia đình.