Trong lúc căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, Seoul đang chuẩn bị để tiếp đón mấy mươi nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Hộïi nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân có mục đích ngăn không cho các phần tử khủng bố có được những vật liệu để chế tạo bom nguyên tử. Nhưng cuộc họp này đang bị che phủ bởi những sự kiện xảy ra ngay bên kia vùng phi quân sự chia đôi hai miền Triều Tiên.
Hôm nay Bắc Triều Tiên cảnh báo Seoul rằng bất kỳ nghị quyết nào tại hội nghị thượng đỉnh liên quan tới chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đều được Bình Nhưỡng xem là một sự khiêu khích “như một hành vi chiến tranh.”
Tuy Bắc Triều Tiên không phải là một đề tài chính thức tại hội nghị thượng đỉnh, các giới chức ở Seoul nói rằng những cuộc họp tay đôi giữa các nhà lãnh đạo thế giới chắc chắn sẽ bàn tới các chương trình hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng.
Tuần trước, Bắc Triều Tiên cho biết họ chuẩn bị phóng một vệ tinh lên quĩ đạo vào trung tuần tháng tư. Loan báo đó gặp phải sự lên án của cộng đồng quốc tế vì bất kỳ một vụ phóng không gian nào của Bắc Triều Tiên cũng vi phạm lệnh cấm của Liên hiệp quốc không cho Bắc Triều Tiên sử dụng kỹ thuật phi đạn đạn đạo.
Loan báo vừa kể dường như cũng đi ngược với một thỏa thuận mà Bình Nhưỡng và Washington cùng công bố hôm 29 tháng Hai, theo đó Bắc Triều Tiên sẽ tạm ngưng các chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng nói rằng thỏa thuận đó vẫn còn có hiệu lực và họ đã mời các thanh sát viên hạt nhân của Liên hiệp quốc quay lại Bắc Triều Tiên.
Ông Leon Sigal, cựu cố vấn chính phủ Mỹ về vấn đề Bắc Triều Tiên, cho biết hoạt động ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên trong tương lai sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu Bình Nhưỡng xúc tiến vụ phóng mà họ nói là phóng vệ tinh quan sát trái đất.
Ông Sigal nói: "Một vụ phóng hỏa tiễn sẽ phá vỡ tất cả mọi sự tin tưởng. Nếu kế hoạch này không được hủy bỏ, những cuộc đối thoại có ích sẽ chấm dứt."
Phát biểu ngày hôm nay tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Seoul, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Yu Woo Ik nói rằng vụ phóng sẽ là vụ phóng thứ ba của Bắc Triều Tiên là phi lý ở một nước mà người dân đang bị đói khổ và bị đàn áp.
Ông Yu Woo Ik nói rằng vụ phóng không gian của Bắc Triều Tiên sẽ là một hành vi khiêu khích trắng trợn và là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Nam Triều Tiên và cộng đồng quốc tế.
Chính phủ Nhật Bản đã hứa “thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân” và cho biết họ sẽ bắn rơi hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên nếu hỏa tiễn đó bay qua lãnh thổ của Nhật.
Các nhà phân tích nói rằng Bắc Triều Tiên có phần chắc đã có vài quả bom hạt nhân nhưng chưa hoàn thiện những kỹ thuật để làm cho quả bom đủ nhỏ để gắn vào phi đạn. Bình Nhưỡng cũng chưa chứng tỏ là họ có khả năng để phóng phi đạn có mang đầu đạn hạt nhân.
Ông Siegfried Hecker, một nhà nghiên cứu của Đại học Stanford ở Mỹ, đã đi thăm Bắc Triều Tiên 7 lần. Năm 2010 các giới chức Bắc Triều Tiên đã cho ông xem một cơ sở tinh luyện uranium có thể dùng để chế bom hạt nhân.
Tại cuộc hội thảo ngày hôm nay ở Seoul về các vấn đề hạt nhân khu vực, giáo sư Hecker nói rằng chủ động giao tiếp và tiến hành các hoạt động ngoại giao là cách duy nhất để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Ông Hecker nhận xét: "Chúng ta có thể làm cho họ hiểu được rằng đó là một gánh nặng rất lớn chớ không phải là một loại tài sản. Nhưng để đạt mục đích đó, họ phải có được một cảm giác an toàn. Vì vậy, chúng ta có rất nhiều chuyện cần phải làm. Và vì vậy, chúng ta phải làm cho cái giá của việc có các loại vũ khí này lớn hơn rất nhiều so với những lợi ích của việc từ bỏ các vũ khí đó."
Cũng tại cuộc hội thảo này, nhà nghiên cứu Peter Beck của Quỹ Á châu nói rằng mọi người nên có một cái nhìn thực tế về việc phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Ông Beck nói: "Chúng ta không thể phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Kết quả tốt nhất mà chúng ta có thể đạt được là một sự đóng băng. Và thật tình mà nói thì đó là điều không thể chấp nhận được đối với Washington, đối với Seoul, và chắc chắn là đối với Tokyo, nhưng đó là thực tế mà chúng ta đang đối mặt. Bắc Triều Tiên xem việc trở thành một cường quốc hạt nhân là một việc có ý nghĩa và giá trị vô cùng to lớn. Việc này mỗi ngày một trở nên gắn chặt hơn với thân phận của họ."
Các nhà quan sát Bắc Triều Tiên cũng cảnh báo rằng sau vụ phóng được gọi là phóng vệ tinh, Bình Nhưỡng có phần chắc sẽ nhanh chóng thực hiện một cuộc thử nghiệm một cơ cụ hạt nhân dưới lòng đất lần thứ ba.
Bắc Triều Tiên cảnh cáo về hội nghị thượng đỉnh hạt nhân ở miền Nam
Bắc Triều Tiên cảnh cáo các nhà lãnh đạo thế giới không được nêu vấn đề vũ khí hạt nhân của họ tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Nam Triều Tiên vào tuần sau. Quốc gia bị cô lập này nói rằng họ sẽ xem bất kỳ tuyên bố nào về vấn đề Bắc Triều Tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân là “một lời tuyên chiến”. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật do thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về từ Seoul.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1